Thanh tra, giám sát ngân hàng: Từng bước thay đổi cơ cấu và thách thức

Tin tức - Ngày đăng : 14:15, 12/08/2019

Một trong những mục tiêu lớn của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là: Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực hiệu quả thanh tra giám sát (TTGS) của NHNN, mở rộng phạm vi giám sát đến các tập đoàn tài chính.
Thanh tra, giám sát ngân hàng: Từng bước thay đổi cơ cấu và thách thức
Ảnh minh họa

Đến cuối năm 2025 TTGS ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel… Để hiện thực hóa mục tiêu này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã từng bước thay đổi về cơ cấu tổ chức lẫn cách thức TTGS.

Những năm gần đây công tác thanh tra ngân hàng tiếp tục có sự thay đổi tích cực từ phương pháp hình thức đến nội dung thanh tra. Trong đó, phương pháp thanh tra được chuyển đổi từ thanh tra đơn lẻ sang thanh tra toàn diện pháp nhân TCTD; đồng thời công tác thanh tra đã có bước phát triển và đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuyển từ thanh tra chấp hành pháp luật sang kết hợp với thanh tra rủi ro. Những thay đổi căn bản này đã giúp thanh tra ngân hàng đánh giá, nhận diện, đo lường và ngăn ngừa rủi ro của các TCTD thay vì xử lý các vi phạm và hậu quả đã xảy ra.

Hình thức triển khai thanh tra cũng được đổi mới theo hướng chỉ đạo mang tính hệ thống, tập trung, thống nhất các cuộc thanh tra pháp nhân từ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đến các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố… Trong 6 tháng đầu năm 2019 TTGS ngân hàng toàn hệ thống đã triển khai gần 400 cuộc thanh tra, hơn 200 cuộc kiểm tra. Từ đó TTGS ngân hàng đã ban hành gần 90 quyết định xử phạt đối với các TCTD và các DN, cá nhân.

Công tác giám sát cũng từng bước đổi mới và tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới, gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát. Cơ quan TTGS ngân hàng đã từng bước chuyển dần từ giám sát tuân thủ sang kết hợp giám sát tuân thủ với giám sát trên cơ sở rủi ro, qua đó góp phần bảo đảm công tác giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

NHNN đã ứng dụng và triển khai các công cụ giám sát giúp cảnh báo sớm rủi ro như mô hình dự báo tài chính (FPM), kiểm tra sức chịu đựng (Stress-testing) đo lường - đánh giá hiệu quả hoạt động (DEA) để phát hiện những xu hướng tiêu cực, cảnh báo sớm rủi ro và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Lãnh đạo NHNN cho biết, hiện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đang thực hiện Hợp phần “Tăng cường khuôn khổ giám sát và quy định ngân hàng” thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường phát triển lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam – BSSD” với các mục tiêu: Hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với nguy cơ mất an toàn hoạt động của TCTD, hệ thống các TCTD và các nguy cơ tiềm ẩn khác; Xây dụng khuôn khổ giám sát can thiệp sớm đối với nguy cơ mất an toàn và các nguy cơ khác trong khu vực ngân hàng; Tăng cường TTGS trên cơ sở rủi ro.

Những biện pháp trên đã giúp hoạt động giám sát ngân hàng đạt được một số kết quả tích cực như: có sự kết nối giữa  công tác giám sát và việc xây dựng kế hoạch thanh tra và thực hiện thanh tra; nhận dạng, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn để kịp thời đưa ra các văn bản cảnh cáo về việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát và quản trị rủi ro đối với các hoạt động có nguy cơ rủi ro cao…

Bên cạnh việc củng cố hoạt động giám sát an toàn vi mô truyền thống, chất lượng của hoạt động giám sát an toàn vĩ mô đã được tăng cường mạnh mẽ. Qua đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã kịp thời có các đề xuất, kiến nghị, thông điệp cảnh báo rủi ro về lãi suất huy động; chất lượng tín dụng, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cấp tín dụng các dự án BOT, BT, tình hình cổ đông, cổ phần, sở hữu chéo, lãi dự thu, tình hình quản trị, điều hành... của hệ thống các TCTD.

Đồng thời, nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn chú trọng đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của TCTD. Phạm vi giám sát được mở rộng bao gồm cả các công ty con, chi nhánh của TCTD ở nước ngoài, sở hữu vốn, đầu tư tài chính của TCTD.

Đặc biệt, NHNN đã ứng dụng, phát triển và triển khai các công cụ giám sát giúp cảnh báo sớm rủi ro như mô hình dự báo tài chính (FPM), kiểm tra sức chịu đựng (Stress-testing), đo lường - đánh giá hiệu quả hoạt động (DEA) để phát hiện những xu hướng tiêu cực, cảnh báo sớm rủi ro và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Bên cạnh đó, quy định trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng tiếp tục được chuẩn hóa sau khi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tham mưu NHNN ban hành Thông tư số 04/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2017/TT-NHNN trong đó bổ sung quy định về áp dụng can thiệp sớm trong giám sát ngân hàng, góp phần bảo đảm kịp thời giám sát, theo dõi, đôn đốc, đánh giá phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng...

Từ sự đổi mới và tăng cường công tác giám sát, nhiều sai phạm, rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các TCTD được phát hiện và NHNN đã kịp thời làm việc trực tiếp và có văn bản cảnh báo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để có các biện pháp chấn chỉnh. Trên cơ sở những sai phạm, rủi ro phát hiện qua công tác giám sát, trong 6 tháng đầu năm 2019, NHNN đã có khoảng 190 văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, cảnh báo rủi ro, yêu cầu TCTD tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, báo cáo nguyên nhân và biện pháp xử lý để giảm thiểu rủi ro.

Theo đánh giá của NHNN, hiện đơn vị thực hiện chức năng giám sát của Thanh tra, giám sát ngân hàng về cơ bản đã nắm bắt đầy đủ thông tin, tình hình hoạt động của toàn hệ thống nên được giao làm đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị thanh tra trực tiếp để tham mưu việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra định kỳ hàng năm của NHNN.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao các đơn vị có chức năng giám sát tại Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thường xuyên có các báo cáo giám sát an toàn vi mô, vĩ mô đối với từng TCTD, từng khối TCTD cũng như toàn hệ thống. Kết luận thanh tra tại các TCTD cũng được các đơn vị chuyển tiếp cho các đơn vị có chức năng giám sát theo dõi, chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện kết luận thanh tra.

Có thể nói  thời gian qua công tác TTGS ngân hàng đã tiếp tục được tăng cường, đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức, hoạt động và phương pháp, nghiệp vụ. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTGS, hoạt động và an toàn của các TCTD tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu quản lý của NHNN và thực tiễn hoạt động của TCTD.

Từ tháng 6/2019 Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoạt động theo mô hình tổ chức mới, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Đây là những bước đệm vững chắc để công tác TTGS đạt được những mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đặt ra.

Thoibaonganhang