Lập lờ giữa thuốc bảo vệ thực vật và chế phẩm diệt côn trùng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:37, 12/08/2019
Với đủ các nhãn hiệu và tên gọi nào là Hổ Gầm (RB CHIVALRY 150SC), Cóc Chúa (FETHOXAN 300SC),… các sản phẩm này hầu như được đăng ký với Bộ Y tế nhưng lại được bán ở cửa hàng vật tư nông nghiệp như thuốc BVTV.
Một hoạt chất hai Bộ quản lý
Theo tìm hiểu của phóng viên, Hoạt chất chlorfenapyr có tên hoá học: [4-bromo-2-(4-chlorophenyl)-1-(ethoxymetyl)-5-(trifluorometyl)pyrrole-3-cacbonitrile]. Trong ngành BVTV hoạt chất này được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu nhưng trong ngành y tế thì hoạt chất này được dùng để diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế.
Nhiều loại thuốc diệt côn trùng, chế phẩm diệt côn trùng chứa hoạt chất chlorfenapyr nhưng được giới thiệu như một loại thuốc bảo vệ thực vật |
Sở dĩ các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV hiện nay đăng ký loại hoạt chất chlorfenapyr trong thuốc diệt côn trùng được là do hoạt chất này hiện nay được hai Bộ cùng quản lý. Đối với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thì hoạt chất chlorfenapyr được Cục BVTV quy định rất rõ thuốc dùng trong ngành nông nghiệp là thuốc BVTV trong đó công dụng được ghi và phân biệt cụ thể là Thuốc trừ sâu; Theo tiêu chuẩn cơ sở và Quyết định số 104-QĐ-BVTV-KH ngày 20/3/2003 của Cục BVTV thì phạm vi áp dụng của thuốc BVTV dạng nhũ có chứa hoạt chất chlorfenapyr dùng làm thuốc trừ sâu.
Trong khi đó, tại Thông tư số: 09/2018/TT-BYT ngày 27 tháng 04 năm 2018 của Bộ Y tế ban hành danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bô Y tế được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế thì hoạt chất chlorfenapyr được dùng trong các sản phẩm như: Nhang (hương) xua, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế; Tấm tẩm hóa chất xua, diệt muỗi (dùng điện hoặc không dùng điện) dùng trong gia dụng và y tế; Dung dịch bốc hơi xua, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế; Bình xịt xua, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế; Chế phẩm dạng bả (bait), bột, gel, kem, sơn (sơn có chứa hoạt chất xua, diệt côn trùng) xua, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế; Chế phẩm màn, rèm, võng, vải, giấy tẩm hóa chất xua, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế; Chế phẩm phun diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế hoặc diệt côn trùng trên máy bay.
Lập lờ giữa thuốc bảo vệ thực vật và chế phẩm diệt côn trùng |
Cần quản lý để tránh lách luật
Việc hiện nay các DN đăng ký với Bộ Y tế để sản xuất các sản phẩm diệt côn trùng cần phải được quản lý chặt chẽ bởi nếu cứ để các DN đăng ký tràn lan như hiện nay thì việc Bộ NN&PTNT loại bỏ một số hoạt chất độc hại ra khỏi danh mục thuốc BVTV và hạn chế cho đăng ký sản phẩm mớicũng chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”.
Mặc dù ngoài vỏ hộp ghi là chế phẩm diệt côn trùng và được in logo của Bộ Y tế trên bao bì nhưng bên trong tờ hướng dẫn sử dùng không khác gì thuốc trừ sâu. Đây là hình né tránh đăng ký mới thuốc BVTV của một số DN bởi DN đăng ký thuốc diệt côn trùng với Bộ Y tế thì Bộ NN&PTNT không quản lý. Nhưng nếu đem sản phẩm này bán cho bà con nông dân như thuốc BVTV thì cơ quan chức năng cần phải kiểm tra xem là thuốc BVTV hay chế phẩm diệt côn trùng.
Việc hai bộ quản lý cùng một hợp chất sẽ gây chồng chéo đồng thời tạo khe hở cho các DN lách luật, bởi nếu đăng ký mới sản xuất thuốc trừ sâu có hoạt chất chlorfenapyr như hiện nay là rất khó, trong khi đó nếu DN đăng ký với Bộ Y tế ở dạng diệt côn trùng thì hoàn toàn không khó. Tuy nhiên, khi đăng ký là thuốc diệt côn trùng hay chế phẩm diệt côn trùng mà lại kinh doanh như thuốc BVTV thì rõ là không công bằng đối với các DN sản xuất kinh doanh thuốc BVTV như hiện nay.
Người nông dân hiện nay cang ngày càng như lạc vào ma trận thuốc BVTV, họ không biết đâu là thuốc BVTV và đâu là thuốc diệt côn trùng, chế phẩm diệt côn trùng. Chưa kể là việc sử dụng sẽ anh hưởng đến sức khỏe người nông dân và môi trường nông thôn…
Dư luận đặt câu hỏi rằng, liệu các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp mà cụ thể là Thanh tra ngành nông nghiệp, Cục BVTV, Quản lý thị trường có nắm được tình trạng trên hay không và hướng xử lý các DN đó như thế nào? Câu hỏi lớn này xin được nhường cho lãnh đạo Cục BTVT, đơn vị quản lý trực tiếp các DN sản xuất kinh doanh thuốc BVTV hiện nay.