Hàn Mặc Tử: Lời điên, ý tỉnh
Truyện - Ngày đăng : 08:14, 28/08/2019
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912, mất ngày 11/11/1940 tại nhà thương Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, vì bệnh phong. Số phận bi thương và tài năng kỳ lạ.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912, mất ngày 11/11/1940 tại nhà thương Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, vì bệnh phong. Số phận bi thương và tài năng kỳ lạ. Hai mươi tám năm được sống ở trần gian mà bốn năm cuối đời đau thương vì tật bệnh, Hàn Mặc Tử vẫn đủ dựng một sự nghiệp độc đáo, tạo riêng một trường phái trong cả nền thơ Việt Nam.
Người ta gọi thơ ông là thơ điên. Nhưng những bài được nhiều người biết lại là những bài trong trẻo, trong trẻo bậc nhất so với cả nền thơ hồi ấy: Mùa xuân chín, Đây thôn Vỹ Dạ, Tình quê… Trong trẻo đến mức tạo thành đặc điểm của thơ ông giai đoạn đầu: trời đất tinh khôi, không khí chưa hề bụi bặm, trong nắng có mùi hương, trong gió có âm thanh của nhạc:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
hoặc:
Nắng thơm trong và tiếng nhạc
thần bay.
Con người như đang trong cõi uyên nguyên của mùa xuân thứ nhất:
Có người trai mới in như Nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn.
Đôi khi, như một phép màu, hình ảnh giản dị thân quen của đời sống thường ngày bỗng có sức gợi nhớ âm vang, phóng vào rất xa, rất xa, đầy ấn tượng. Chữ nghĩa quen, hình ảnh quen, nhưng cảm giác rất lạ:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng
chang chang.
Cái nhìn sáng tạo làm giật mình cả trời đất:
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
Có lẽ cách cảm nhận táo bạo này, khi bằng thị giác, khi bằng xúc giác Da thịt trời ơi trắng rợn mình cộng với sự tự nhận của tác giả khi ông đặt tên tập thơ thứ hai là Thơ điên: Đau thương. Và nhất là ở vài năm cuối đời bút pháp ông lẩn vào siêu thực. Đã một thời gian dài, người ta lúng túng khi bình luận tài năng Hàn Mặc Tử. Tài thì tài rồi, có chỗ còn như thiên tài nhưng chỉ dẫn chứng loanh quanh một số bài trong trẻo đã nói trên. Tác phẩm chọn dạy cho học sinh trung học cũng chỉ Mùa xuân chín, Đây thôn Vỹ Dạ. Nhà phê bình Hoài Thanh, người sành Thơ mới vào bậc nhất, người đã biểu dương và tiên lượng tài năng khá chính xác các nhà thơ tài năng của thời điểm ấy, khi viết đến Hàn Mặc Tử, trong Thi nhân Việt Nam hồi 1941, ông nhận xét đúng mực và có lý từng tác phẩm của Hàn nhưng ông né tránh bình luận bao quát về đóng góp của Hàn trong thế giới thơ điên. Ông kính cẩn thế giới ấy của Hàn nhưng xin phép khoanh lại. Ông viết: Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn. Xuân Diệu, một kiện tướng của phong trào Thơ mới và càng về sau này người ta càng thấy ông cũng rất cự phách trong thẩm định thơ thì có vẻ cảnh giác với chiêu thức từng xảy ra trong giới thơ là lộn sòng cái lập dị vào sự cách tân sáng tạo. Xuân Diệu viết, không nhắm trực tiếp vào Hàn Mặc Tử, nhưng khi đọc người ta nghĩ ngay đến tập thơ Thơ điên: “Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ của những chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười chân vừa nhảy miệng vừa kêu: tôi điên đây, tôi điên đây. Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu".
Buổi đầu làm thơ Hàn Mặc Tử còn viết những bài thơ theo luật Đường, niêm luật tề chỉnh, đối ứng già dặn nhưng hồn thơ thì mới, bạo, lãng mạn.
Năm 19 tuổi được ông già bến Ngự Phan Bội Châu họa thơ và biểu dương.
Hàn Mặc Tử, ngay ở tập Gái quê, tập thơ đầu tiên theo bút pháp Thơ mới, xuất bản năm 1936, tập thơ có nhiều bài bình thường, còn dấu vết của người mới viết nhưng đây đó, đã bộc lộ một cảm xúc lãng mạn vào bậc nhất trong phong trào Thơ mới. Mà lãng mạn đến cùng thì thành siêu thực. Một thứ siêu thực trực tiếp tự ngấm vào giác quan mà thành hiện thực. Đến tập Đau thương, được đặt tên là thơ điên thì những đặc trưng, cả tỉnh lẫn điên của Hàn đều hiện diện. Nhiều câu thơ lạ. Và đẹp. Và rất tinh khôi:
Vừa mới lên trăng đã thẹn thò!
Thơm như tình ái của ni cô.
Hàn Mặc Tử lại giàu cảm giác, giàu đến mức lấn sang cả ảo giác: Từ Da thịt trời ơi trắng rợn mình đến Áo em trắng quá nhìn không ra là một bước biến hóa trong cảm nhận giác quan, màu trắng từ trực giác sang ảo giác. Hàn Mặc Tử có cách giao lưu với hư vô ít ai có. Ông nghe trong không gian, cũng bằng ảo giác:
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi tự thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim.
Và nghe trong thời gian:
Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình.
Chính cái phẩm chất lãng mạn đến cùng và những giác quan kỳ ảo trời cho ấy đã giúp Hàn Mặc Tử tạo những câu thơ ảo chồng lên ảo, người đời chưa quen, và cũng do tác giả sui, mới gọi nó là thơ điên.
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy cả miền không gian.
Đúng ra, lời điên mà ý tỉnh. Cái mảng “điên" nhất là mảng không gian trăng, nhân vật trăng. Trăng thành ám ảnh trong nội tâm thi sĩ. Thử lấy một vài đoạn điển hình “chất điên” Hàn Mặc Tử để thấy mạch tư duy của ông:
Cả miệng ta là trăng là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng
Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vó tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy kinh hoàng mửa máu ra
Đấy là nỗi đau thương tồn tại trong dạng thức điên dại của ngôn từ vì chỉ ngôn từ điên dại mới nói được đủ cường độ của nỗi đau thương trong cõi giam cầm tật bệnh, cùng đường, tuyệt vọng của một hồn thơ đang tràn đầy niềm ham sống. Nhà thơ khạc hồn ra khỏi xác, xác bất động nên phải cho riêng hồn được phiêu diêu tìm đến xa vời kỳ ảo, nơi có người giặt lụa bên sông Ngân. Lụa là trăng, nước là trăng và người cũng là trăng: Người trăng ăn vận toàn trăng cả/ Gò má riêng thôi lại đỏ hườm. Thơ Hàn Mặc Tử hay nói tới màu đỏ của má, của môi, của hoa: đỏ tươi, đỏ hườm, đỏ máu như những điểm ấm nóng mang vị trần gian trong cảnh sắc lạnh âm u ma quái. Hình ảnh lạ, động từ bạo làm bật dậy những cảm giác sâu, mạnh, ấn tượng không phai nhạt. Trong bài Những giọt lệ 12 câu, mà có tới: Bao giờ mặt nhật tan thành máu/ Và khối lòng tôi đứng tựa si. Lại Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. Lại nữa:
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.
Hàn Mặc Tử có những ý thơ quái đản, giọng thơ hoảng loạn mà tình thơ rất xót thương, một nỗi xót thương thanh khiết, thấm thía, sâu vời vợi. Lời như mê sảng, như nói nhăng nhưng đọc xong thì ứa nước mắt (Say trăng, Rượt trăng, Trăng tự tử, Cô gái đồng trinh, Trăng vàng trăng ngọc, Hồn là ai...). Bút pháp ấy, ngoài Hàn Mặc Tử ra không thấy ở đâu. Làm thơ mà như bưng hồn mình ròng ròng máu chảy đặt lên trang giấy.
Sau tập Đau thương, thơ Hàn Mặc Tử như nghiêng về tôn giáo (Xuân như ý, Thượng thanh khí) và tình yêu (Cẩm châu duyên). Nhưng không phải là thơ truyền bá tôn giáo hay ca ngợi hạnh phúc của tình yêu. Đây là hai cõi ảo, Hàn Mặc Tử tự tạo cho mình bằng những mảnh vụn của đời thực. Thơ có ý, nhưng không mê đắm hay đúng hơn tác giả phải bày biện chữ để nói ra sự mê đắm chứ người đọc không tự cảm nhận được. Người đọc xót thương khi nhận ra: hai thế giới tự tạo này là nơi nương tựa cuối cùng của hy vọng, nó có sức cưu mang cho sự sống tác giả. Hoài Thanh có nhận xét về tác phẩm này: Hàn Mặc Tử chốc chốc lại ra ngoài biên giới thơ, lạc vào thế giới đồng bóng. Một nhận xét tế nhị về chỗ hụt hơi của bút pháp. Hàn không thể tự lừa mình để trốn số phận. Tác giả phải đối diện với số phận bi thương của mình nên cái thế giới thần tiên tự tạo ấy mới thành đồng bóng. Nó lộ diện là không thực. Xót thương là ở chỗ ấy.