Vu lan rằm tháng 7: Vì sao là bông hồng đỏ, trắng cài trên ngực áo?

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 13:13, 14/08/2019

Ai khi dự lễ Vu lan cũng đều có những cảm xúc khó tả khi đón nhận một bông hồng đỏ hoặc trắng cài trang trọng lên ngực áo để nhớ đến đấng sinh thành. Ý nghĩa của màu sắc bông hồng trên ngực áo này là gì?
Vu lan rằm tháng 7: Vì sao là bông hồng đỏ, trắng cài trên ngực áo?
Lễ Vu lan tổ chức tại chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Độc Lập

Ý nghĩa bông hồng đỏ và trắng

Thông thường, các chùa sẽ tổ chức lễ cúng Vu lan vào đúng ngày rằm tháng 7 âm lịch. Nhưng cũng có một số chùa sẽ tổ chức trước 1 - 2 ngày tùy tình hình và số lượng người đăng ký tham dự lễ.
Ngay từ ngày đầu tháng, những người còn cha mẹ đã đi chùa hoặc ăn chay nguyên tháng để cầu sức khỏe, an lạc cho đấng sinh thành. Còn những người cha mẹ đã quá vãng thì cầu mong cho cha mẹ được siêu sanh tịnh độ.
Trong lễ Vu lan, các sư thầy sẽ giảng đạo, dạy về ý nghĩa của lễ Vu lan và đạo hiếu của con cái với đấng sinh thành. Những người còn cha mẹ sẽ được cài một bông hồng đỏ (hoặc hồng) lên ngực áo, những người không còn cha mẹ thì được cài một bông hoa trắng. Rồi cùng nhau thắp nến tri ân cha mẹ, tụng kinh cầu siêu cho những người thân yêu đã khuất.
Nói về nguồn gốc của việc cài hoa hồng trắng và đỏ, TS Dương Hoàng Lộc cho biết, phong tục cài hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng vào dịp Vu lan là do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào thập niên 60 của thế kỉ trước để tăng thêm ý nghĩa văn hóa cho lễ hội này, nhất là để con cái nhớ về cha mẹ mình, dù cha mẹ còn hay mất.
Vu lan là dịp để nhắc nhớ tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về cha mẹ.

Nguồn gốc lễ Vu lan

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, lễ Vu lan là lễ hội truyền thống của Phật giáo Bắc truyền. Xuất phát từ kinh Vu Lan Bồn nói đến Bồ tát Mục Kiền Liên vì lòng hiếu đạo đi vào địa ngục cứu mẹ nhưng không thành công vì nghiệp tham của bà còn quá nhiều.
Theo đó, Mục Kiền Liên là một trong mười đại đệ tử của Phật, được Phật Thích Ca khen ngợi là “thần thông đệ nhất” trong hàng đệ tử, có mẹ là bà Thanh Đề, không tin Phật, phỉ báng Phật giáo.
Có câu chuyện nói rằng bà Thanh Đề làm bánh bao nhân thịt chó mời các vị sư ăn, khi các vị sư ăn xong phạm vào điều cấm của nhà Phật nhưng bà Thanh Đề là người mang tội (lại có chuyện nói bao nhiêu tiền con đem về bà Thanh Đề phung phí nhưng nói dối là cúng chùa).
Khi chết đi bà Thanh Đề biến thành con ma đói, bụng to như cái bồn nhưng cái miệng rất nhỏ nên bụng đói nhưng ăn không được. Mục Kiền Liên dùng mắt thần nhìn thấy mẹ ở dưới địa ngục như vậy nên đã xuống dâng cho mẹ một chén cơm nhưng khi cầm chén cơm thì chén cơm biến thành lửa.
Vu lan rằm tháng 7: Vì sao là bông hồng đỏ, trắng cài trên ngực áo? - ảnh 1

Các chùa thường cho Phật tử đăng ký tham dự lễ từ sớm đế sắp xếp chỗ ngồi

Độc Lập

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật nói rằng vì mẹ của Mục Kiền Liên tạo nghiệp quá nặng nên chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp).
Vu lan rằm tháng 7: Vì sao là bông hồng đỏ, trắng cài trên ngực áo? - ảnh 2

Không phân biệt tuổi tác, ngày này mọi người đến chùa để cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà

Độc Lập

Từ đó ngày lễ Vu lan ra đời. Vào dịp tháng bảy âm lịch hằng năm, các Phật tử tổ chức cúng dường trai tăng, dâng phẩm vật lên Tam bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu cho những người thân đã mất trong gia đình.

Theo thanhnien.vn