Ngân hàng số: Tiện ích và thách thức
Tin tức - Ngày đăng : 07:10, 19/08/2019
Chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết: "Ngân hàng số là mô hình kinh doanh mới, cách tiếp cận mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có. Trong đó, các nội dung số hóa, ngân hàng là sự tích hợp đồng nhất các kênh phân phối, đa dạng hóa các kênh để khách hàng dễ tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Giữa các kênh phải có sự kết nối chuyển tiếp thông tin đầy đủ, bảo đảm trải nghiệm của khách hàng được ổn định, có sự kết nối, liên thông giữa kênh quầy và các kênh số (ngân hàng điện tử). Đặc biệt là việc hình thành các hệ sinh thái phục vụ khách hàng, phát triển sâu sản phẩm theo hành trình khách hàng và chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm".
Trên thực tế, ngân hàng số không chỉ đơn thuần là các dịch vụ internet banking (dịch vụ ngân hàng trên internet), hay online banking (dịch vụ ngân hàng trực tuyến), công nghệ ngân hàng, cũng không phải là kênh thay thế những phương thức giao dịch ngân hàng trước đây.
Anh Nguyễn Kỳ Anh (số nhà 12A, ngõ 6, phố Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Với các dịch vụ từ ngân hàng số, mọi giao dịch đều được số hóa và trực tuyến nên tôi có thể thực hiện ở bất kỳ đâu trên điện thoại, hoặc máy tính có kết nối internet. Từ việc đăng ký tài khoản, mở thẻ, chuyển tiền, đến gửi tiết kiệm… mà không phải mất thời gian xếp hàng tại các ngân hàng. Cùng với đó, việc thực hiện chi tiêu qua thẻ cũng tiện lợi hơn, tôi không cần mang theo tiền mặt, mà có thể chuyển vào thẻ ngân hàng và coi đó như một chiếc ví nhỏ".
Không chỉ khách hàng cá nhân thuận lợi sử dụng các sản phẩm của ngân hàng số, mà với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dịch vụ của ngân hàng số, cũng như việc "bắt tay" giữa cơ quan thuế, hải quan, kho bạc với ngân hàng đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Chị Hoàng Thục Chinh (ngõ 200 phố Âu Cơ, Tây Hồ), chủ một hộ kinh doanh khẳng định: "Tôi thấy việc nộp thuế qua mạng đã tạo thuận lợi cho những hộ kinh doanh, bởi chỉ cần mở tài khoản ngân hàng, sử dụng máy tính kết nối internet là có thể thực hiện được việc này, mà không cần trực tiếp đến cơ quan chức năng".
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội, hiện các đơn vị kho bạc nhà nước quận, huyện, thị xã trực thuộc Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã phối hợp tốt với các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị cũng đã mở tài khoản chuyên thu và đa dạng hóa các hình thức thu nộp, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Hiện, số thu trên tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại và thanh toán song phương chiếm hơn 90% tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội. Kho bạc Nhà nước Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 100% số thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng thương mại.
Vẫn nhiều thách thức
Mặc dù các ngân hàng thương mại đã nỗ lực trong chuyển đổi số, nhưng tốc độ chuyển đổi còn chậm. Thêm vào đó, muốn phát triển ngân hàng số không dễ. Thách thức với ngân hàng số chính là khung pháp lý, sự gia tăng cạnh tranh từ tổ chức phi tài chính, điều này buộc các ngân hàng phải tốn kém trong đầu tư công nghệ.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp ngân hàng số VPBank cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các mô hình kinh doanh số ngày càng gay gắt, doanh nghiệp nào tạo được niềm tin của người dùng sẽ chiến thắng. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đình Thắng: "Chúng ta nói về ngân hàng số để thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng chưa giải quyết được vấn đề "nhét đống tiền mặt vào cái điện thoại". Ví như ở một số khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có chi nhánh ngân hàng, trong khi muốn mở tài khoản, người dân phải đến tận các điểm này...".
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, khung pháp lý hiện chưa đủ và thường đi sau sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Sự cạnh tranh từ các tổ chức phi tài chính cũng sẽ tạo áp lực không ít tới ngân hàng số. Ngoài ra, các thách thức khác như khả năng bảo mật của hệ thống, nguồn nhân lực, đòi hỏi thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ ngân hàng nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung vì mới chỉ 40% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân. Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia làm nền tảng kết nối tới các ngân hàng và tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Ðồng thời, sẽ đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc...".