Hàng “Made in Vietnam” phải có tỷ lệ nội địa hóa 30%

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:47, 16/08/2019

Để được gắn mác “Made in Vietnam” cho sản phẩm, đòi hỏi DN phải sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam và nội địa hóa 30%.

Hàng “Made in Vietnam” phải có tỷ lệ nội địa hóa 30%

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trong cuộc trao đổi với phóng viên về dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là hàng của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, chiều 14/8.

Tại sao trong ASEAN, hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng là 40% mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ, trong khi tại Thông tư này, chỉ cần hàm lượng 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam?

- Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.

Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì sản phẩm có 20% giá trị Thái Lan, 10% Philippines, 5% Lào, Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Thông tư này quy định tỷ lệ giá trị gia tăng 30% là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam, chưa tính những giá trị khác. Như vậy, theo dự thảo thông tư, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Vậy, vì sao Bộ Công Thương không đưa ra ngưỡng giá trị gia tăng nội địa cao hơn như Thụy Sỹ 60%, Mỹ 50%...?

- Dự thảo được xây dựng dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ cần đáp ứng hàm lượng giá trị gia tăng nội địa đạt 30% là được các nước công nhận là xuất xứ Việt Nam.

Đặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, nhưng sẽ xuất hiện tình huống cả thế giới công nhận đó là hàng Việt Nam nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận đó là sản phẩm của mình.

Ngoài ra, trong đàm phán với Việt Nam, cả Mỹ, Nhật, Thụy Sỹ đều đề nghị Việt Nam áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị gia tăng nội địa đạt 30%, không đề nghị 50 - 60% ngoại trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, .

Khi DN nhập khẩu sản phẩm, sau đó cài đặt phần mềm Việt Nam và khai báo giá trị gia tăng nội địa đạt 30% có được gắn nhãn "Made in Vietnam" hay không?

- Mặc dù có thể phần mềm dành cho ngành điện tử đạt giá trị gia tăng nội địa 30%, nhưng sản phẩm được cài đặt phần mềm không có xuất xứ thuần Việt hoặc gia công, chế biến lắp ráp công đoạn cuối cùng tại Việt Nam thì sản phẩm đó không được công nhận là Made in Vietnam.

Trước đây, trong quá trình đàm phán FTA, Israel đã đề nghị Việt Nam công nhận sản phẩm điện tử Trung Quốc được cài đặt phần mềm do Israel sản xuất là hàng Made in Israel, nhưng Việt Nam không đồng ý, bởi nếu đồng ý thì rất có thể xảy ra tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Muốn sản phẩm được gắn nhãn Made in Vietnam thì khâu sản xuất cuối cùng phải được thực hiện tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Lê Nam /Tieudung.vn/kinhtedothi