Nhiều giáo viên Hà Nội bị cắt hợp đồng trước thềm năm học mới

Tin tức - Ngày đăng : 15:04, 14/08/2019

Trong khi đợi quyết định cuối cùng về công tác tuyển viên chức ngành giáo dục của Hà Nội, nhiều giáo viên hợp đồng ở huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây đã bị cắt hợp đồng.
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên Toán trường THCS Xuân Sơn (Sơn Tây), cho biết thầy được UBND thị xã Sơn Tây ký hợp đồng giảng dạy tại trường từ ngày 1/9/2002. Đến ngày 31/5, nhà trường chấm dứt hợp đồng. 

17 năm công tác, giờ là con số 0




Thầy Tiến được ký hợp đồng theo từng năm (từ ngày 1/9/2002 đến 31/8/2003; 1/9/2003 đến 31/8/2004, cứ như thế đến 31/5/2019).

Từ ngày 1/9/2002 đến 31/12/2012, thầy được hưởng mức lương 1,0 của lương cơ bản. Từ ngày 1/1/2013 đến nay, thầy được hưởng mức lương 2,1 của lương cơ bản. Từ ngày 1/1/2006, nam giáo viên được UBND thị xã Sơn Tây đóng bảo hiểm xã hội.

Suốt quá trình công tác đến nay, 17 năm, thầy không được tăng lương và không được hưởng bất kỳ phụ cấp hay chế độ ưu đãi gì.

Nhieu giao vien Ha Noi bi cat hop dong truoc them nam hoc moi hinh anh 1
Sau 17 năm công tác, thầy Nguyễn Viết Tiến vừa bị nhà trường chấm dứt hợp đồng. Ảnh: Tiền Phong.

Thầy Tiến cho biết mình là giáo viên dạy giỏi, được phân công luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi của trường THCS Xuân Sơn. Hiện nay, dù đã bị cắt hợp đồng, thầy vẫn được trường ký hợp đồng thỉnh giảng 2 lớp Toán, trong đó có lớp ôn thi học sinh giỏi thị xã.

“Khi cầm quyết định trên tay, tôi rất buồn và lo lắng. Sau 17 năm công tác, giờ đây, tôi nhận được con số 0 tròn trĩnh. Lúc đó, tôi vô cùng hoang mang vì từ nay không được giảng bài cho học sinh thân yêu của mình và ngày càng xa dần bục giảng, nghề giáo mà tôi yêu quý từ nhỏ”, thầy Tiến nói.

Từ khi bị chấm dứt hợp đồng đến nay, biết bao lần thầy thấy lóe lên tia hy vọng được quay trở lại bục giảng khi nghe tin Chủ tịch UBND thành phố nói sẽ xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng từ 5 năm trở lên trước khai giảng năm học 2019- 2020. Nhưng niềm vui ấy giờ trở thành nỗi hoang mang, lo lắng vì năm học mới đang tới gần mà thành phố vẫn chưa ra quyết định về hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 như chỉ đạo của người đứng đầu.

Lỗi tại lịch sử để lại




Cầm trên tay quyết định chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/6, cô Nguyễn Thị Thanh Thùy, giáo viên dạy Ngữ văn, trường THCS Đường Lâm (Sơn Tây), không khỏi buồn.

16 năm gắn bó với nghề, đến năm 2013, cô mới được hưởng mức lương 2,1 lương cơ bản. Đến giờ, cô lại quay về số 0. 16 năm qua, cô Thùy được thị xã Sơn Tây ký hợp đồng 1 năm và cũng như thầy Tiến, không được hưởng bất kỳ chế độ đãi ngộ nào.

Là giáo viên lớp chọn, ôn thi cho học sinh vào lớp 10 đạt kết quả tốt, cô Thùy không khỏi xót xa cho số phận của mình. Cô cho biết mình về trường từ năm 2003 để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn. Ra trường với bao khó khăn, vất vả, cô vẫn đi dạy và cứ chờ đợi một ngày mình được là giáo viên chính thức. 

Nhưng 20 năm nay, thị xã Sơn Tây không có một chỉ tiêu nào tuyển dụng giáo viên môn Văn, mà toàn nhận giáo viên chuyển biên chế từ nơi khác về. “Bao nhiêu năm, bao nhiêu lớp đàn anh, đàn chị về hưu, tôi vẫn cứ trơ ra như thế. Giờ thì bị 'vứt bỏ' không thương tiếc vì lịch sử để lại”, cô Thùy băn khoăn.

Tuy chưa nằm trong diện bị cắt hợp đồng, cô Phan Thị Nhung, giáo viên trường Mầm non Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội), cũng không khỏi lo lắng. Vào nghề đã 21 năm, cô chưa có một chỗ đứng vững chắc trong ngành.

Đợt xét tuyển của huyện Phúc Thọ cách đây mấy năm, cô Nhung đang mang “án” sinh con thứ ba. Đến giờ mới có đợt tuyển dụng lại, cô không rõ số phận của mình ra sao.

Nữ giáo viên cho biết tuy không phải chịu cảnh hợp đồng năm một như đồng nghiệp ở tiểu học, THCS, cô thuộc diện giáo viên hợp đồng theo quyết định 25 của thành phố Hà Nội năm 2012, được hưởng đầy đủ mọi chế độ, nhưng đến giờ mới thấy vẫn chưa có gì chắc chắn trong tay.

Dù thu nhập của nghề giáo không đủ trang trải cuộc sống, hàng ngày, trước khi đến lớp, cô nhận quét dọn hai trường học khác trên địa bàn. Cô Nhung cho rằng nghề giáo là chỗ dựa tinh thần, là tình yêu của cô.

Hiện nay, địa bàn huyện Phúc Thọ có 411 giáo viên hợp đồng ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Người có thâm niên công tác nhiều nhất là 23 năm. Dù có ý kiến kết luận của chủ tịch UBND thành phố, đến nay, Hà Nội vẫn chưa có quyết định tuyển dụng.

Trong khi đó, ngày 25/7, UBND huyện Phúc Thọ ra thông báo thi tuyển viên chức giáo dục. Điều này trái với chỉ đạo của thành phố, làm cho giáo viên hợp đồng của huyện hoang mang, lo lắng.

“Đã cận kề năm học mới, chúng tôi cũng tha thiết đề nghị thành phố chỉ đạo xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng từ 5 năm trở lên rồi thi tuyển với số giáo viên còn lại theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố trước đó”, cô Nhung nói.

Thành phố chỉ đạo xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng lâu năm (từ 5 năm trở lên) thì hầu hết quận, huyện lại đề nghị thi tuyển (21/30 quận, huyện) và có ít quận, huyện, thị xã đề nghị xét tuyển (9/30 quận, huyện). Vì vậy, đến giờ, giáo viên hợp đồng ở các huyện, thị xã đang rất lo lắng và hoang mang khi lãnh đạo thành phố Hà Nội chưa có câu trả lời thỏa đáng với giáo viên hợp đồng.

Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong