Lơ là xây dựng văn hóa, doanh nghiệp sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh
Tin tức - Ngày đăng : 11:42, 19/08/2019
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) Hà Nội nhấn mạnh, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCO.
*PV: Thưa ông, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, lợi thế cạnh tranh của DN không còn chỉ là sản phẩm, doanh thu hay những giá trị hữu hình, mà còn là nền tảng VHDN. Theo ông, như thế nào là một DN có văn hóa tốt?
- Ông Mạc Quốc Anh: Một DN có văn hóa tốt đầu tiên phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, hay quyền lợi cho người lao động như bảo hiểm, trợ cấp... Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường.
Đặc biệt, trong sản xuất kinh doanh, DN luôn hướng đến hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt nhất, giá thành cạnh tranh nhất… nhằm phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với mỗi DN, đạo đức kinh doanh luôn phải là yếu tố quan trọng đặt lên hàng đầu.
|
Sau ba năm thực hiện Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa DN, mô hình xây dựng VHDN đã được nhân rộng và được áp dụng rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa, các startup đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề VHDN.
*PV: Vậy theo ông, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng, VHDN cần thực hiện theo hướng như thế nào?
- Ông Mạc Quốc Anh: Trong bối cảnh hội nhập, VHDN cần được chú trọng hơn bao giờ hết và song song với việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thì DN cần ưu tiến xây dựng VHDN.
Hiện nay, với thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, DN muốn phát triển sản xuất thì phải đầu tư thay đổi công nghệ hiện đại. Cũng giống như vậy, muốn tồn tại bền vững thì DN phải kiên định xây dựng bản sắc và VHDN của mình.
Bởi nếu chúng ta lơ là trong việc xây dựng VHDN thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh ngay tại “sân nhà”. Đồng thời, khi DN ngoại đầu tư vào Việt Nam sẽ mang theo văn hóa của họ và bản sắc của chúng ta sẽ bị mất đi.
*PV: Nói đến VHDN, cụ thể hơn đạo đức kinh doanh trong thời điểm này, chúng ta sẽ nghĩ ngay về một vụ việc gian lận thương mại, lợi dụng niềm tin vào hàng Việt để lừa dối người tiêu dùng. Ông đánh giá như thế nào về câu chuyện này?
- Ông Mạc Quốc Anh: Trong một thập kỷ qua, Việt Nam triển khai mạnh mẽ “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và gần đây nhất là “Hàng hóa Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Trong đó, rất nhiều DN Việt đã được Chính phủ hỗ trợ quảng bá thương hiệu và thị trường phân phối. Cũng thông qua các chương trình vận động đó, tư duy “sính ngoại” của người tiêu dùng đã dần mờ nhạt. Họ dần quay trở lại ưa chuộng tiêu dùng hàng Việt.
Đáng tiếc là, trong bối cảnh đó, một số vụ việc về gian lận thương mại bị phanh phui và đã tác động tiêu cực đến tất cả các DN sản xuất trong nước, các thương hiệu Việt, bởi người tiêu dùng sẽ nghi vấn, đặt ra câu hỏi rất lớn về chất lượng thực sự của hàng Việt.
Tuy nhiên, từ những vụ việc đó, các DN, nhất là DNNVV sẽ có được một bài học quý giá. Trước tiên, khi tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN cần nắm vững quy định của pháp luật để không bị sai luật. Bên cạnh đó, DN cần luôn chú ý đến đạo đức kinh doanh và lợi ích của người tiêu dùng trong hoạt động của mình. Bởi lẽ, chỉ một vụ việc vi phạm quy định, bị tẩy chay sản phẩm là DN hầu như mất trắng và rất khó để quay lại điểm đầu.
Chúng ta thấy, trong vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa DN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu và đặt yếu tố đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, coi lợi ích người tiêu dùng là trọng tâm bằng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, rõ ràng đến nay vấn đề này vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả.
*PV: Trước thực trạng đó, theo ông từ phía Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp như thế nào?
- Ông Mạc Quốc Anh: Ở một khía cạnh khác, qua những vụ việc vi phạm, chúng ta thấy rõ những hạn chế trong quy định pháp luật cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước. Đó chính là sự thiếu chặt chẽ và còn nhiều kẽ hở tương đối lớn để DN lách luật, tiếp cận thị trường, người tiêu dùng. Bởi lẽ, với người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa thì luôn cần có niềm tin về chất lượng, mà một trong các nền tảng của yếu tố này lại là sự công nhận, quảng bá, cấp phép… từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong đó, đáng lưu ý là quy định chưa đủ mà còn phải thông qua các phương tiện truyền thông từ trung ương đến địa phương công bố một cách rộng rãi thông tin các thương hiệu của Việt Nam tới người tiêu dùng, tránh gây ra những cách hiểu mập mờ, nhầm lẫn. Chúng ta cũng có thể coi đây là hoạt động quảng bá cho các sản phẩm của nhà sản xuất trong nước, theo đúng tinh thần cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tôi cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là phải lấy lại những gì đã mất cho các DN nội làm ăn chân chính. Vì những sự “mang tiếng” trong thời gian qua lỗi không phải do cộng đồng DN. Sai thì sửa, các cơ quan quản lý có thể công khai đứng ra xin lỗi DN, xin lỗi người tiêu dùng vì chưa thực hiện “tròn vai” để xảy ra những vụ việc đáng tiếc, gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng.
Cuối cùng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống quy định pháp luật liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Nước ta cần có quy định và quy chuẩn phân biệt rõ ràng về sản phẩm “made in Viet Nam” và “made by Viet Nam”.
*PV: Xin cảm ơn ông!