Đẩy mạnh hoạt động, đưa lý luận phê bình bám sát thực tiễn
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:49, 13/08/2019
Chiều ngày 1/8/2019 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã tổ chức kỳ họp thứ 6 (nhiệm kỳ 2016 - 2021). PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cùng PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chủ trì kỳ họp.
Kỳ họp thứ 6 của Hội đồng Lý luận, phê bình
văn học nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Đặng Thủy
Bám sát thực tiễn, thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ chuyên môn
Theo Báo cáo hoạt động của Hội đồng 6 tháng đầu năm 2019, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ được giao, từ sau kỳ họp thứ năm đến nay, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đã bám sát thực tiễn, nắm bắt tình hình văn học nghệ thuật nói chung, lý luận phê bình nói riêng thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng đã tư vấn giúp Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực VHNT. Hội đồng đã tổ chức xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đề xuất các giải pháp và 5 kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới; Tổ chức xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT xuất bản năm 2018; Nghiệm thu và thanh lý hợp đồng hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT đối với 14 tác phẩm triển khai năm 2017. Hiện nay, Hội đồng đang khẩn trương tổ chức xét và ký hợp đồng hỗ trợ các tác phẩm sẽ triển khai trong năm 2019, với tổng số 64 đề cương gửi về đề nghị hỗ trợ.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng đã tổ chức tọa đàm khoa học “Xây dựng tiêu chí lựa chọn tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại phục vụ cho việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu, lý luận phê bình hiện nay”; Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học để thực hiện chức năng tư vấn giúp Đảng, Nhà nước những vấn đề thuộc lĩnh vực VHNT; làm việc với Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội để nắm tình hình tư tưởng chính trị của văn nghệ sĩ Thủ đô và bàn việc phối hợp công tác giữa hai bên; giúp Thành ủy Hải Phòng thành lập Hội đồng Giám khảo, các Tiểu ban Giám khảo, chấm các tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tác VHNT chủ đề “Hải Phòng – Khát vọng vươn lên”…
Đồng chí Phan Trọng Thưởng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, Hội đồng đang tích cực triển khai thực hiện các công việc trọng tâm đã được xác định trong Kế hoạch công tác năm 2019, bao gồm: Chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiểt để tổ chức Hội nghị tập huấn về chủ đề “Nâng cao trình độ nhận thức và năng lực quản lý, lãnh đạo văn học nghệ thuật” năm 2019 cho các học viên khu vực phía Bắc tại Hải Phòng và phía Nam thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 8 và 9/2019; mở lớp bồi dưỡng dành cho đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận, phê bình VHNT trong cả nước; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2019; tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc về lý luận, phê bình VHNT; xây dựng đề cương sơ bộ Chương trình tổng kết thực tiễn VHNT Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Chương trình dịch thuật quốc gia…
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng
Phát biểu tại kỳ họp, nhiều đại biểu đánh giá cao các hoạt động của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương thời gian qua đồng thời bày tỏ những trăn trở về các hoạt động của tiểu ban chuyên môn cũng như những vấn đề nóng của lý luận phê bình VHNT. NSND Lê Tiến Thọ cho rằng các tiểu ban cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng, đặc biệt là các Trưởng tiểu ban cần mạnh dạn xây dựng triển khai các hoạt động sao cho hiệu quả hơn. Đại tá, nhà thơ Phạm Khải kiến nghị Hội đồng nên mở các lớp bồi dưỡng, sáng tác tạo điều kiện cho các cây viết trẻ phát triển, đặc biệt là đội ngũ phê bình VHNT ở các địa phương, các cơ quan báo chí.
Từ thực tế của công tác xuất bản hiện nay, PGS. Phạm Quang Long và PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh cho rằng, Hội đồng cần lưu tâm đến vấn đề xuất bản sách, làm sao hạn chế và đẩy lùi những “độc hại” của văn chương, có thêm nhiều những cuốn sách có giá trị đến với công chúng. Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long và nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đức Tân thì nhấn mạnh đến việc giáo dục và lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho lớp trẻ.
Một số thành viên trong Hội đồng cũng đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm tăng cường các hoạt động VHNT bám sát thực tiễn đời sống như: tổ chức các buổi tọa đàm về VHNT phát trên sóng truyền hình, tăng cường hoạt động của các tiểu ban, đẩy mạnh hoạt động phê bình VHNT…
Tổng kết kỳ họp, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng điểm lại những kết quả Hội đồng đã đạt được thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số hạn chế và đưa ra những biện pháp khắc phục. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ lưu ý trong thời gian tới, Hội đồng phải bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao là tư vấn giúp Đảng và Nhà nước những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT, lấy chất lượng tư vấn làm thước đo đánh giá chất lượng các hoạt động của Hội đồng. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng cần phát huy thế mạnh và năng lực của đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia trong Hội đồng trong việc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ yêu cầu các tiểu ban chuyên môn, các đồng chí trưởng các tiểu ban cần tích cực, chủ động hơn nữa, phối hợp thường xuyên với Thường trực Hội đồng, Văn phòng Hội đồng để xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch tổ chức các tọa đàm khoa học, khảo sát thực tế.