Hà Nội - Thủ đô sáng tạo: Sáng tạo từ dòng chảy nghìn năm

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 21:35, 28/08/2019

Ai đi xa vài năm, khi trở về Hà Nội hẳn đều không khỏi có chút ngỡ ngàng. Không chỉ là những khu phố, công trình hiện đại, biểu trưng cho sự phát triển nhanh và năng động về kinh tế, người Hà Nội giờ đây còn được sống trong một bầu không khí sáng tạo vô cùng cởi mở, sẵn sàng đón nhận những xu hướng mới nhất của thế giới và tự tin lan tỏa những giá trị riêng mình. Có được tâm thế ấy là bởi Hà Nội có một chỗ dựa vững chắc - vốn văn hóa truyền thống giàu có được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.
Hà Nội - Thủ đô sáng tạo: Sáng tạo từ dòng chảy nghìn năm
Tại nhiều không gian sáng tạo ở Thủ đô, người Hà Nội đang được tự do sáng tạo và sẵn sàng đón nhận những xu hướng mới nhất của thế giới. Ảnh: Hoàng Điệp

Tự tin “Thủ đô sáng tạo”

Mang khát vọng vươn lên bằng sự sáng tạo, tăng cường kết nối quốc tế, Hà Nội đã hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” năm 2019. Nếu ứng cử thành công, Hà Nội sẽ là thủ đô đầu tiên của Đông Nam Á tham gia mạng lưới này.

Sự sáng tạo nào cũng đòi hỏi phải dựa trên những nền tảng nhất định, càng ở cấp độ cao, nền tảng cho sáng tạo càng phải vững chắc. Và Hà Nội rất tự tin vào nền tảng của mình. Đó trước hết là bề dày những tinh hoa được hội tụ, chắt lọc qua hơn 1.000 năm lịch sử ở vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi “lắng hồn núi sông” của dân tộc, nơi gặp gỡ Đông - Tây với sự đa dạng về văn hóa, là thành phố năng động trong phát triển kinh tế, là địa phương mà các cấp lãnh đạo luôn dành sự quan tâm đến phát triển văn hóa... Và đặc biệt là nền tảng yếu tố con người. Hồ sơ ứng cử của Hà Nội chỉ rõ: Hà Nội là một thành phố có cơ cấu dân số vàng (51,7% dân số trẻ), có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học công nghệ và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố. Hà Nội đã và đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo. Người Hà Nội luôn được biết đến như những cá nhân linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới. Đây là nguồn lực quan trọng của Hà Nội trong kết nối, hội nhập quốc tế.

Tròn 20 năm kể từ ngày Hà Nội được UNESCO vinh danh  - Thành phố vì hòa bình, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực từng ngày để nơi đây trở thành thành phố đáng sống, điểm đến tin cậy... được cộng đồng quốc tế bình chọn. Và giờ đây là thời điểm chín muồi để Hà Nội tiếp tục vươn tới những mục tiêu mới phù hợp với sự phát triển của thời đại: Thành phố sáng tạo. Người Hà Nội hôm nay cũng đã hội tụ đủ các yếu tố để tự tin đứng trước bước chuyển mình then chốt, hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên Thăng Long của tiền nhân từ ngàn năm trước.

Việc trở thành thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” sẽ là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong 20 năm tới. Như ông Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đánh giá: “Tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô đối với thế giới; phát hiện ra nhân tố thiết yếu của nền kinh tế và phát triển xã hội ở địa phương; chia sẻ những hiểu biết về những nhóm văn hóa khác nhau trên thế giới; xây dựng năng lực địa phương và kết hợp văn hóa địa phương vào kỹ năng thương mại; phát triển các sản phẩm văn hóa một cách đa dạng trong thương mại của quốc gia và quốc tế”...

Lấy thiết kế làm trọng tâm

Hà Nội - Thủ đô sáng tạo: Sáng tạo từ dòng chảy nghìn năm

Trong 7 lĩnh vực được UNESCO chỉ định chọn để xây dựng Thành phố sáng tạo gồm: Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc, Hà Nội đã mạnh dạn chọn lĩnh vực thiết kế. Đây cũng là lĩnh vực được nhiều thành phố trên thế giới lựa chọn nhất, hiện đã có 31 thành phố, trong đó có 12 thủ đô các nước chọn lĩnh vực thiết kế để xây dựng Thành phố sáng tạo. Ngay ở khu vực Đông Nam Á cũng có một số thành phố chọn lĩnh vực này như Bandung (Indonesia) hay Singapore... Vậy vấn đề đặt ra của Hà Nội là phải tìm được nét riêng, khác biệt trong thiết kế. Và Hà Nội lựa chọn sáng tạo thiết kế không gian văn hóa - vấn đề được cộng đồng quan tâm, đồng thời đang mang lại những giá trị lớn cho đời sống của người dân Hà Nội.

Mặc dù, so với các lĩnh vực khác như ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế sáng tạo dường như còn là một khái niệm tương đối mới tại Việt Nam, nhưng thực tế hoạt động thiết kế đã luôn hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày của Hà Nội xưa nay. Thiết kế sáng tạo có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú. Trong hạ tầng đô thị, vẻ đẹp độc đáo của các công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời như Hoàng thành Thăng Long cùng hàng ngàn di tích trên địa bàn chính là minh chứng cho những dấu ấn xa xưa của thiết kế tại Hà Nội; tiếp đến là các công trình kiến trúc đa dạng thể hiện sự tiếp biến và giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới như các công trình mang phong cách Pháp, Nga, Trung Quốc... và hiện nay là các công trình kiến trúc hiện đại ngang tầm khu vực nhưng đậm dấu ấn Việt Nam như cầu Nhật Tân... Thiết kế sáng tạo cũng chính là nền tảng tạo nên sự đa dạng của các sản phẩm thủ công như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái... tạo nên danh tiếng “đất trăm nghề” của Hà Nội. Và không thể không kể đến những không gian sáng tạo khác đang hình thành ngày một nhiều trong lòng Thủ đô.

Giữ bản sắc - lan tỏa thương hiệu Hà Nội

Là người vô cùng yêu mến và am hiểu văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa Hà Nội, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama từng chia sẻ: “Điều hay nhất ở văn hóa Hà Nội đó là người Hà Nội luôn giữ được bản sắc của mình. Họ thích và không ngại ngần khi thử trải nghiệm những cái mới nhưng lại vẫn duy trì được những nét văn hóa riêng. Người Việt Nam hay nói rằng khi chúng ta mở cửa sẽ có nhiều gió vào, bên cạnh những làn gió tốt lành sẽ có cả bụi, vì vậy người Hà Nội vẫn “quét nhà” để bảo vệ trong lành môi trường mà mỗi người đang sống". Rõ ràng, nỗ lực để gìn giữ bản sắc văn hóa Hà Nội trong sự giao lưu, tiếp thu văn hóa thế giới đã được cộng đồng quốc tế, các chuyên gia văn hóa ghi nhận.

Và muốn thành công trong việc xây dựng Thành phố sáng tạo, Hà Nội phải đặt để vào đó không chỉ quyết tâm rất cao mà còn là hàm lượng văn hóa mang yếu tố bản sắc đậm nét. Cùng chọn lĩnh vực thiết kế nhưng mỗi thành phố lại có những hướng đi riêng. Dubai với ưu thế sáng tạo thiết kế các công trình kiến trúc hiện đại, sáng tạo bề mặt kiến trúc đô thị hay Singapore sáng tạo thiết kế giao thông, môi trường, Bắc Kinh lấy trọng tâm thúc đẩy các cơ hội cho phụ nữ và thanh niên tham gia vào nền kinh tế sáng tạo, đặc biệt là trong thiết kế... Vì vậy, Hà Nội cũng phải đặt để bản sắc văn hóa riêng của mình trong thiết kế, phải lấy nền tảng văn hóa nghìn năm, lấy yếu tố con người làm cơ sở cho thiết kế văn hóa mang hàm lượng sáng tạo cao của mình, đặc biệt là trong thiết kế không gian văn hóa.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Hà Nội đã nhìn thẳng vào những thách thức đang đặt ra như: Sự tăng trưởng kinh tế không ổn định, giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới, thiếu cơ chế phối hợp các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra, thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cùng với quá trình đô thị hóa tăng nhanh cũng như sự gia tăng dân số quá cao, gây áp lực lớn lên việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quy hoạch kiến trúc đô thị. Đồng thời, thành phố cũng gấp rút đưa ra một khối lượng công việc đồ sộ cần làm. Trước mắt, theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ ứng cử: Hà Nội đã xây dựng 3 sáng kiến, chương trình, dự án nhằm đạt được các mục tiêu của Mạng lưới ở cấp thành phố cũng như 3 dự án để đạt được mục tiêu của Mạng lưới ở cấp độ quốc tế theo yêu cầu của UNESCO, với những mục tiêu cụ thể trong việc tạo không gian thiết kế sáng tạo, truyền cảm hứng sáng tạo bằng các chương trình truyền thông, sân chơi, diễn đàn trong nước và quốc tế và hỗ trợ các điều kiện cho phát triển thiết kế sáng tạo...

Thách thức, công việc còn rất nhiều, nhưng với nền tảng văn hóa vững chắc, với tâm thế cởi mở trong đón nhận những cái mới song vẫn luôn trân trọng những giá trị truyền thống của cha ông, người Hà Nội hôm nay đã sẵn sàng cho một hành trình chinh phục danh hiệu mới. Và bằng “vũ khí” sắc bén chính là bản sắc văn hóa - yếu tố mang tính nhận diện của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Hà Nội sẽ lan tỏa những giá trị văn hóa đi xa hơn nữa, để xứng đáng là một thủ đô sáng tạo tại Đông Nam Á.

Theo Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh: Để sáng tạo được thì cần phải tạo ra môi trường cho sáng tạo, phải tạo điều kiện cho những tài năng sáng tạo được ươm mầm và nở rộ. Việc thành phố xác định không gian sáng tạo là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh Thành phố sáng tạo và tạo nhiều điều kiện để các không gian này phát triển ở Hà Nội đã mang đến những hiệu quả rõ rệt, góp phần lan tỏa tinh thần sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Hanoimoicuoituan