Nhớ những vùng ATK ở Hà Nội

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 17:44, 01/09/2019

Từ cuối năm 1940 Thường vụ Trung ương Đảng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã tích cực xây dựng một vùng an toàn khu của Hà Nội (ATK) từ Đa Phúc, Kim Anh, qua Yên Lãng, Đông Anh, Gia Lâm và sang Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì…
Nhớ những vùng ATK ở Hà Nội
Bến đò Phú Xá - đầu mối giao thông của ATK Trung ương ở hai bờ sông Hồng cũng là nơi đã đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về ngày 24/8/1945. 
Từ cuối năm 1940 Thường vụ Trung ương Đảng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã tích cực xây dựng một vùng an toàn khu của Hà Nội (ATK) từ Đa Phúc, Kim Anh, qua Yên Lãng, Đông Anh, Gia Lâm và sang Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì… 

Thời kỳ này, Trung ương đã xây dựng vùng bao quanh Hà Nội thành một khu căn cứ để đặt cơ quan lãnh đạo của Đảng. Ở bờ Nam sông Hồng có các làng Xuân Tảo, Cổ Nhuế, Quán La, Bái Ân, Trung Nha, Yên Thái, Trích Sài, Phú Gia, Phú Xá, Hoàng Xá, Liên Mạc (huyện Từ Liêm) nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, quận Tây Hồ. Ở bờ Bắc sông Hồng có các làng, xã: Hải Bối, Ngọc Giang, Vĩnh Thanh, Võng La, Viên Nội, Cổ Loa, Xuân Canh, Xuân Trạch (huyện Đông Anh). Thường đi lại, ăn ở và làm việc tại khu căn cứ này có các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Hoàng Quốc Việt… Các đồng chí không ở cố định một nơi nào nhưng chủ yếu làm việc tại: Ngọc Giang, Viên Nội, Võng La, Xuân Tảo, Phú Gia. Trong khu căn cứ có đặt cơ quan in báo Cờ Giải Phóng, báo Cứu Quốc của Đảng, đặt các trạm liên lạc với các xứ ủy, với căn cứ địa Việt Bắc; các cơ quan đón tiếp cán bộ từ các địa phương về báo cáo công tác và xin chỉ thị. Cơ quan binh vận của Trung ương cũng đặt nơi làm việc và in báo của mình ở khu căn cứ này. Sở dĩ Trung ương Đảng chọn vùng xung quanh Hà Nội để xây dựng ATK, vì đó là vùng nằm sát cơ quan đầu não của địch tại Hà Nội, hàng ngày ta có điều kiện nắm tình hình địch, tình hình thế giới và tình hình cách mạng cả nước, từ đó có chủ trương kịp thời chỉ đạo phong trào. Đây cũng là vùng có vị trí giao thông thuận lợi, người buôn bán ngược xuôi đông nên địch không để ý.

Nhớ những vùng ATK ở Hà Nội
ATK gợi cảm xúc cho các chiến sĩ cách mạng viết thơ ca để tuyên truyền cách mạng cho quần chúng nhân dân, dòng thơ ca bí mật truyền miệng có một sức mạnh lan tỏa nhanh chóng. Vì thời đó đa số người dân còn mù chữ ít đọc sách báo công khai.

Ở nhà tù Hỏa Lò, thi sĩ Sóng Hồng (Đặng Xuân Thu) dù bị tra tấn, đe dọa của bọn mật thám, tay sai vẫn giữ vững ý chí:

Quản chi nếm mật nằm gai
Trời biển mênh mông vẫn đợi người
Chí lớn nấu nung trong ngục tối
Sẽ đem thi thố một ngày mai.
(Tin tưởng 1941)

Hoạt động bí mật tại làng Gạ Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), đồng chí Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) đón Tết Giáp Thân trên ổ rạ, cảm xúc:

Lòng tôi se lại trong đau khổ
Máu hận hun lên lửa bất bình
Muốn đập cho tan xiềng xích cũ
Vung lên xóa hết vạn điêu linh
(Ý xuân 1944)

Nhà bà Hai Vẽ - địa chỉ đỏ nơi ở cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ lưu bút tích bài thơ gửi vợ, chị Hoàng Ngân trước khi ra trường bắn ở Tương Mai:

Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
(Nhắn bạn 1944)

Và trên báo Cứu Quốc số đặc biệt, đồng chí Xuân Thủy (Nguyễn Trọng Nhân) viết bài ca tuyên truyền 166 câu sau nhiều người ở ngoại thành Hà Nội còn nhớ:

… Dưới cờ đỏ sao vàng năm cánh
Hỡi đồng bào sát cánh chen vai
Việt Nam riêng một góc trời
Xây nền độc lập, xây đời tự do!
Việt Minh tha thiết chào mời
Mau vào mặt trận diệt loài xâm lăng
(Bài ca Việt Minh 1944)

Sau này về thăm nhà truyền thống xã Xuân Đỉnh (nay là phường Xuân Tảo, quận Tây Hồ), ông Trường Chinh đánh giá:

- Xuân Đỉnh, Phú Gia, Ngọc Giang, 
Viên Nội
Những tiền đề đánh Nhật đuổi Tây.
(Cảm tưởng 8/2/1981)

Nhìn lại thời kỳ sục sôi đó, ta hiểu vì sao Hà Nội đứng đầu cả nước khi làm Cách mạng tháng Tám ATK vùng ven sông Hồng đóng góp trong việc bảo vệ cán bộ Đảng và giác ngộ đồng bào tham gia mít tinh đầu tiên trong cả nước giành chính quyền ngày 19/8/1945 rung chuyển do Mặt trận Việt Minh tổ chức, sau đó tiến tới ngày Độc lập 2/9/1945 ở quảng trường Ba Đình lịch sử nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Văn Hậu