Tự vệ Hà Nội trong những ngày Tháng Tám lịch sử

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 20:24, 17/08/2019

Cách đây 74 năm, trong những ngày Tháng Tám lịch sử với tinh thần sục sôi cách mạng “...dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập...”; dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, nhân dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong rừng cờ đỏ sao vàng, các chiến sĩ tự vệ Thủ đô đã làm nòng cốt cho quần chúng tạo nên khí thế như nước vỡ bờ, góp phần quan trọng
Tự vệ Hà Nội trong những ngày Tháng Tám lịch sử
Lực lượng tự vệ Hà Nội những ngày tháng 8-1945.

Xung kích trong cao trào kháng Nhật

Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”. Các đội tự vệ khu phố, nhà máy, xí nghiệp nội thành, làng, xã ngoại thành được thành lập và phát triển. Để chuẩn bị khởi nghĩa, tự vệ chú trọng luyện tập quân sự, mua sắm vũ khí, với nhiều cách rất sáng tạo, linh hoạt như: Mua lại súng của lính Pháp đóng trong thành Hà Nội, thành Sơn Tây hay ở các pháo đài cũ của Pháp ở Láng; mò súng ở sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Tích…

Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, các đội Công nhân xung phong, Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu có vũ trang đã diễn thuyết ở rạp hát, trên các tuyến tàu điện; ở chợ Canh, Láng, Mễ Trì; đi phá kho thóc ở phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân), Lò Lợn… Tự vệ các làng thuộc đại lý Hoàn Long (khu vực ven đô trước đây thuộc địa bàn một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân... ngày nay) đã tích cực luyện tập quân sự, thuyết phục thanh niên bị bắt phải đi lính cho chính phủ bù nhìn thân Nhật cung cấp vũ khí cho ta; tổ chức cảnh cáo bọn Việt gian. Cuộc phá kho thóc ở làng Mọc Quan Nhân tối 11-7-1945 thắng lợi, càng làm cho quần chúng tin theo cách mạng.

Tự vệ ở các làng, xã thuộc Hà Đông, Sơn Tây (cũ) cũng hăng hái bảo vệ cho nhân dân phá kho thóc ở địa phương, thuyết phục các kỳ hào tham gia cứu đói, trấn áp những tổng lý gian ác. Một số ủy ban dân tộc giải phóng ở làng, xã đã ra đời, phỏng theo mô hình các làng, xã của khu giải phóng Việt Bắc. Luồng không khí mới khi người dân được chia gạo, thóc, giảm tô... càng làm cho quần chúng tin và đi theo ngọn cờ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh.

Đặc biệt, hè năm 1945, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định chọn khu vực Chương Mỹ tiếp giáp với Hương Sơn là đặc khu quân sự. Đồng thời, trong vùng an toàn khu của Trung ương và Xứ ủy, Thành ủy, các đội tự vệ đã trực tiếp bảo vệ an toàn cho cán bộ và cơ quan đóng tại địa phương.

Góp sức sáng tạo, gan dạ trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện. Căn cứ vào Chỉ thị của Trung ương “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ tổ chức đêm 14 và ngày 15-8-1945 tại làng Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông) quyết định khởi nghĩa ở 10 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Sáng 16-8-1945, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội được thành lập do đồng chí Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ phụ trách. Lúc này, nội thành có ba chi đội tự vệ chiến đấu và khoảng 1.000 hội viên các đoàn thể cứu quốc; trong đó, tự vệ bán vũ trang làm nòng cốt. Chiều 17-8-1945, tự vệ được bố trí làm nòng cốt trong các khối quần chúng dự mít tinh tại Nhà hát Lớn, sau đó biểu tình tuần hành trên các đường phố đến khuya, hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”.

Đêm trước của cuộc khởi nghĩa, tất cả lực lượng cách mạng và tự vệ đã được chuẩn bị đội ngũ đúng kế hoạch đã định. Trong Di cảo để lại, đồng chí Nguyễn Khang đã nêu rõ: “Các đội tự vệ, lực lượng vũ trang nòng cốt của cuộc khởi nghĩa sẽ bố trí ở những vị trí có quy định trước để tiện làm nhiệm vụ chiến đấu. Quần chúng cách mạng cũng được bố trí thành từng khối đi theo các cán bộ lãnh đạo tiến chiếm những cơ quan trọng yếu như Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Trại Bảo an binh, Sở Liêm phóng, Sở Bưu điện…; bảo vệ các nhà máy, nhất là các nhà máy điện, nhà máy nước”.

Sáng sớm 18-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng được đổi tên thành Ủy ban Khởi nghĩa. Ngày 19-8-1945, theo đúng kế hoạch, từ các làng, xã thuộc các huyện Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh…, các khối đoàn thể cứu quốc vác mã tấu, gươm, kiếm, gậy gộc cuồn cuộn đổ về Quảng trường Nhà hát Lớn. 10h sáng, tự vệ nội, ngoại thành giương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn quân khởi nghĩa, hát vang bài “Tiến quân ca”. Sau đó, các lực lượng chia thành nhiều mũi tấn công các vị trí đầu não của chính quyền địch và nhanh chóng giành thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Huy Khôi, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc Lời hiệu triệu của Việt Minh trước đồng bào trong giờ phút trọng đại của lịch sử dân tộc: “Chỉ có Chính phủ nhân dân cách mạng mới đủ uy tín và năng lực thực hiện nguyện vọng tha thiết chung của toàn thể dân tộc ta là độc lập, tự do và hạnh phúc. Chỉ có Chính phủ nhân dân cách mạng mới đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo dân tộc ta đến một tương lai rạng rỡ, xứng đáng với quá khứ oanh liệt còn ghi chép trong quốc sử”.

Phối hợp với nội thành, dưới sự chỉ đạo của các Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, tự vệ dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa, kiên quyết đấu tranh chống tay sai phản động ngoan cố, giành chính quyền ở Đại lý Hoàn Long, thị xã Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các phủ lỵ. Chỉ trong 11 ngày, từ 17-8 đến 28-8-1945, chính quyền cách mạng đã được thiết lập ở các địa phương.

Tại trung tâm thành phố, sáng 20-8-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch, Ủy ban nhân dân lâm thời Hà Nội do đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm Chủ tịch, ra mắt nhân dân. Ngày 28-8-1945, danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên các báo. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa...

Nói về đóng góp của lực lượng tự vệ Hà Nội trong những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945, ngày 16-8-2000, phát biểu với các đại biểu Việt Minh và chiến sĩ thành Hoàng Diệu tại Nhà hát Lớn, kỷ niệm 55 năm Cách mạng Tháng Tám, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ: Theo đường lối của Đảng và chỉ thị của Trung ương, mặc dù lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa và Quân lệnh số 1 chưa đến Hà Nội, thì nhân dân, các chiến sĩ Việt Minh, tự vệ Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, lúc đó chỉ có mấy chục đảng viên, nhưng hết sức sáng tạo, gan dạ, đồng lòng cùng với đồng bào đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

... Ngày nay, nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng Tám, chúng ta càng hiểu sâu sắc bài học quý giá mà thế hệ các chiến sĩ tự vệ và Việt Minh thành Hoàng Diệu để lại. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, có lực lượng tự vệ được vũ trang, từ nhân dân mà ra, một lòng một dạ vì dân, kiên quyết đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Phạm Kim Thanh/Hanoimoi