VNPT phát triển mạnh hệ sinh thái chính phủ điện tử
Tin tức - Ngày đăng : 16:28, 21/08/2019
Đến tháng 3-2019, Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ tổ chức được VNPT xây dựng chính là nền tảng cốt lõi cho chính phủ số.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng, Trục liên thông văn bản quốc gia đi vào hoạt động không chỉ bảo đảm kết nối việc nhận và gửi văn bản giữa các bộ, ngành, địa phương mà còn có thể chia sẻ và kết nối dữ liệu theo các chuẩn khác nhau, đáp ứng được vấn đề quản lý tập trung. Đây là hệ thống đặc biệt quan trọng và là nền tảng cốt lõi để xây dựng thành công chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số trong thời gian tới.
Đến nay, VNPT phát triển một số sản phẩm tiêu biểu cho các bộ, ngành địa phương như: VNPT-eCabinet: Giải pháp phòng họp không giấy tờ; VNPT-VXP: Giải pháp nền tảng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu; VNPT-IOC: Giải pháp trung tâm chỉ đạo điều hành; VNPT-iGate: Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; VNPT-iOffice: Hệ thống quản lý văn bản điều hành; VNPT-Portal: Giải pháp cổng thông tin điện tử; VNPT-CCVC: Hệ thống quản lý cán bộ công chức, viên chức…
Ở góc độ là khách hàng của VNPT, đánh giá về hệ thống truyền hình trực tuyến do VNPT đảm nhận triển khai đến hàng trăm điểm cầu trong cả nước, ông Điều Huy Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Tin học - Văn phòng Chính phủ cho biết, việc tổ chức họp trực tuyến đã giúp Chính phủ triển khai các phiên họp một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian.
"Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của VNPT trong việc ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, viễn thông vào công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền cũng như trong các hoạt động kinh tế - xã hội" - ông Điều Huy Mạnh nêu rõ.
Cam kết đưa các ứng dụng tiên tiến nhất vào triển khai để xây dựng và hình thành nên một tương lai số tốt đẹp cho đất nước trở thành "kim chỉ nam" của VNPT trong xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững.
Đến nay, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với 53/63 UBND tỉnh, thành phố; triển khai các giải pháp chính quyền điện tử cho 60/63 tỉnh, thành phố, cung cấp phần mềm quản lý y tế cho hơn 7.200 cơ sở y tế (trên tổng số khoảng 13.000 cơ sở y tế trên cả nước), triển khai hệ thống quản lý giáo dục cho hơn 13.000 trường học với gần 4 triệu hồ sơ học sinh.
VNPT cũng đã tập trung nguồn lực để sẵn sàng triển khai những công nghệ chủ lực của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT)… Dựa trên công nghệ nền tảng này, VNPT phát triển và triển khai cho các tỉnh, thành phố những sản phẩm dịch vụ số toàn diện, phục vụ đắc lực hoạt động của các cấp chính quyền, của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Tại hội thảo chính phủ điện tử được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế mới đây, VNPT đã giới thiệu giải pháp định danh công dân điện tử nhằm hỗ trợ phát triển cho Cổng dịch vụ công quốc gia. VNPT cũng tham gia tọa đàm về các thách thức cũng như giải pháp để phát triển cổng dịch vụ công quốc gia giai đoạn 2015-2021. Các hoạt động này một lần nữa khẳng định sự tham gia có trách nhiệm, chất lượng, uy tín của tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trong việc xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam.