Sản phẩm Hoàng Thiên Sâm và Nhất Nam Dược: Nhiều dấu hiệu sai phạm, lừa người tiêu dùng?
Tin tức - Ngày đăng : 08:39, 21/08/2019
Đơn cử như hai sản phẩm Hoàng Thiên Sâm và Nhất Nam Dược được quảng cáo là sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ và phân phối độc quyền HKD Nguyễn Hoàng Nam, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Ghi nhận của PV Báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, hai sản phẩm nói trên hiện đang được rao bán tràn lan trên thị trường với rất nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Các sản phẩm Nhất Nam Dược và Hoàng Thiên Sâm |
Cụ thể, hai sản phẩm mang nhãn hiệu Nhất Nam Dược và Hoàng Thiên Sâm có nhiều điểm bất thường. Nếu như nhãn sản phẩm tên “Tinh chất tái tạo da cao cấp” nhãn hàng Nhất Nam Dược mà bạn đọc cung cấp cho PV ghi rất nhiều công dụng, trong đó có đoạn: “… trị dứt điểm dầu nhờn trên da…”, thì sản phẩm “Tinh chất tái tạo siêu cấp” nhãn hàng Hoàng Thiên Sâm lại ghi: Chữa tận gốc các loại mụn trứng cá, mụn bọc, mụn mủ, mụn cám, mụn đầu đen, mụn ẩn dưới da…
Với cách ghi công dụng như trên, có thể khiến nhiều người liên tưởng đây là 1 loại thuốc chữa bệnh ngoài da. Nhưng nếu là thuốc thì sản phẩm này lại không ghi số đăng kí lưu hành theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Còn trong trường hợp sản phẩm này là mỹ phẩm thì theo Cục Quản lí Dược từ “trị” không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên cho mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định: “Tổ chức, cá nhân được phép ghi trên nhãn mỹ phẩm những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái với quy định của pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn mỹ phẩm”.
Và điểm chung của các sản phẩm này là không ghi thành phần theo danh pháp Quốc tế theo như quy định về quản lí mỹ phẩm của Bộ Y tế.
Như vậy, cho dù là thuốc hay mỹ phẩm thì các sản phẩm mà PV đang lưu giữ đã có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Căn cứ Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ, khi sản phẩm thuốc hoặc mỹ phẩm vi phạm Nghị định này thì ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị buộc tiêu hủy sản phẩm.
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường có không ít doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh kiểu “bỏ quên” đạo đức, chỉ vì lợi nhuận mà nhẫn tâm lừa dối khách hàng bằng cách tư vấn, quảng cáo, ghi nhãn thổi phồng công dụng của sản phẩm, từ đó thu lợi bất chính.
Thực tế, để phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả rất khó đối với người tiêu dùng vì không phải ai cũng trang bị được cho bản thân những kiến thức và kinh nghiệm về việc sử dụng mỹ phẩm. Thực tế, hiện nay không thiếu những loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang được quảng cáo rầm rộ, bán tràn lan trên thị trường, bất chấp sức khoẻ của người tiêu dùng.
Vậy có hay không việc đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhãn hiệu Nhất Nam Dược và Hoàng Thiên Sâm cùng các đại lí, nhà phân phối…đang bỏ qua mọi quy định để “thần thánh hóa” sản phẩm, xem thường pháp luật?