Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành

Tin tức - Ngày đăng : 09:26, 15/08/2019

Ngày 15/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành trọn 1 ngày để tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Theo chương trình làm việc, đầu giờ sáng, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 đối với Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Ủy ban Dân tộc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.

Cuối giờ chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Yêu cầu trả lời thẳng thắn, đúng vấn đề 

Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hôm nay, UBTVQH sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 4 kết luận về chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đây là lần đầu tiên UBTVQH thực hiện việc giám sát lại đối với các nội dung đã được UBTVQH giám sát, chất vấn.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH, Chính phủ đã chuẩn bị 10 báo cáo, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực trong nghị quyết và kết luận.

Trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã dành thời gian để thẩm tra và có các đánh giá cụ thể về các nội dung mà Chính phủ đã thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này. Các báo cáo đã được gửi trước đến các ĐBQH để nghiên cứu trước khi phiên họp diễn ra.

Từ tình hình thực tế và qua những nhận định trong các báo cáo cho thấy, Chủ tịch Quốc hội cho biết, những nội dung trong nghị quyết, kết luận của UBTVQH đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Đảng, Nhà nước, trước cử tri và nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tiễn, vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục triển khai, nhiều nội dung cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì mới có thể tạo chuyển biến tích cực. Những tồn tại, hạn chế, các đề xuất, kiến nghị đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra sẽ là cơ sở để UBTVQH và các ĐBQH tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn để làm rõ thêm các vấn đề.

Để phiên chất vấn đạt kết quả tốt, do thời lượng có hạn, chỉ diễn ra trong một ngày, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ cần trả lời thẳng thắn, đúng vấn đề được chất vấn, không nêu lại nội dung đã được nêu rõ trong báo cáo, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, nêu rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

“Với tinh thần đó, Chủ tọa sẽ điều hành theo hướng mỗi lượt chất vấn sẽ có từ 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi với thời lượng như quy định, mỗi vị ĐBQH có 1 phút để hỏi; vấn đề thuộc trách nhiệm của lĩnh vực nào thì đồng chí Bộ trưởng thuộc lĩnh vực đó có trách nhiệm trực tiếp trả lời; người trả lời có tối đa 3 phút để trả lời chất vấn của mỗi ĐBQH. Nhưng trong điều hành, có đại biểu hỏi 1 phút nhưng 2 - 3 ý thì chủ tọa có thể linh động thời gian trả lời đại biểu để làm rõ thêm vấn đề; đại biểu được quyền tranh luận mỗi người không quá 2 lần và 1 lần tranh luận là 2 phút”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Căn cứ tình hình thực tế, “Chủ tọa sẽ điều hành linh hoạt để bảo đảm hiệu quả cao nhất của phiên chất vấn”.

“Trong quá trình chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan những vấn đề mà bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời thì cũng được mời để báo cáo làm rõ thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Không có mạng xã hội Việt Nam giống như đặt não ở nước ngoài

Bước vào phần chất vấn, các đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai); Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An); Trần Văn Lâm (Bắc Giang); Giàng Thị Bình (Lào Cai); Mai Thị Phương Hoa (Nam Định);... chất vấn về vấn đề: Quản lý thông tin trên mạng xã hội; xử lý sim rác; triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam; vấn đề quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài; bố trí vốn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; giải pháp xử lý tình trạng chậm trễ, "nợ đọng" văn bản hướng dẫn thi hành luật;...
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Gia Lai về câu hỏi: "Mạng xã hội bây giờ không phải ảo mà là thật, diễn biến rất phức tạp, có tình trạng dùng ngôn từ chống phá, kích động, thông tin sai sự thật. Ngoài ra còn có đánh bạc, lừa đảo gây hiệu quả rất nghiêm trọng". 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Bộ TT&TT đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.

“Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%”, Bộ trưởng nói.

Câu chuyện nan giải thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là đấu tranh với các trang mạng nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại đây, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp. Thời gian qua, Bộ đã rất tích cực, cụ thể, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu…

Về vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng lý giải, nếu như Việt Nam không có mạng của chính mình thì tất cả những gì chúng ta đọc, mua, bán thì đều lưu trữ ở nước ngoài. “Nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ trưởng ví von.

Do đó, chúng ta đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, để mạng xã hội trong nước có lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để “não” người Việt Nam phân tán đều, không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong một năm tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội cộng lại là khoảng 90 triệu. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội nước ta, Bộ trưởng kỳ vọng, “trong khoảng năm 2020 - 2021 chúng ta sẽ đạt câu chuyện 50 - 50”.

Đấu thầu công khai, minh bạch dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Trả lời về đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện dự án trọng điểm quốc gia dựa vào 3 nguyên tắc. Thứ nhất, dự án cao tốc Bắc Nam là dự án trọng điểm do vậy phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục theo đúng quy định về dự án trọng điểm.

Thứ hai, dự án phải đảm bảo chất lượng tiến độ, tổ chức đấu thầu một cách công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

Thứ 3, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đây là dự án có ý nghĩa rất lớn về an ninh, quốc phòng, do đó chúng ta phải xem xét đặc biệt các yếu tố đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hiện Bộ đã thực hiện các công đoạn đầu tiên của dự án trong đó có việc triển khai, phê duyệt dự án, đang thiết kế thi công dự án.

Theo Bộ trưởng, hiện Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ trong nhiều cuộc họp và Thường trực Chính phủ xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án với quan điểm, dự án được đảm bảo về kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo được tốt nhất về an ninh quốc phòng.

"Doanh nghiệp bạn đào hầm cho người lao động Việt Nam trốn ở lại"

Trả lời chất vấn về tình hình xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, số lượng đi lao động nước ngoài tăng nhanh. Cụ thể, 2017 là 127.000 lao động, 2018 là 140.000 nghìn lao động.

Về địa bàn, ngoài những địa bàn truyền thống trước đây thì thời gian gần đây cũng đã mở rộng thêm một số địa bàn tiềm năng, hiệu quả như Úc, Đức, Rumani và gần đây là nối lại với địa bàn Séc sau một thời gian gián đoạn. Xuất khẩu lao động đã đi vào những lĩnh vực thuận lợi hơn, phù hợp với phát triển của đất nước, nhằm tạo điều kiện để các lao động sau này hết thời gian lao động có thể quay trở lại phục vụ đất nước.

Theo Bộ trưởng, việc đưa người lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài đã chuyển từ xu thế thụ động nay về cơ bản đã chủ động hơn.

Trả lời câu hỏi về việc liệu thời gian gần đây có còn tình trạng môi giới lao động không? - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian vừa qua Bộ LĐTBXH đã xiết rất chặt việc này. Hiện có khoảng 350 doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực này và thực hiện rất tốt các quy định. Về quy định số tiền, có những địa bàn yêu cầu số tiền cao hơn các nước khác. Điều này, theo Bộ trưởng Dung, một số các nước doanh nghiệp chỉ làm môi giới lao động, đưa người lao động đi nước ngoài lao động xong là hết trách nhiệm. Còn các doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm với việc đưa lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài, thậm chí còn tham gia xử lý các sự việc liên quan đến người lao động nếu chẳng may có sự việc xảy ra.

"Việc quy định mức tiền căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam và căn cứ vào quy định của hai nước với nhau....", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Về lao động bất hợp pháp, lao động bỏ trốn, Bộ trưởng LĐTBXH cho hay, việc này chủ yếu xảy ra ở địa bàn Hàn Quốc. Thời điểm cao nhất là 55% (2016).

Trước sự việc này, Bộ cũng đã phối hợp tiến hành rất nhiều biện pháp, gồm xử lý các doanh nghiệp hai bên.

"Đây là lỗi của hai bên, cả của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp phía bạn. Thậm chí doanh nghiệp bạn còn đào hầm cho người lao động trốn ở lại. Tuy nhiên, sau khi xử lý quyết liệt thì hiện nay tình trạng này giảm còn 33%".

Gắn kết giữa nhà trường và DN được đẩy mạnh

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi có Nghị quyết của UBTVQH và quyết định về thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, toàn ngành và lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đã tập trung và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ phấn đấu số người học nhiều hơn, chất lượng đào tạo nâng lên, đầu ra phải được cải thiện, tạo được sự ủng hộ của xã hội về giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Theo đó có 63 văn bản khác nhau với 8 Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn về giáo dục nghề nghiệp.

Về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh năm 2019 đã đạt và vượt cùng kỳ năm 2018, đầu vào cao hơn. Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được tích cực đẩy mạnh, các nhà trường ký hợp tác với doanh nghiệp và đặt hàng cho đầu ra.

Dự kiến đến tháng 9 Chính phủ sẽ tổ chức một diễn đàn quy mô lớn liên quan đến nâng cao, nâng tầm kỹ năng cho lao động Việt Nam. Nhiều học sinh trường nghề sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay; các trường nghề đã có cam kết về đầu ra và mức lương cơ bản cho lao động. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH vẫn ý thức đây mới là kết quả ban đầu, cần có sự cố gắng, phát huy nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Giải quyết triệt để các vướng mắc về chính sách

Về tiến độ sửa đổi Pháp lệnh người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 10 này Bộ sẽ trình việc sửa đổi Pháp lệnh người có công; theo lộ trình, tháng 12 sẽ trình chính thức tới UBTVQH.

Thời gian vừa qua, Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, các thủ tục và quy trình sửa đôi Pháp lệnh về cơ bản đã đảm bảo tiến độ. Việc lấy ý kiến được tổ chức rộng rãi; đã lấy xong ý kiến các cấp, các ngành, các địa phương; đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Đảm bảo đúng tinh thần và lộ trình là tháng 12 tới đây sẽ trình Dự án Pháp lệnh người có công sửa đổi ra UBTVQH.

Một số trường hợp là cụ thể về truy tặng liệt sĩ mà quy định của pháp luật chưa điều chỉnh thì Bộ đang trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để đưa ra văn bản cá biệt để giải quyết những trường hợp các biệt…

Về chính sách đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bộ trưởng cho biết, Pháp lệnh về bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn còn nhiều điểm vướng, Bộ đã phối hợp với một số Bộ, ngành hữu quan đã kiến nghị Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng để trình Chính phủ tiếp thu các ý kiến để giải quyết một số điểm vướng mắc về chính sách để giải quyết triệt để.

Tâm lý e ngại việc làm chậm lại các thủ tục giải ngân 

Trả lời chất vấn về một số dự án đầu tư công đang rất chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây vẫn là câu chuyên của nhiều năm do tâm lý “ỉ lại” Luật cho phép giải ngân trong 2 năm nên các địa phương còn rủng rỉnh; tâm lý đủng đỉnh đầu năm, cuối năm mới giải ngân nên số liệu rất thấp. 
Tổ chức các đoàn để nắm bắt tháo gỡ khó khăn để làm sao thúc đẩy nhanh, các đồng chí đứng đầu địa phương cần nâng cao trách nhiệm; tâm lý e ngại việc làm chậm lại các thủ tục giải ngân vốn đầu tư công; điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm giải ngân đến các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn, không bố trí vốn tiếp theo cho những dự án không có khả năng giải ngân.

Khoảng 1 triệu nhân lực tham gia kinh tế biển

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề nghị Chính phủ cho biết việc huấn luyện kỹ năng biển cho người dân để vừa sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay kinh tế biển Việt Nam đứng ở góc độ khai thác thủy sản là rất lớn, khoảng 95.500 tàu các loại, xấp xỉ 1 triệu nhân lực.

Từ đó đặt ra 3 vấn đề, thứ nhất, làm sao khai thác hiệu quả, hai là vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền, ba là ứng phó thiên tai.

Theo Bộ trưởng, gần đây Thủ tướng có Quyết định 930 để tập trung tuyên truyền kỹ năng cho ngư dân, kèm theo đó là triển khai luật thủy sản, tập trung cơ sở vật chất.

Bộ NN-PTNT thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho 28 tỉnh duyên hải để đi khai thác đảm bảo an toàn, ứng phó thiên tai bằng chương trình hành động. 3 năm qua có 51 cơn bão, áp thấp trên biển Đông và có 2,1 triệu phương tiện, 9,5 triệu người được di dời, cơ bản đảm bảo an toàn, đặc biệt các khu vực thủy sản.

"Thứ 2, chúng ta tập trung tuyên truyền để đảm bảo hiệu quả khâu liên kết, thành lập nghiệp đoàn. Khánh Hòa và một số tỉnh đang có nhiều mô hình liên kết bạn tàu, hỗ trợ lẫn nhau, ngư dân cùng với doanh nghiệp, khuyến khích thi đua", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời thêm.

Về trang thiết bị, Bộ trưởng cho biết đang từng bước nâng cấp với 82 cảng cá, 58 khu neo đậu. Các loại tàu 24 m trở lên đang lắp đặt thiết bị hành trình. Tàu từ 15 m đến dưới 24 m tới đây cũng trang bị toàn bộ.

"Thứ 3, chúng ta đang triển khai các nhóm giải pháp để sớm rút "thẻ vàng", trở về trạng thái thẻ xanh", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết thêm.

Sẽ ban hành 3 quy chuẩn quan trọng trong đầu tư xây dựng

Trả lời đại biểu về vấn đề xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, ngành xây dựng hiện có 1.200 tiêu chuẩn. Thời gian qua, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã phục vụ tốt quá trình phát triển ngành xây dựng, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung.

Song cũng còn một số hạn chế, nên Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Theo lộ trình, đến năm 2021 sẽ sửa đổi, bổ sung những tiêu chuẩn, quy chuẩn cốt lõi, còn những tiêu chuẩn khác sẽ được hoàn thành đến năm 2030.

Bộ trưởng cho biết, ngay trong năm 2019, thực hiện Nghị quyết của UBTVQH, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 3 quy chuẩn quan trọng trong hoạt động đầu tư gồm: Quy chuẩn về quy hoạch; Quy chuẩn về nhà chung cư; Quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.

kinhtedothi