Kiểm soát chặt sản phẩm mang “mác” thân thiện môi trường
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:46, 16/08/2019
Thực hiện xu hướng “tiêu dùng xanh”, bảo vệ môi trường, từ đầu tháng 4-2019, hàng loạt siêu thị đã triển khai thực hiện chiến dịch sử dụng lá chuối tươi gói rau củ thay thế bịch nilon và chiến dịch này ngay sau đó cũng đã lan tỏa đến các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh rau củ quả.
Tiếp đến, nhiều điểm kinh doanh cũng rầm rộ công bố ngừng hẳn việc bán ống hút nhựa các loại, thay thế bằng các loại ống hút thân thiện với môi trường như: ống hút giấy, ống hút gạo (sử dụng một lần), ống hút bằng inox, thép không gỉ, thủy tinh (sử dụng nhiều lần); cốc bằng giấy thay thế cho cốc nhựa; găng tay dùng trong sản xuất, vận hành là loại tự hủy sinh học; các loại chén, dĩa, muỗng, hộp cơm, khay xốp đựng thực phẩm đang sử dụng được thay bằng các loại sử dụng nguyên liệu giấy, bã mía, mo cau, xơ tre…
Tại cửa hàng chuyên doanh sản phẩm thiên nhiên trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP Hồ Chí Minh), có nhiều sản phẩm gia dụng với những nguyên vật liệu thay thế nhựa được trưng bày đẹp mắt. Nhân viên bán hàng đưa chúng tôi xem loại hộp đựng thức ăn và giới thiệu: “Hộp này được làm từ bã mía, không chứa chất hóa học, kim loại nặng, không gây ung thư nên dùng rất an toàn. Loại hộp này đựng thoải mái thức ăn đặc, thức ăn nước, nóng, lạnh mà không sợ bị nóng chảy, biến dạng. Đặc biệt là dùng được trong cả trong lò vi sóng. Sau 6 tuần sử dụng, sản phẩm sẽ tự phân hủy trong môi trường tự nhiên, không gây ô nhiễm rất tiện lợi…”.
Người bán còn giới thiệu nhiều loại chén, dĩa, tô, muỗng, nĩa… được làm từ mo cau, xơ tre, bột sắn. Theo người bán, mo cau tự nhiên, không hóa chất, được rửa sạch và ép nhiệt tiệt trùng, có thể đựng thức ăn nóng mà không bị biến dạng. Để dùng bền chỉ nên rửa sạch bằng chất tẩy rửa hữu cơ hoặc chất tẩy rửa tự nhiên như nước bồ hòn. Còn sản phẩm làm từ bột xơ tre tự nhiên, bột sắn thì có màu sắc tự nhiên, không dùng chất tẩy trắng, có thể đựng thực phẩm từ -18 độ C đến 90 độ C và dùng được trong lò vi sóng khoảng 3 - 4 phút.
Khách hàng chọn mua các sản phẩm thân thiện môi trường tại siêu thị. |
Khi chúng tôi tỏ ra lo ngại về chất lượng và độ an toàn của của các loại sản phẩm trên vì không có giấy tờ, thông tin, nhãn mác sản phẩm, người bán khẳng định: “Các loại bã mía, xơ tre thì hoàn toàn thiên nhiên và quá trình sản xuất cũng đã được kiểm soát chất lượng chặt chẽ nên khách cứ yên tâm dùng!”.
Đặc biệt, với sản phẩm được sử dụng hàng ngày tại các gia đình có trẻ em, các điểm kinh doanh cà phê, thức uống, nhà hàng, khách sạn, không thể thiếu đó là ống hút. Đón đầu xu hướng này, nhiều điểm kinh doanh đã chào bán nhiều loại sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường thay thế ống hút nhựa như: Ống hút làm bằng tre, trúc, cỏ bàng, cỏ sậy... được quảng bá là “nguyên liệu thiên nhiên mọc rất phổ biến tại Việt Nam”.
Hầu hết các loại sản phẩm này đều làm thủ công, tái sử dụng được nhiều lần. Vì vậy, khi mua các loại ống hút này, thường được tặng kèm cọ rửa làm bằng xơ dừa để cọ rửa ống hút sau mỗi lần sử dụng.
Ngoài ống hút làm từ các nguyên liệu thiên nhiên trên, trên thị trường hiện đang phổ biến loại ống hút được làm bằng gạo với nhiều màu: Trắng, tím, xanh lá, đen. Theo giải thích của người bán thì các loại màu này không phải là màu hóa chất mà đó là những màu tự nhiên của các loại rau củ. Như màu tím chiết xuất từ củ dền, màu xanh lá chiết xuất từ lá củ dền, màu đen chiết xuất từ mè đen và màu trắng là bột gạo nguyên chất.
Do nguyên liệu ống hút được làm từ bột gạo nên sau khi sử dụng có thể ăn luôn. Tuy nhiên, cũng giống như ống hút được giới thiệu làm từ bột gạo và màu tự nhiên, các loại ống hút sử dụng nguyên liệu thiên nhiên bán phổ biến trên thị trường nhưng không có thông tin để chứng minh chất lượng và tính an toàn của sản phẩm khiến NTD lo ngại khi mua các loại ống hút này.
Nếu như trên thị trường, các loại sản phẩm thay thế nhựa gần như bị thả nổi, chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm thì tại một số hệ thống siêu thị, các loại sản phẩm thân thiện với môi trường có đầy đủ các thông tin về thành phần, cách sử dụng, bảo quản, hạn sử dụng, xuất xứ... Tuy nhiên, các sản phẩm này có giá cao gấp nhiều lần so với sản phẩm nhựa cùng loại, nên khiến NTD đắn đo khi mua sản phẩm.
Điển hình, ống hút làm từ bột gạo, mỗi bịch nửa kg (100 ống hút) có giá 60.000 đồng/bịch; ống hút bằng giấy 21.000 đồng/bịch (15 ống hút), cao hơn 10 lần so với ống hút nhựa; hộp đựng cơm bằng bã mía giá từ 125.000 – 250.000 đồng/lốc (50 cái) tùy kích cỡ; khay đựng thức ăn bằng bã mía giá 173.000 – 320.000 đồng/lốc (50 cái) cao 3-5 lần so với sản phẩm nhựa cùng loại. Các loại cốc, đĩa, chén, tô... làm bằng giấy, bã mía cũng có giá cao hơn nhiều lần so với sản phẩm nhựa.
Chị Nguyễn Thị Châu (ngụ quận 7) chia sẻ: “Tôi bán quán cơm mỗi ngày cũng cả trăm suất, khách mang đi chủ yếu đựng trong bọc nilon, hộp xốp, hộp nhựa, chi phí không đáng là bao, chỉ khoảng 1.000-2.000 đồng. Trong khi đó, nếu chuyển sang dùng hộp, khay làm bằng bã mía thì chi phí cao lên gấp nhiều lần, nếu cộng chi phí này vào thêm trong phần ăn thì sợ rằng khách hàng khó chấp nhận. Chính vì vậy, phải tính toán thật kỹ trước khi chuyển đổi”.
BS Trần Văn Ký – Hội Khoa Học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam nhận định, những dụng cụ chứa đựng thực phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên thay thế sản phẩm nhựa được khuyến khích sử dụng là tốt nhưng phải có sự nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng để xác định sản phẩm là an toàn để NTD yên tâm sử dụng. NTD cần cẩn trọng khi dùng đồ đựng thực phẩm sử dụng nguyên liệu hữu cơ, trước khi mua phải tìm hiểu kỹ thông tin về an toàn chất lượng sản phẩm. Sản phẩm phải có thông tin nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cũng theo BS Ký, xu hướng thế giới chủ yếu dùng đồ đựng bằng inox, sành sứ tráng men vì bền, không độc hại, chưa sử dụng nhiều đồ đựng là từ nguyên liệu thiên nhiên vì nhanh hỏng, giá thành cao. Cần lưu ý, khi các đồ đựng thực phẩm làm từ mo cau, bã mía, xơ tre… có dấu hiệu bị đổi màu, có mùi khác lạ thì NTD cần bỏ ngay, không sử dụng.
Chống rác thải nhựa là việc cần phải làm ngay và cấp thiết để bảo vệ môi trường. Thời gian qua cũng cho thấy, xu hướng NTD chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa đang phát triển theo chiều hướng tốt. Tuy nhiên, phần lớn NTD vẫn còn lo ngại về chất lượng sản phẩm thay thế nhựa chưa được kiểm soát chặt chẽ và giá thành cao.
Chính vì vậy, để phong trào thật sự đi vào đời sống, được sự hưởng ứng của toàn xã hội, thì phong trào cần phải được thực hiện xuyên suốt, lâu dài và đặc biệt là làm sao NTD được thuyết phục, chuyển sang sử dụng hoàn toàn sản phẩm thân thiện với môi trường.