Vài cảm nhận về “Truyền thuyết hoa lộc vừng”

Truyện - Ngày đăng : 08:03, 12/08/2019

“Truyền thuyết hoa lộc vừng” - quyển sách mà bạn đang cầm trên tay - là tuyển tập các bài viết của nữ NSNA Nguyễn Thị Tuyết Minh, đã được lần lượt công bố trên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam trong vòng 10 năm qua. Là bạn đọc, và cũng là cộng tác viên thường xuyên của Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tôi đã đọc khá chăm chú từng bài của các tác giả, trong đó có Tuyết Minh. Có thể nói, trên 20 bài viết của chị đã từ lâu tạo trong tôi những ấn tượng khá đậm nét về tâm hồn, về cảm nhận tinh tế và tình yêu cuộc s
Vài cảm nhận về “Truyền thuyết hoa lộc vừng”

Như đã nói, “Truyền thuyết hoa lộc vừng” chỉ là một tuyển tập chứ không phải toàn bộ các bài viết từ trước đến nay của Tuyết Minh. Chị đã viết khá nhiều, không chỉ là những bút ký đầy chất văn học mà còn có những bài trao đổi về nghề, trước hết là về công việc sáng tạo nghệ thuật trong nhiếp ảnh. Chân thành, cởi mở, đầy thiện chí – đó là đặc điểm trong hàng loạt bài viết về nghiệp vụ của chị. Nhìn chung, Nguyễn Thị Tuyết Minh là một nữ nghệ sĩ rất hiếm hoi trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam vừa cầm máy sáng tác vừa cầm bút ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình về nghề, về công việc sáng tạo nghệ thuật, nói rộng ra nữa là về cuộc đời, về cảnh vật và con người mà chị tiếp cận, trải nghiệm trong quá trình hoạt động nghiêm túc, đầy trách nhiệm của mình. 

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Tuyết Minh có một tình yêu thật đằm thắm đối với Thủ đô ngàn năm văn vật. Không phải tự nhiên mà chị từng thổ lộ tình cảm của mình bằng những lời có sức lôi cuốn mạnh mẽ đến thế: “Yêu! Yêu lắm Hà Nội ơi – một Hà Nội thân thương, gần gũi, diệu kỳ và rất đỗi tự hào…”. Điều ấy thể hiện cụ thể và sinh động trong từng tác phẩm nhiếp ảnh của chị.

Điều ấy cũng thể hiện trong quyển sách mà chị vừa ra mắt bạn đọc. Ở “Truyền thuyết hoa lộc vừng”, ngoài mấy bài viết về chùa Hương – mảnh đất linh thiêng, về Sa Pa trong sương, về Huế thân thương và về Hà Giang lung linh sắc màu, sắc tộc… còn đa phần là những trang viết chứa chan tình yêu của chị dành cho Hà Nội. Tình yêu ấy được gửi gắm kín đáo trong những cảm xúc và ghi chép về hoa lộc vừng, hoa đào, hoa sen, hoa bằng lăng, hoa sữa, hoa ngọc lan, hoa sấu, hoa gạo và những điệp, cúc, hồng, hải đường… Có thể kể đến: “Cảm xúc mùa xuân”, “Ngan ngát sen Tây Hồ”, “Viên ngọc quí chùa Trấn Quốc”, hay “Hà Nội bốn mùa sắc hoa”… Ở các bài viết này, Tuyết Minh không chỉ miêu tả vẻ đẹp bên ngoài của hoa lá, cỏ cây, của phố phường…, không chỉ đề cập những kỷ niệm riêng tư của mình khi nói đến Tháp Rùa, cầu Thê Húc những hàng cây rợp bóng, những hồ nước thiên tạo hay bốn mùa xuân hạ thu đông, mà còn ca ngợi con người Hà Nội thanh lịch, tinh tế, ý nhị, kín đáo, trọng tình trọng nghĩa, sống hết mình. Chị yêu những cô gái Hà Nội đẹp hiền, đảm đang, duyên dáng, và những chàng trai Hà Nội ga lăng, đầy nam tính. Chị nhiều lần khẳng định trong những trang viết của mình: Hà Nội là nguồn cảm hứng sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài nước và đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật để đời – không chỉ trong văn học, nhiếp ảnh, thi ca mà cả trong âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật khác. 

Tuyết Minh từng thổ lộ rằng, chị không phải nhà thơ mà cũng chẳng phải nhà văn, song, qua những trang viết của chị, tôi nhận thấy ở chị tràn đầy chất thơ – mà đó là một phẩm chất cần có ở bất kỳ người nghệ sĩ nào. Nhiều trang viết của chị thực sự đã mở ra những chân trời của hiểu biết, về chiều rộng của không gian và chiều sâu của thời gian. Xin hãy đọc kỹ các truyền thuyết, các sự tích… của hoa lộc vừng, của vùng đất Hương Sơn, của chợ tình Khau Vai, của đền đài lăng tẩm ở Huế, của Sa Pa diệu kỳ, huyền ảo… Đọc những ghi chép ấy, tôi thấy nơi chị thấp thoáng cốt cách của một nhà văn chuyên nghiệp, cần mẫn. Tôi dám khẳng định: nếu toàn tâm toàn ý trau dồi, rèn giũa, phấn đấu trên lĩnh vực văn chương, chắc chắn Tuyết Minh sẽ có những thành công.

Đương nhiên, cốt cách ấy không chỉ cần của một nhà văn. Nhà nhiếp ảnh cũng vậy thôi - bởi vì, như chị nói, muốn chụp được lộc vừng đẹp như ý thì “dân” nhiếp ảnh phải “rình” từ sáng sớm tinh mơ hoặc buổi chiều tà khi hoàng hôn buông xuống. Trong “Truyền thuyết hoa lộc vừng”, dù chị không viết nhiều về công việc “săn” ảnh của mình, nhưng tôi vẫn hình dung ra hình bóng của Tuyết Minh rong ruổi trên các nẻo đường Hà Nội, Huế, Hà Giang, Hương Sơn…, len lỏi trong từng bản làng, khe suối, bước lên những dốc núi cao vời vợi để có được những tác phẩm ưng ý. Không còn trẻ nữa, nhưng chị vẫn dạt dào sức sống, sức sáng tạo. 

Trần Đương