Hà Nội sẽ công khai danh tính 11 trường được gọi là quốc tế
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:04, 14/08/2019
Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP về Điều lệ trường thì toàn thành phố Hà Nội chỉ có 11 trường quốc tế. Các trường khác có yếu tố nước ngoài không thể gọi là trường quốc tế được.
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố danh tính các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, cha mẹ học sinh biết được và có cơ sở chọn lựa. Còn xử lý những cái cũ, Sở sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.
Ông Quang khẳng định, để tên gọi của các trường trở nên minh bạch thì tên gọi phải đúng như quy định. Luật đã quy định, tên trường gồm những yếu tố nào thì chúng ta thực hiện như vậy, không có chuyện đăng kí một kiểu rồi gọi một kiểu nhằm đánh lừa phụ huynh.
Với các trường trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế” nhưng cứ đưa thêm mạo danh quốc tế để thu hút học sinh là sai. Do đó, các đơn vị này bỏ các từ mạo danh để tránh gây hiểu nhầm của cha mẹ học sinh, học sinh của trường đó.
Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 11 trường quốc tế. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Theo ông Quang, việc luật hoá tên gọi các trường là cần thiết và cần có cả chế tài xử phạt. Song, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có định nghĩa đầy đủ về trường quốc tế, đồng thời chưa có chế tài xử lý những đơn vị vi phạm. Do đó, hiện nay địa phương vẫn phải tự vận dụng các điều kiện để xử lý.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thừa nhận vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Gateway là sự việc đau lòng, lần đầu xảy ra trên địa bàn Thành phố.
Qua sự việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học cần rà soát, chấn chỉnh ngay công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học, kiên quyết không để xảy ra các vụ việc tương tự trên địa bàn Thành phố.
Trong khi trước đó, trao đổi với báo chí Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Quang Hưng cho biết:
Khoản 1 Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định hệ thống Giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non).
Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.
Do đó, theo ông Hưng, việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau:
Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và “tên riêng” và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định.
Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ ‘quốc tế’ mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định.
Tuy nhiên, tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả. Do đó, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị… về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau như là trang web của trường, của sở giáo dục.
Theo quy định (Thông tư 36/2017/TT-BGDDT), các thông tin liên quan của nhà trường phải được công khai để người dân được biết.
Trước việc nhiều trường tự gắn mác quốc tế để thu hút học sinh trong thì trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động thuộc về ai là vấn đề dư luận đặt ra hiện nay, ông Hưng cho biết:
Nghị định 127/2018/NĐ-CP về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã quy định việc phân cấp quản lý nhà nước trong giáo dục từ trung ương đến địa phương.
Tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, căn cứ Quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên.
Cũng theo ông Hưng, để giải quyết hiện tượng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây đã đẩy mạnh, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm (nếu có).
Từ kết quả rà soát, Bộ sẽ xem xét để hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan