Có một công viên hoa anh đào ở Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:06, 31/08/2019
Những năm gần đây, người dân Thủ đô thỉnh thoảng lại được dịp ngắm hoa anh đào, đa phần hoa này được vận chuyển bằng chuyên cơ sang Hà Nội từ Nhật Bản. Tìm hiểu kỹ về loài hoa này, có một công viên ở Hà Nội đã trồng hàng nghìn cây từ những năm 2013.
Trồng cây cũng lắm công phu
Anh Phạm Đình Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Cty Vườn thú Hà Nội, đơn vị quản lý Công viên Hòa Bình cho biết, tính đến nay, có hàng nghìn cây hoa anh đào Nhật Bản được trồng trong công viên. Những cây này đến từ nhiều nguồn, trong đó có cây của Hội hữu nghị Nhật - Việt vùng Chukyo tặng, từ Cty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, từ tập đoàn AEON tặng. “Cây của Hội hữu nghị Nhật - Việt vùng Chukyo được trồng từ những năm 2013, còn cây của AIC và AEON tặng thì trồng trong vài năm gần đây”, anh Mạnh nói.
Để trồng được loại cây đặc biệt này, anh Mạnh cho biết, phải rất công phu. Do không quen nên đội ngũ chăm sóc cây đều nghe theo lời hướng dẫn, tư vấn từ các chuyên gia Nhật Bản. Tuy nhiên, cách trồng các loại cây được tặng này cũng khác nhau. Như cây của Hội hữu nghị Nhật - Việt vùng Chukyo tặng, kỹ sư Nhật hướng dẫn đào hố 30x30 để trồng. Nhưng cây của tập đoàn AEON tặng lại trồng nổi bầu lên mặt đất. Anh Mạnh bảo, các đoàn công tác của Nhật hàng năm cũng đều sang Việt Nam để xem xét tình hình các cây được tặng. Để thay đổi tỷ lệ sống của cây, họ cũng khuyên nên đào hố rộng khoảng 1 mét, dùng giá thể xơ dừa trộn với đất màu.
Tuy nhiên tình hình không khả quan hơn là bao. Chị Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc Xí nghiệp duy trì cây xanh số 6 (Công viên Hòa Bình) chia sẻ, cây mới trồng vào mùa xuân mát mẻ thường ra được lá, nảy chồi, nhưng sau đó có biểu hiện lá bị táp, rụng, hoặc chết dần. Cây nào còn sống cũng chậm phát triển, cây không được đẹp. Dù thế, nhiều cây đã ra hoa đợt đầu năm 2019.
Theo anh Mạnh, bên Nhật có rất nhiều loại hoa anh đào. Theo đó, có thể loại hoa phía Nhật Bản tặng Việt Nam hiện chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng bản địa. Có thể hiểu điều này vì cây hoa anh đào Nhật Bản được tặng ở một số tỉnh, thành, địa phương khác cũng ít khi sinh trưởng, phát triển tốt. Các chuyên gia Nhật sang thấy thế cũng sốt ruột, dù rất hay mang cây sang trồng bù số lượng cây chết. Bên Nhật cũng cẩn thận, như phía tập đoàn AEON còn tài trợ thêm một năm phân bón chất lượng Nhật cho cây hoa anh đào.
“Hiện nay, lượng phân này đã hết, mà chúng tôi chưa tìm được kinh phí và nguồn để nhập khẩu về. Đành có cái gì dùng cái đó. Cây bản địa của mình dùng thế nào thì cây hoa anh đào dùng như vậy”, anh Mạnh nói thêm. Chị Dung bảo, cây hoa anh đào được trồng nhiều trong công viên, chăm sóc cũng hết sức đặc biệt. Do thời tiết bất thuận, cây hay sâu, bệnh, đặc biệt là bị sâu đục thân, sên ăn lá.
Kỳ vọng công viên hoa anh đào
Ngay sau tòa nhà điều hành của Công viên Hòa Bình, hàng chục cây hoa anh đào bằng ngón tay cái đang ra lá và đâm nhánh. Những công nhân công viên vườn thú Hà Nội tranh thủ nhặt cỏ và tưới nước cho cây. Do là loại cây thể hiện tình hữu nghị Việt- Nhật, lại được lãnh đạo thành phố “gửi gắm”, công viên đang ra sức chăm sóc hàng nghìn cây hoa anh đào này.
Kỳ vọng công viên hoa anh đào
Ngay sau tòa nhà điều hành của Công viên Hòa Bình, hàng chục cây hoa anh đào bằng ngón tay cái đang ra lá và đâm nhánh. Những công nhân công viên vườn thú Hà Nội tranh thủ nhặt cỏ và tưới nước cho cây. Do là loại cây thể hiện tình hữu nghị Việt- Nhật, lại được lãnh đạo thành phố “gửi gắm”, công viên đang ra sức chăm sóc hàng nghìn cây hoa anh đào này.
Dịp tết 2019, nhiều vị khách ở Hà Nội có cơ hội chiêm ngưỡng, chụp ảnh cùng loài hoa này trên đất Hà Nội. Tuy nhiên, nếu nhìn bên ngoài, sẽ chẳng ai biết Công viên Hòa Bình (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có loài hoa đặc biệt, được coi là biểu tượng của Nhật Bản, vì nó cũng giống như cây bình thường, hơn nữa vẫn còn rất nhỏ.
“Cứ mỗi năm lại có đoàn công tác của nước bạn sang đây. Tháng 3 vừa rồi cũng có một đoàn sang, lại tặng thêm một ít cây hoa anh đào để trồng bù vào những cây bị chết”, chị Dung nói, đồng thời cho biết, phía Hà Nội vẫn giữ liên lạc với phía Nhật Bản, đặc biệt thông qua hội để nhận tư vấn về kỹ thuật của chuyên gia Nhật Bản. Chị Dung vừa có chuyến đi Nhật về. Chị khoe, hoa anh đào đẹp quá. Chị mở điện thoại, xem lại những bức ảnh chụp rừng hoa anh đào ở đường phố Nhật Bản. Chị bảo, nếu ở Công viên Hòa Bình mà được như thế chắc hấp dẫn lắm.
Lật giở lại những bức ảnh cũ từ đầu năm trong máy điện thoại, một vài cây hoa anh đào ở công viên cũng đã nở hoa, khoe sắc dịp Tết 2019. Chị bảo, bây giờ hơn 2.000 cây, nếu một phần trong số đó to lên, nở hoa đẹp như Nhật Bản chắc rất thu hút. “Lúc đó, chắc không cần đi Nhật xem hoa anh đào nữa”, chị Dung nói.
Lý giải việc Công viên Hòa Bình được chọn mặt gửi vàng, trồng hoa anh đào Nhật Bản, anh Mạnh cho biết, cũng có một số công viên trồng loại cây này, nhưng so về số lượng, Công viên Hòa Bình vẫn đang dẫn đầu. Theo anh Mạnh, Công viên Hòa Bình ngay cái tên đã đẹp, lại thể hiện tình hữu nghị của Việt Nam với nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Phía Nhật Bản thấy Công viên Hòa Bình có vị trí đẹp, khuôn viên quy hoạch ấn tượng, cũng muốn đưa loại hoa biểu tượng của đất nước mình vào đó.
Để đạt được kỳ vọng trở thành công viên hoa anh đào, có lẽ cần hội đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhưng, loại cây xuất xứ từ xứ sở Mặt trời mọc có vẻ không hợp khí hậu ở Việt Nam. Điều này có lẽ đã tìm được lời giải, khi một đảo hoa anh đào được trồng ở Mường Phăng (Điện Biên). Và chính những cây hoa anh đào ở đây được tập đoàn AEON mua tặng Hà Nội. Số cây này hiện phát triển nhanh hơn những cây hoa anh đào khác.
Anh Mạnh cho biết, cùng với việc tập trung chăm sóc số cây hoa anh đào hiện có, Cty Vườn thú Hà Nội và Công viên Hòa Bình cũng đang nghiên cứu các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ sống cho các cây hoa anh đào. Từ kinh nghiệm trồng cây hoa anh đào trên Điện Biên, hiện công viên đang thử nghiệm trồng bầu cao để tỷ lệ sống cao hơn.
“Muốn hình thành một công viên hoa anh đào thì phải tiếp tục nghiên cứu. Nhưng, vấn đề chính là thổ nhưỡng, khí hậu. Ngay cả cây hoa anh đào của AIC tặng nhiều địa phương khác cũng không phát triển được. Quan trọng là chọn giống phù hợp với khí hậu Việt Nam, hoặc giúp cây thích nghi với điều kiện Việt Nam. Thuần hóa loài cây này là cả một quá trình. Khi thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng thì có cơ hội Công viên Hòa Bình trở thành công viên hoa anh đào”, anh Mạnh nói.