Hơn 190.000 ha đất nông, lâm nghiệp đang bị lấn chiếm, tranh chấp
Tin tức - Ngày đăng : 18:15, 23/08/2019
Hơn 1 triệu ha đất đang được giao không thu tiền
Tại cuộc tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Thanh Khuyến cho biết, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 7/2019, tổng số công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát là 246 công ty với diện tích giữ lại là 1.868.538 ha, tại 45 tỉnh, thành phố.
Trong đó, đất giao, khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn, đang có tranh chấp, bị lấn, chiếm là 245.787 ha, chiếm 13,15% tổng diện tích dự kiến giữ lại. Riêng diện tích đất đang có tranh chấp, lấn, chiếm (thực tế doanh nghiệp không quản lý được đất) là 56.669 ha, chiếm 3,03%.
Về hình thức giao đất, có 1.007.386 ha, chiếm 53,91% tổng diện tích dự kiến giữ lại là đất đang sử dụng theo hình thức giao đất, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất. Số đất đang sử dụng theo hình thức thuê đất, trả tiền hàng năm là 706.575 ha, chiếm 37,81%. Còn lại là 154.576 ha đất đang sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ giao đất, thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.
Diện tích dự kiến các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng là 463.088 ha. Trong đó, đất giao khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn, đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 267.445 ha, chiếm 57,75% tổng diện tích dự kiến bàn giao. Riêng đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 133.800 ha, chiếm 28,89% tổng diện tích dự kiến bàn giao.
Như vậy, tổng số diện tích đất nông, lâm nghiệp đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 190.469 ha.
Đánh giá các kết quả đạt được trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai theo Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhìn chung đã xác định cụ thể đối tượng sử dụng đất để làm rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ sự nghiệp công ích; xác định nhu cầu và phạm vi sử dụng đất để có kế hoạch sử dụng hiệu quả. Việc sử dụng quỹ đất của Nhà nước mà các nông trường, lâm trường đang quản lý để liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn; đất bị tranh chấp, lấn chiếm đã được hạn chế và có xu hướng giảm…
Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế còn lại cũng không ít. Đó là hiệu quả sử dụng đất chưa cao; còn tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước giao, cho thuê để cho thuê, cho mượn, liên danh liên kết trái pháp luật; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa các loại rừng không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn diễn ra. Tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn xảy ra, gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Việc xác định nghĩa vụ tài chính của các tổ chức sử dụng đất còn chưa đúng, đủ theo diện tích, loại đất đang sử dụng. Nhiều công ty nông nghiệp, lâm nghiệp đã cổ phần hóa hoặc đã chuyển thành mô hình hai, ba thành viên nhưng vẫn chưa thực hiện chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất; vẫn sử dụng nhiều diện tích đất Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc chưa xác định hình thức giao đất, thuê đất….
Phần lớn diện tích bên trong các nông trường, lâm trường và diện tích bàn giao về địa phương chưa thực hiện việc đo đạc, rà soát chi tiết; các địa phương chưa quan tâm đầu tư về kinh phí cho rà soát, đo đạc, thiết lập hồ sơ quản lý đất đai và chỉ đạo sát sao nên hầu hết các đơn vị chỉ rà soát trên cơ sở số liệu sẵn có trên sổ sách mà không thực hiện việc rà soát đo đạc, cắm mốc ngoài thực địa; từ đó dẫn đến tình trạng hồ sơ đất đai không đầy đủ, không rõ ràng.
Thực tế phần diện tích đất đai các nông trường, lâm trường giữ lại và bàn giao về địa phương qua báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp và qua báo cáo theo từng chuyên đề của các địa phương cho thấy số liệu chênh lệch nhau rất lớn càng chứng tỏ sự quản lý không tập trung, thiếu thống nhất, thiếu nguồn số liệu, thông tin tin cậy, ổn định.
Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp trong đó có việc xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất và dân di cư tự do để giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.
Đồng thời, xác định cụ thể cơ chế tài chính để mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách đối với phần diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại; hoàn thiện và thực hiện ngay phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân.
Dứt khoát thu hồi số đất đai bị lấn chiếm trái pháp luật
Tại cuộc tọa đàm, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia đã cùng trao đổi về nhiều vấn đề cụ thể trong thực tế phát sinh và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), các công ty nông lâm rất đặc thù, thường ở vùng sâu, vùng xa nên cần có cơ chế đặc thù để xử lý, đặc biệt về các cơ chế tài chính như hỗ trợ từ ngân sách, bổ sung vốn điều lệ... Xem xét chưa bàn giao vốn nhà nước về SCIC đối với các công ty nông, lâm nghiệp thuộc địa phương để việc quản lý được thông suốt gắn với quản lý đất đai, rừng.
Ông Phạm Văn Thành - thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) đề xuất các địa phương sắp xếp nguồn vốn để hoàn trả phần tài sản trên đất cho các công ty khi các công ty bàn giao đất về địa phương. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ đền bù khi các tập đoàn giao đất về địa phương bởi nếu tính giá đền bù theo Luật Đất đai sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực sản xuất của các công ty.
Tuy nhiên, theo một số địa phương, đây là yêu cầu rất khó bởi các địa phương hầu như không có cơ chế cũng như khả năng ngân sách để hoàn trả các công ty tài sản trên đất, trừ trường hợp kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những ý kiến, tham luận trình bày. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ những vấn đề cần phải lưu ý qua các ý kiến này. Đó là diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp còn nắm giữ vẫn quá lớn so với nhu cầu thực tế và năng lực quản lý, do đó cần tiếp tục rà soát.
Trong số đất giữ lại, số đã được phê duyệt phương án sử dụng đất mới đạt 47,6%. Diện tích đất Nhà nước giao không thu tiền chiếm 53,91%, diện tích đất cho thuê có thu tiền mới chỉ chiếm 37,6%. Đặc biệt diện tích giao đất nhưng chưa lập hồ sơ còn khá lớn. Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại hiệu quả sử dụng đất trong vấn đề này, .
Đối với số đất có tranh chấp, bị lấn chiếm, Phó Thủ tướng yêu cầu số đất bị lấn chiếm trái pháp luật phải dứt khoát thu hồi, số đất có tranh chấp phải được phân xử theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Lưu ý phần lớn các nông lâm trường hiện nay chưa có đổi mới căn bản về phương thức quản trị, hoạt động, Phó Thủ tướng nhắc nhở không nên chỉ quan tâm số lượng công ty đã sắp xếp, số đất đai đã sắp xếp mà quan trọng hơn là hiệu quả sử dụng đất đai thế nào.
Đối với đất giao lại cho địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới mô hình quản trị, quản lý công ty nói chung và đất đai nói riêng, nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị sử dụng đất./.