Kỳ án cố ý gây thương tích ở Quảng Ninh: Số lượng “khủng” thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm

Tin tức - Ngày đăng : 07:12, 23/08/2019

Có tới 14 thẩm phán (trong đó 3 thẩm phán chính và 11 thẩm phán dự khuyết) trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Cố ý gây thương tích".
Kỳ án cố ý gây thương tích ở Quảng Ninh: Số lượng “khủng” thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm
Phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo.
Số lượng “khủng” về thẩm phán trong phiên tòa

Mới đây, TAND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 95/2019/QĐXXPT-HS với Thành phần Hội đồng xét xử rất đặc biệt gồm: 03 Thẩm phán chính thức và 11 Thẩm phán dự khuyết (Tổng số 14 Thẩm phán).

Kỳ án cố ý gây thương tích ở Quảng Ninh: Số lượng “khủng” thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm
Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Theo đó, vụ án sẽ được xét xử phúc thẩm vào hồi 08h ngày 30/8/2019, theo đơn kháng cáo kêu oan của Nguyễn Tiến Tùng, Phạm Xuân Long và Phạm Hùng Cường đối với Bản án sơ thẩm số 45/2019/HS-ST do TAND TP Uông Bí ban hành ngày 25/4/2019.

Đồng thời, vụ án có “Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” đối với Vũ Thị Hương (người dùng dao chọc tiết lợn và cây mài dao gây thương tích 3% cho Nguyễn Tiến Tùng nhưng đến nay vẫn chưa bị khởi tố).

Nói về số lượng “khủng” thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, LS Phạm Quang Hưng – Văn phòng luật sư Hưng Long, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Việc chuẩn bị thành phần HĐXX của TAND tỉnh Quảng Ninh trong vụ án này gồm: 03 Thẩm phán chính thức và 11 Thẩm phán dự khuyết (Tổng số 14 Thẩm phán) là thuộc trường hợp hiếm thấy từ xưa đến nay.

“Tuy nhiên trường hợp này không sai luật vì Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành không hạn chế số lượng Thẩm phán dự khuyết), đây chính là biểu hiện của sự rất thận trọng của TAND tỉnh Quảng Ninh cần nhiều Thẩm phán dự khuyết để tận dụng tham khảo ý kiến của các Thẩm phán đối với việc xét xử Phúc thẩm vụ án được coi là “còn nhiều hạt sạn” này”, LS Hưng nhấn mạnh.

Trước đó, từ ngày 22 đến ngày 25/4/2019, TAND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương” đối với các bị cáo Nguyễn Tiến Tùng (SN 1990, trú tại phường Thanh Sơn, TP Uông Bí), Nguyễn Xuân Thắng (SN 1962), Phạm Xuân Long (SN 1987), Phạm Hùng Cường (SN 1987), cùng trú tại phường Vàng Danh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Với những cáo buộc có dấu hiệu oan sai từ Viện kiểm sát TP Uông Bí, nhiều căn cứ không đủ cơ sở để buộc tội đối với các bị cáo.

Tuy nhiên, TAND TP Uông Bí vẫn tuyên án đối với các bị cáo. Theo đó, 04 bị cáo Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Xuân Thắng, Phạm Hùng Cường và Phạm Xuân Long bị tuyên về tội “Cố ý gây thương tích” với các mức án thấp nhất là 04 năm tù và cao nhất là 05 năm tù.

 “Chí phèo” ăn vạ đẩy 4 con người vào tù!

Theo nội dung vụ án thì vào ngày 14/11/2014, tại tổ 3 khu 4 phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh xảy ra một vụ xô xát khoảng 15 đến 20 người, hậu quả ông Nguyễn Tiến Tùng, ông Hồ Sỹ Hùng, ông Vũ Văn Vương, bà Vũ Thị Hương phải đi bệnh viện cấp cứu.

Kỳ án cố ý gây thương tích ở Quảng Ninh: Số lượng “khủng” thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm
Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.

Sau đó, sự việc được giải hòa ngày 14/01/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí đã ra kết luận vụ việc và ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Ngày 16/01/2015, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Uông Bí ban hành công văn số 15/KSĐT-HS thống nhất quan điểm gải quyết của Cơ quan cảnh sát điều tra.

Xuyên suốt quá trình điều tra đến khi ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự (từ ngày 14/11/2014 đến ngày 14/01/2015) không có bất cứ bản Kết luận giám định thương tích nào được ban hành.

Ngày 31/3/2015, Công an Thành phố Uông Bí đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Song Hào, Nguyễn Hùng Cường và Phạm Xuân Long về hành vi “Xâm hại sức khỏe người khác” (Không dựa trên bất cứ bản Kết luận giám định thương tích nào).

Tuy nhiên, ngày 26/5/2017, (sau hơn 02 năm kể từ khi Cơ quan CSĐT Công an TP Uông Bí ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự).

Bà Hương bất ngờ có đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Uông Bí và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Uông Bí xác minh, điều tra, xử lý lại vụ việc xảy ra ngày 14/11/2014, nêu trên và đề nghị khởi tố, xử lý hình sự đối với Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Song Hào, Nguyễn Hùng Cường và Phạm Xuân Long đánh gây thương tích cho ông Hùng, ông Vương và bà Hương.

Cơ quan CSĐT CATP Uông Bí thừa nhận sai phạm

Qua quá trình điều tra, ngày 23/12/2014, anh Hùng có đơn đề nghị khởi tố vụ án. Ngày 26/12/2014, Tùng được đưa đi giám định thương tích.

Ngày 12/1/2015, 3 bị hại cũng được đưa đi giám định. Ngày 13/1/2015, Phòng giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh đã có kết luận giám định thương tích đối với chị Hương, anh Hùng và anh Vương.

Kỳ án cố ý gây thương tích ở Quảng Ninh: Số lượng “khủng” thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm
Công an TP không đồng ý cho cơ quan giám định tiến hành giám định.

Gia đình chị Hương đã nhận 300 triệu, đồng thời xin rút yêu cầu giám định thương tích và rút đơn yêu cầu khởi tố đối với các bị cáo. Cùng ngày, CQCSĐT CATP Uông Bí đã ra kết luận vụ việc, đồng thời ra quyết định không khởi tố vụ án và được VKSND cùng cấp phê chuẩn. Sau đó, Tùng, Hào, Cường và Long bị xử phạt hành chính.

Hơn 2 năm sau, ngày 26/5/2017, chị Hương gửi đơn đề nghị CATP và VKSND TP Uông Bí khởi tố, xử lý hình sự đối với nhóm của Tùng.

Mặc dù giữa các đối tượng và bị hại đã tự hoà giải, có biên bản thoả thuận không yêu cầu khởi tố nhưng bị hại Hùng bị tổn hại 36% sức khoẻ.

Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, CQCSĐT TP Uông Bí cũng thừa nhận, vụ việc có dấu hiệu của tội phạm về tội “Cố ý gây thương tích”, đồng thời các đối tượng Tùng, Hào, Cường và Long có hành vi gây thương tích cho nhiều người, tổng tỷ lệ thương tích của anh Hùng và anh Vương là 45%.

Như vậy đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đáng xử lý bằng pháp luật hình sự, nhưng lại xử lý bằng hành chính là sai, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, vi phạm trong hoạt động tố tụng.

Chính vì vậy, ngày 12/6/2017, VKSND TP Uông Bí ra quyết định huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án của CQCSĐT CATP Uông Bí, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Một trong những căn cứ quan trọng để VKSND TP Uông Bí ra quyết định khởi tố vụ án là bản kết luận giám định pháp y về thương tích đối với chị Hương, anh Hùng và anh Vương của Phòng giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh ký ngày 13/1/2015.

Dấu hiệu sai lệch hồ sơ, bỏ lọt tội phạm (?!)

Tại phiên tòa, Luật sư Phạm Quang Hưng và Luật sư Phạm Trung Kiên thuộc Văn phòng luật sư Hưng Long – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến Tùng) đã công bố chứng cứ, đó là: Công văn số 56/CV-CQCSĐT ngày 13/01/2015 của Cơ quan CSĐT Công an thành phố Uông Bí gửi Phòng giám định pháp tỉnh Quảng Ninh với nội dung:

“Qua nghiên cứu tài liệu điều tra, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Uông Bí thấy tài liệu tiến hành giám định đối với bà Hương, ông Hùng và ông Vương chưa đảm bảo đầy đủ tài liệu theo quy định của khoản 1, Điều 33 của Luật giám định tư pháp, phần 1, Quy trình giám định pháp y được ban hành kèm theo thông tư số 47/2013/TT-BYT.

Do vậy, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Uông Bí đề nghị Phòng giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh tạm dừng tiến hành giám định đối với các ông bà nêu trên, để Cơ quan CSĐT Công an thành phố Uông Bí thu thập đầy đủ tài liệu để trưng cầu giám định theo đúng quy định pháp luật”.

Dùng kết luận giám định không có pháp lý để “ép” bị cáo có tội?

Tại toà, luật sư bào chữa cho các bị cáo có cùng quan điểm không đồng ý với tội danh và hình phạt như đại diện VKS đề nghị.

Kỳ án cố ý gây thương tích ở Quảng Ninh: Số lượng “khủng” thẩm phán trong phiên tòa phúc thẩm
Bản kết luận giám định pháp y về thương tích.

Bởi lẽ, theo các luật sư, vật chứng trong vụ án không thu giữ được, dấu vết không có để xem xét; biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/11/2014 không có giá trị pháp lý vì biên bản này thực hiện khi chưa có quyết định khởi tố vụ án; hai biên bản khám nghiệm về sau cũng không thể hiện được vật chứng mà Tùng đánh anh Hùng để lại trên hiện trường là gì; trong quá trình điều tra không tiến hành thực nghiệm hiện trường.

Đáng chú ý, một trong những căn cứ quan trọng mà các luật sư cho rằng không có đủ căn cứ để buộc các bị cáo phạm tội và đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội, trả tự do cho các bị cáo tại toà là bản kết luận pháp y của Phòng giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh ngày 13/1/2015 không thể coi là chứng cứ của vụ án.

Bởi lẽ, ngày 12/1/2015, 3 bị hai được đưa đi giám định nhưng ngày 13/1/2015, Thượng tá Trịnh Tiến Mạnh, Phó thủ trưởng CQCSĐT CATP Uông Bí đã ký công văn số 56/CV-CQCSĐT gửi Phòng giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh đề nghị tạm dừng tiến hành giám định đối với chị Hương, anh Hưng và anh Vương với lý do, CQCSĐT CATP Uông Bí xét thấy tài liệu tiến hành giám định đối với ba nạn nhân chưa đảm bảo đầy đủ tài liệu theo quy định của khoản 1, Điều 33, Luật Giám định tư pháp.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Tùng cho rằng, bản kết luận pháp y xác định anh Hùng bị tổn hại 36% sức khoẻ là trái pháp luật vì CQCSĐT CATP Uông Bí đã xác định tài liệu tiến hành giám định chưa đảm bảo.

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng TP Uông Bí sử dụng chứng cứ này để truy tố, xét xử các bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” là chưa khách quan, gây oan sai?

Hy vọng ngày 30/8 tới đây, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ công tâm và khách quan khi xét xử phúc thẩm để hủy bỏ bản án sơ thẩm của TAND TP Uông Bí đã tuyên trước đó, yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án, tránh gây oan sai và cương quyết không để bỏ lọt tội phạm, lấy lại lòng tin cho nhân dân thành phố Uông Bí nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, cũng như đảm bảo kỷ cương pháp luật.

Bùi Hải/ theo phapluatplus