Vận hành thiết bị dùng chung tại các chung cư tái định cư: Còn đó những mối lo
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:12, 24/08/2019
Vận hành không ổn định
Tại chung cư tái định cư NO3, Láng Thượng (quận Đống Đa), ông Nguyễn Hồng Phong (phòng 304) chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: Cư dân rất bất bình vì thang máy luôn ở tình cảnh cái “sống”, cái “chết”. Tháng 7 năm trước, cả 2 thang máy cùng không hoạt động, các cư dân, trong đó có không ít người già, trẻ nhỏ phải lên xuống 9 tầng nhà bằng thang bộ. Sau đó, 2 thang máy đã được sửa chữa, nhưng cư dân vẫn không khỏi lo lắng về hoạt động thiếu ổn định của chúng.
Cùng chung nỗi lo, ông Dương Sáng Sơn - cư dân tòa nhà B10B, khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) - Tổ trưởng tổ dân phố 44 phường Yên Hòa cho hay, hệ thống phòng cháy, chữa cháy của tòa nhà đều đã tê liệt nhiều năm nay, các thang máy cũng hỏng liên tục.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 174 tòa nhà tái định cư, được giao cho 3 đơn vị vận hành là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (quản lý 136 tòa); Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Handico (20 tòa); Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng (18 tòa). Hầu hết các tòa nhà đều đã đưa vào sử dụng nhiều năm, nhiều hạng mục, thiết bị đã xuống cấp. Trong đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy của 158/174 tòa nhà; 5 trạm bơm nước cần sửa chữa, lắp mới..., với kinh phí khoảng 186 tỷ đồng. Về nguyên tắc, tất cả công trình, thiết bị đều có thời hạn sử dụng nhất định và cần được bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, tại các chung cư tái định cư, rất nhiều thiết bị, hạng mục đã không được bảo dưỡng thường xuyên, khiến chúng càng nhanh xuống cấp, hoạt động không ổn định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, theo Quyết định 19/QĐ-UBND ngày 24-6-2013 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn thành phố, chi phí để bảo trì diện tích và thiết bị dùng chung được lấy từ quỹ bảo trì (thu bằng 2% giá trị căn hộ). Trường hợp nguồn kinh phí này không có, hoặc không đủ, các chủ sở hữu phải đóng góp để thực hiện. Tuy nhiên, đối với nhà chung cư tái định cư, do giá bán thấp nên quỹ bảo trì không nhiều, không đủ để giải quyết những tồn tại hiện hữu.
Thông tin thêm, ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà tái định cư - nhà ở xã hội (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết, việc thu thêm từ các chủ sở hữu hay trích sử dụng quỹ theo quy định cũng rất khó khăn, bởi nhiều chủ sở hữu không đồng thuận. Chưa kể, còn có 24/136 tòa do công ty quản lý không có quỹ bảo trì, do đưa vào sử dụng trước khi Quyết định 19/QĐ-UBND và các quy định về thu quỹ bảo trì 2% có hiệu lực.
Trong khi nguồn thu quỹ bảo trì 2% không có hoặc ít ỏi, thì nguồn thu từ các hộ dân (phí quản lý, vận hành: 30.000 đồng/hộ/tháng; trông giữ xe máy: 45.000 đồng/xe/tháng...) không đủ chi trả cho việc vận hành tòa nhà. Ông Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ đô thị (thuộc Handico) dẫn chứng: “Tại tòa A6C Nam Trung Yên, tháng 7-2019, tổng các khoản đơn vị thu được hơn 16 triệu đồng, nhưng chi phí quản lý, vận hành tòa nhà là hơn 48 triệu đồng. Với toàn bộ số tòa nhà do đơn vị quản lý, Handico đang phải bù lỗ 500-600 triệu đồng/tháng”.
Cần sớm gỡ khó
Để tránh xáo trộn cuộc sống của cư dân khi thang máy ở các tòa nhà tái định cư hỏng, nhiều đơn vị quản lý, vận hành đã phải ứng tiền sửa chữa, song đến nay vẫn chưa được thanh toán. Ông Bùi Quốc Dũng cho biết: “Công ty nợ các nhà thầu sửa chữa hơn 10 tỷ đồng mà chưa biết trông vào nguồn nào để trả”. Cũng trong cảnh liên tục phải tạm ứng kinh phí quản lý, vận hành và sửa chữa bảo trì 18 tòa nhà tái định cư từ năm 2015 đến nay, ông Nguyễn Tử Quang - Phó Tổng Giám đốc Handico cho biết, khoản kinh phí bù lỗ cộng dồn, kéo dài 4 năm là khá lớn, gây khó khăn cho đơn vị...
Gỡ khó một phần các bất cập trên, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngày 23-8-2018, UBND thành phố có Quyết định 18/2018/QĐ-UBND, cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư hỗ trợ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và một phần kinh phí quản lý, vận hành. Theo đó, có 6 hạng mục được thành phố hỗ trợ kinh phí bảo trì, gồm: Thang máy, hệ thống phòng cháy - chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét và mặt ngoài tòa nhà. Với các chung cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ, trước ngày 30-10 hằng năm, đơn vị quản lý, vận hành có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì của năm kế tiếp, trình Sở Xây dựng kiểm tra, thẩm định và phê duyệt. Đối với những hư hỏng đột xuất, cho phép Sở Xây dựng duyệt ứng vốn để xử lý kịp thời.
Theo Sở Xây dựng, hiện còn 15.401,23m2/77.357,24m2 diện tích dịch vụ tại các chung cư tái định cư vẫn chưa có người thuê. Ngoài ra, nhiều diện tích đang được thành phố giao cho các đơn vị hành chính sự nghiệp của thành phố sử dụng mà không thu tiền. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, nếu thu hồi được các diện tích kinh doanh dịch vụ và bố trí cho thuê hết diện tích còn trống... thì số tiền thu được đủ bảo đảm hỗ trợ việc bảo trì theo yêu cầu và một phần công tác quản lý, vận hành chung cư. Hiện, Sở đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quy định của thành phố.
Về thực trạng các đơn vị đang phải ứng tiền, bù lỗ để quản lý, vận hành chung cư tái định cư, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, Sở Xây dựng đã báo cáo thành phố, đề nghị giao Sở Tài chính hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, trình hồ sơ quyết toán. Đối với việc cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy của các chung cư tái định cư, thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội làm chủ đầu tư. Hiện, Ban Quản lý dự án đang chọn nhà thầu thi công.