Hà Nội tập trung phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Tin tức - Ngày đăng : 09:57, 17/08/2019
Sốt xuất huyết từ lâu đã không còn là căn bệnh quá xa lạ đối với mọi người. Đặc biệt, căn bệnh này cũng dễ bùng phát thành dịch lớn lan rộng hàng năm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan trong công tác phòng chống khiến bệnh có cơ hội bùng phát, gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng. Chỉ riêng Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2019 này thành phố đã ghi nhận 1.852 bệnh nhân sốt xuất huyết.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tổng vệ sinh môi trường để phòng,
chống sốt xuất huyết vào thứ bảy hàng tuần. Ảnh: TL.
chống sốt xuất huyết vào thứ bảy hàng tuần. Ảnh: TL.
Hà Nội đang vào mùa mưa, nước đọng tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng nên dịch bệnh phát sinh nhiều nơi. Số ca mắc rải rác từ tháng 1, có xu hướng tăng từ tháng 6 và tăng nhanh từ tháng 7. Chỉ tính đến ngày 4/8, Hà Nội đã ghi nhận 1.852 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 309 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần gần đây do xuất hiện nhiều đợt nắng nóng xen kẽ mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng, phát triển.
Để tập trung phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn toàn thành phố Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Công văn yêu cầu Thường trực các quận, huyện, thị ủy tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Đồng thời, UBND TP. Hà Nội cũng có công văn yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện ngay chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết, duy trì vào thứ bảy hàng tuần; đồng thời, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, bảo đảm 100% hộ gia đình được xử lý.
Ban Tuyên giáo Thành ủy đã đề nghị Thường trực các quận, huyện, thị ủy quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành liên quan của địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới người dân nhằm thực hiện tốt phong trào vệ sinh phòng bệnh; tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, loại bỏ các vật dụng phế thải có chứa nước đọng; gắn công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống bệnh sốt xuất huyết với các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa và các phong trào khác tại địa phương, đơn vị. Chỉ đạo hệ thống thông tin, truyền thông trên địa bàn tăng dung lượng, thời lượng tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ mắc và sự nguy hiểm của bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng, bùng phát cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu "Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết".