Hàng thủ công mỹ nghệ: Đổi mới để phát triển

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:14, 19/08/2019

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống của Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung cần phải thay đổi bằng cách đổi mới thiết kế mẫu mã, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.

Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước với khoảng 176.000 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.

Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại các làng nghề của Hà Nội rất đa dạng, bao gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí gia đình; hàng đồ gỗ trong nhà và ngoài trời; hàng dệt gia dụng và thêu ren; hàng quà tặng và sản phẩm của các đồng bào dân tộc; hàng trang sức và phụ kiện cá nhân và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác... Tuy nhiên hiện nay các làng nghề thủ công mỹ nghệ lại đang yếu ở khâu thiết kế, mẫu mã sản phẩm.

Ông Lê Đức Kế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ thương mại Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho biết, nếu nhìn nhận gốm sứ Bát Tràng là làng nghề thủ công thuần túy thì không cần phải bàn thêm, song nếu nhìn làng nghề là thủ công mỹ nghệ thì những mặt hàng ở đây đang thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu mẫu, hoa văn… Hơn nữa, nghệ nhân làng nghề mới chỉ là… thợ khéo tay, chứ họ chưa phải nhà thiết kế mẫu. Vì vậy, khi bước ra thị trường thế giới, sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng có phần đuối sức so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước bạn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi bằng cách đổi mới thiết kế mẫu, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.

Hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề tiếp cận các mẫu mã mới

Nhằm giúp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thương mại liên quan đến làng nghề tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, vừa qua Hà Nội đã có một số chính sách hỗ trợ việc đào tạo nghề, truyền nghề; mời các chuyên gia thiết kế trong nước và nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề tiếp cận các mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.

Điển hình như, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức tư vấn, định hướng thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thu hút được đông đảo các nghệ nhân, doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội tham dự. Bà Expert Claire Driscoll, chuyên gia giới thiệu, phân tích những xu hướng thiết kế mới trên thế giới (Hội đồng Anh) cho biết: “Các nghệ nhân, nhà thiết kế cần đặt tâm thế để sản xuất sản phẩm hướng đến thị trường. Thiết kế là "linh hồn" của sản phẩm. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thời trang, cần có mẫu mới liên tục. Nếu hiểu rõ làm gì, cho ai và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thị trường thì sản phẩm đó sẽ thành công”.

Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hiền Lương (huyện Phú Xuyên) cũng cho rằng, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, những năm gần đây, công ty đều có những bộ sản phẩm mới. Trên cơ sở những mẫu mã do đội ngũ thiết kế của doanh nghiệp sáng tạo, các chuyên gia đã tư vấn, chỉnh sửa họa tiết, màu sắc… để sản phẩm bắt mắt và phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng.

Thông qua những lần tập huấn, tư vấn, Sở Công Thương kỳ vọng các nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có những mẫu sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, góp phần đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, tổ chức các cuộc thi về sản phẩm, thương hiệu... để nâng giá trị sản phẩm của làng nghề.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, việc thay đổi như vậy là cần thiết để ngành thủ công mỹ nghệ có thể cải thiện năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế quốc tế...

Chinhphu