Bác sĩ ơi: Không có tinh trùng, làm sao sinh con?
Tin tức - Ngày đăng : 10:32, 01/09/2019
Tôi đọc báo thấy đưa tin nam giới không có tinh trùng vẫn có thể sinh con. Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về phương pháp này và mức độ thành công như thế nào? (Đỗ Trần, Hà Nội)
Ảnh minh họa: Shutterstock
BS Nguyễn Khắc Lợi (Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội): Theo các nghiên cứu, trong các cặp vợ chồng hiếm muộn, 40% nguyên nhân do người chồng, 20% do người vợ và 20% không rõ nguyên nhân. Các trường hợp hiếm muộn cả vợ và chồng đều cần được khám chuyên khoa để chẩn đoán.
Gần đây, với những trường hợp nam giới hiếm muộn do không có tinh trùng, chúng tôi áp dụng phương pháp mổ vi phẫu tìm tinh trùng trong ống sinh tinh. Tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, phương pháp này được thực hiện từ năm 2017. Đến tháng 6.2019, có 200 bệnh nhân được xác định không có tinh trùng và có chỉ định cần thiết phải thực hiện phương pháp mổ vi phẫu tìm tinh trùng trong ống sinh tinh. Trong số đó, 100 trường hợp tìm thấy tinh trùng sau khi mổ vi phẫu.
Từ 100 trường hợp tìm thấy tinh trùng nói trên, chúng tôi đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm (từ tinh trùng lấy được trong ống sinh tinh và trứng của người vợ), qua đó cho kết quả có 40 em bé đã ra đời. 60 trường hợp còn lại trong số 100 ca đã tìm thấy tinh trùng hiện chưa sinh con là có các lý do từ gia đình nên chúng tôi lưu giữ lại tinh trùng, chưa thực hiện hỗ trợ sinh sản.
Với tiến bộ của y học, nam giới không có tinh trùng vẫn có cơ hội sinh con. Các nam giới hiếm muộn do biến chứng do mắc quai bị hoặc teo tinh hoàn cũng có thể thực hiện mổ tinh hoàn và lấy các ống sinh tinh trong đó để tìm ống sinh tinh nào còn khả năng có tinh trùng, rồi lấy tinh trùng đó để thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Những bệnh nhân hiếm muộn đã có tinh trùng rồi hoặc tinh trùng nằm trong giới hạn cho phép thì các bác sĩ có thể lấy tinh trùng của chồng và trứng của vợ để làm trong ống nghiệm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 15% nam giới vô sinh do không có tinh trùng trong khi xuất tinh. Tuy nhiên, nam giới muốn nhận biết được chính xác nhất mình có nằm trong số này hay không, cần đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm tinh dịch đồ chứ không thể tự nhận biết được bằng quan sát thông thường.