Xây dựng hình ảnh Thủ đô an toàn, thân thiện

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 16:56, 20/04/2022

Thành lập đội bắt chó thả rông không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong xây dựng vùng an toàn bệnh dại, mà còn nâng cao ý thức quản lý vật nuôi, đảm bảo an toàn cho người dân nơi công cộng, xây dựng hình ảnh Thủ đô an toàn, thân thiện.
Nhiều quận, huyện đã triển khai hiệu quả

Trước đây, mỗi lần đi thể dục buổi sáng hoặc tối, bà Phạm Thị Hương (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) lại nơm nớp lo sợ bị chó thả rông tấn công. Nhưng từ ngày đội bắt chó thả rông của phường hoạt động, tình trạng chó thả rông ngoài đường đã giảm đáng kể, nỗi lo của bà và người dân đã vơi đi phần nào.

“Nhờ có đội bắt chó thả rông tuyên truyền nên người dân rất ý thức đeo rọ mõm và xích cho chó mỗi khi ra đường. Vì vậy chúng tôi cũng yên tâm hơn mỗi khi ra nơi công cộng”, bà Phạm Thị Hương bày tỏ.

Đội bắt chó thả rông phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Đội bắt chó thả rông phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Là thành viên hoạt động tích cực trong đội bắt chó thả rông của phường Khương Đình, ông Lê Bá Mão cho biết: Đội gồm 6 thành viên, hoạt động trung bình mỗi tuần một lần không kể mưa, nắng. Trong mỗi lần đi tuần tra, đội sẽ tuyên truyền nhắc nhở người dân trong việc quản lý chó nuôi, tiêm vaccine, đeo rọ mõm và xích mỗi khi cho chó ra đường. Bên cạnh đó, khi phát hiện chó, mèo thả rông không có chủ sẽ bắt giữ lại.

“Ngày mới hoạt động, có tháng chúng tôi bắt được mấy chục con chó, mèo thả rông, có con trọng lượng 40 - 50kg. Nhưng thời gian gần đây số chó, mèo thả rông giảm đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy hành vi, nhận thức của người dân đã thay đổi trong việc thả rông chó, mèo”, ông Lê Bá Mão chia sẻ.

Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Thanh Xuân Mai Thị Lan Hương, Thanh Xuân là địa phương triển khai mô hình đội bắt chó thả rông đầu tiên trên địa bàn Hà Nội. Đến nay toàn quận đã có 11 đội thuộc 11 phường. Cái được đầu tiên của quận khi thành lập đội bắt chó thả rông là tình trạng chó, mèo thả rông trên địa bàn giảm 80 - 90%. Quận đã được công nhận là Vùng an toàn bệnh dại. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là ý thức quản lý vật nuôi của người dân đã được nâng cao.

Tây Hồ cũng là địa phương triển khai hiệu quả mô hình đội bắt chó thả rông. Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Tây Hồ Dương Thị Hiền cho biết: Hiện nay, trên địa bàn quận có 8 đội do 8 phường quản lý. Mỗi đội có từ 8-10 thành viên. Lực lượng tham gia gồm cán bộ UBND phường, nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y, y tế, dân quân, tổ dân phòng... Từ năm 2020-2021, toàn quận đã lập biên bản 21 trường hợp thả rông chó, mèo và xử phạt số tiền 15 triệu đồng. “Tây Hồ là quận đón nhiều khách du lịch cả trong nước cũng như quốc tế. Vì vậy, việc hạn chế được tình trạng chó thả rông sẽ giúp xây dựng hình ảnh của quận thêm an toàn, thận thiện với du khách”, chị Dương Thị Hiền cho hay.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Thành lập đội bắt chó thả rông là yêu cầu bắt buộc để được công nhận vùng an toàn bệnh dại. Con chó, mèo tuy gần gũi thân thiện với con người nhưng lại mang virus bệnh dại rất nguy hiểm, khi cắn người có thể gây thương tích, tử vong cho con người. Do vậy việc quản lý đàn chó nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt, tiêm phòng để tạo miễn dịch cho con chó, giảm thiểu tử vong cho con người.

“Trong kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022 - 2030 vừa được ban hành có rất nhiều nội dung cần thực hiện. Trong đó 2 nội dung chính phải làm đó là quản lý đàn chó nuôi; Hai là xây dựng vùng an toàn bệnh dại, tiêm phòng đạt tỷ lệ cao nhất để hạn chế bệnh dại", ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm, hiện Hà Nội đang tập trung xây dựng vùng bệnh dại an toàn tại các quận trước. Đến thời điểm hiện nay, TP Hà Nội đã xây dựng được 4 vùng an toàn bệnh dại là quận Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Hiệu quả lớn rất khi xây dựng các vùng an toàn bệnh dại này, là giảm thiểu số lượng người chết do bị chó dại cắn. Thống kê trong năm 2020 - 2021 trên địa bàn Hà Nội, chỉ có một người tử vong vì bệnh dại. Những năm trước, con số này có thể lên 3, 4 trường hợp. Đây là lợi ích lớn nhất mà không thể nào đánh đổi được.

Thành công thứ 2 của chiến dịch là nâng cao ý thức cho chủ vật nuôi. Theo đó, đã nuôi chó là phải chấp hành các quy định về quản lý chó nuôi, không được thả rông, gây thương tích cho người đi đường, chó phải được tiêm phòng đầy đủ… Tới đây, các phường, xã phải thành lập đội bắt giữ chó thả rông để xử lý những vi phạm hành chính mà người chăn nuôi không chấp hành, giải quyết các trường hợp chó cắn gây thương tích…

Kinh nghiệm triển khai nhân rộng

Theo Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022 - 2030 mới được ban hành, từ nay đến năm 2030, 579 xã, phường, thị trấn ở Hà Nội được giao thành lập đội bắt chó, mèo thả rông nhằm phòng chống bệnh dại trên người và vật nuôi. Mỗi xã, phường bố trí khu vực nuôi nhốt, xử phạt chủ nuôi vi phạm quy định.

Trước mắt, trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ lập đội bắt chó thả rông ở tất cả 175 phường thuộc 12 quận nội thành. Tuy nhiên, việc thực tế triển khai thành lập các đội bắt chó, mèo thả rông có nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng ngoài thành.

Ở góc độ địa phương, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Tây Hồ Dương Thị Hiền cho biết: Đội chuyên trách bắt chó thả rông tại các phường đều là lực lượng kiêm nhiệm, nhiều người đã lớn tuổi, đồng thời không có nghiệp vụ bắt chó. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí có hạn nên việc duy trì phụ cấp cho đội con khó khăn nhất định. 

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện nay, chế tài xử lý các hành vi thả rông chó, mèo chưa đủ sức răn đe, văn bản hướng dẫn chưa cụ thể. Trong khi đó, phương tiện và dụng cụ bắt chó còn thô sơ, chủ yếu là tự nghiên cứu. Trong quá trình bắt giữ, nếu không thận trọng, con chó vùng chạy có thể gây thương tích, tai nạn giao thông, những việc này rất khó tránh.

Thêm nữa, khi bắt chó nếu chưa có chủ nhận, không được tiêu hủy ngay mà phải nuôi nhốt trong vòng 48 giờ, sau thời gian đó không có người nhận mới xử lý theo quy định (có thể gửi vào nơi nuôi tạm thời). Tuy nhiên,  không có định mức kinh tế chi cho việc này. Đối với loài chó có trọng lượng lớn, chó cảnh, chó có giá trị kinh tế cao, đội bắt giữ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, nuôi nhốt trong thời gian chờ xử lý. Ở một số vùng xa trung tâm, địa bàn rộng, công tác tuyên truyền, tiêm phòng, quản lý chó thả rông còn gặp nhiều khó khăn.

Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay đó là nhiều địa phương chưa bố trí được kinh phí duy trì đội bắt chó thả rông. Ngoài ra, hiện thù lao cho những người đi bắt giữ chó còn thấp so với công sức họ bỏ ra, nên khiến nhiều người không mặn mà tham gia công việc này. Trong khi, kinh phí cho công tác phòng chống bệnh dại, tiêm phòng, xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Theo kinh nghiệm của các quận đã thực hiện thành công, một tuần đội bắt giữ chó thực hiện nhiệm vụ 1 - 2 lần, không có ngày cố định để tăng tính đột xuất nhằm phát hiện, xử lý vi phạm của chủ vật nuôi. Quan trọng nhất ở hoạt động này nhằm nâng cao ý thức cho người dân, đã nuôi chó, mang chó đến nơi công cộng phải có rõ mõm, có xích, có người trông giữ không được thả rông, phòng uế bừa bãi…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đưa công nghệ thông tin, quản lý trên hệ thống phần mềm danh sách chủ hộ nuôi chó, cập nhật thông tin để đảm bảo việc tiêm phòng và làm cơ sở dữ liệu xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại. Tổ chức tốt việc tiêm phòng đạt tỷ lệ từ 90% trong tổng đàn chó mèo nuôi. Tăng cường kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác quản lý chó nuôi, xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại. Tiếp tục đề xuất TP có chính sách hỗ trợ vaccine, trang thiết bị chuyên ngành cho việc quản lý chó nuôi và xây dựng, duy trì hoạt động của vùng an toàn bệnh dại.

Chia sẻ kinh nghiệm duy trì hoạt động của các đội bắt chó thả rông, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Quận Thanh Xuân cho hay: Quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân. Địa phương đã linh hoạt trong việc phân bổ nguồn kinh phí chống dịch để duy trì chi trả cho các thành viên của đội.

Kinh tế đô thị