Vạn Phúc: An toàn khu năm xưa - làng du lịch hôm nay
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:36, 19/08/2019
Trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), Vạn Phúc đã được chọn làm An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Trong những năm 1939-1941, dù địch khủng bố gắt gao, Vạn Phúc đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cơ quan của Xứ ủy, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt... Đến tháng 4-1943, Báo Cứu Quốc - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh chuyển về Vạn Phúc. Đặc biệt trong thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa (cuối tháng 7-1945), An toàn khu Vạn Phúc được giao nhiệm vụ đón đoàn cán bộ trong toàn xứ tập trung ở địa phương để đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào, Tuyên Quang. Và, tối 17-8-1945, Xứ ủy Bắc kỳ đã họp khẩn cấp tại Vạn Phúc, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền.
Theo lời kể của cụ Nguyễn Thực, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, 93 tuổi ở khối Quyết Tiến (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) thì Vạn Phúc có vị trí địa lý thuận lợi, người dân giàu lòng yêu nước và có nghề dệt lụa phát triển. Hơn nữa, trong làng có nhiều thợ dệt từ các nơi đến làm thuê, khách đến mua hàng nên khi cán bộ cách mạng về hoạt động sẽ thuận lợi hơn... Và có thể nói: An toàn khu Vạn Phúc đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông, Hà Nội và cả Bắc kỳ.
Đặc biệt, năm 1946, người dân Vạn Phúc vinh dự đón Bác Hồ về ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Văn Dương. Tự hào được công tác tại Di tích "Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Vạn Phúc", chị Ngô Thị Minh Tâm cho biết: Bác Hồ ở đây từ ngày 3-12 đến 19-12-1946. Vào ngày 18 và 19-12-1946, Bác đã chủ trì hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước. Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Người khởi thảo.
Làng nghề - làng du lịch
Làng Vạn Phúc bây giờ đã trở thành phường, nhưng khung cảnh của làng quê cách mạng năm xưa vẫn vẹn nguyên với cây đa, mái đình, với những con người cần cù, hồn hậu.
Ngôi nhà cụ Nguyễn Văn Dương từng đón Bác về ở và làm việc năm xưa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 2017, thành phố Hà Nội triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Khu di tích "Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Vạn Phúc". 18 hộ dân đã tự nguyện chuyển tới nơi ở mới phục vụ giải phóng mặt bằng, mở rộng di tích. Chùa Vạn Phúc và nhiều “địa chỉ đỏ”... cũng được Nhà nước gắn biển ghi danh địa điểm lưu niệm cơ sở cách mạng, cơ sở cách mạng kháng chiến…
Giàu truyền thống cách mạng lại có nghề dệt lụa phát triển cùng lịch sử, Vạn Phúc có thế mạnh riêng để vững bước phát triển cùng Thủ đô và đất nước. Gia đình bà Nguyễn Thị Hà (con gái cụ Nguyễn Văn Dương) vẫn duy trì nghề cha ông truyền lại. Xưởng dệt và cửa hàng Phúc Thành Silk của gia đình luôn rộn tiếng thoi đưa và khách đến giao dịch. “Người dân Vạn Phúc mãi mãi ghi nhớ lời Bác dạy. Mỗi thế hệ trong các gia đình đều phát huy truyền thống của làng cách mạng, làng nghề, xây dựng quê hương giàu mạnh”, bà Nguyễn Thị Hà tâm sự.
Theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự, hiện nay trên địa bàn phường còn hơn 100 hộ làm nghề dệt, mỗi năm sản xuất 1,2-1,5 triệu mét lụa các loại, doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài dệt lụa, nhiều gia đình còn có cửa hàng kinh doanh mặt hàng này. Mỗi năm, Vạn Phúc thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, mua sắm…
Làng lụa - An toàn khu năm xưa, nay đã rõ nét một điểm du lịch có sức hút với du khách trong và ngoài nước. "Hiện nay, phường Vạn Phúc đang hình thành các tuyến phố đặc trưng, như: Phố lụa, phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh - đồ xưa... tạo nên một điểm du lịch làng nghề hấp dẫn. Vạn Phúc đang có nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển hướng mục tiêu dân giàu, phường mạnh, xứng đáng với truyền thống cách mạng son sắt của làng An toàn khu năm xưa”, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự tự hào chia sẻ.