Tổng quan kinh tế Việt Nam 1945 - 2019
Tin tức - Ngày đăng : 15:57, 03/09/2019
74 năm đã qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đất nước đã trải qua nhiều thời khắc khó khăn, khủng hoảng kinh tế, song tựu trung lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng và đặc biệt là sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới - Việt Nam đã vững vàng bước ra biển lớn với sự tự tin, đĩnh đạc.
Sự vươn lên mạnh mẽ
Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp, chủ yếu là độc canh lúa nước, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, cơ chế... Từ lâu, ông cha ta đã dạy “phi nông bất ổn”. Do vậy, nông nghiệp được coi trọng, giá trị sản xuất từ năm 2016 tính theo tốc độ tăng giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp - thủy sản (tính theo giá so sánh) năm 2018 lớn gần gấp 14,9 lần năm 1939.
Bình quân một năm tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng tương ứng trong cùng thời gian của dân số (3,48% so với 2,00%). Trong một thời gian tương đối dài, nhất là suốt những năm kháng chiến, “hạt gạo làng ta” đã góp phần quan trọng vào thắng lợi ở nơi tiền tuyến, ổn định ở hậu phương. Tuy nhiên, cho đến trước 1990, nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.
Nhờ đổi mới, nông nghiệp đã góp phần đưa Việt Nam ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã cơ bản bảo đảm được an ninh lương thực và nông nghiệp có điều kiện phát triển toàn diện, nhiều loại nông sản xuất khẩu với khối lượng đứng thứ hạng cao trên thế giới.
Nông nghiệp được đổi mới đầu tiên, là bệ đỡ của toàn bộ nền kinh tế về giá cả, về công ăn việc làm của người lao động, mỗi khi có biến động từ bên ngoài tác động đến các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Ông cha ta cũng dạy “phi công bất phú”. Khi đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, Việt Nam đã chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp đã tăng trưởng nhanh hơn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Năm 2018 so với năm 1939, giá trị sản xuất công nghiệp cao gấp 486,1 lần, bình quân một năm tăng trên 8%, nhưng chủ yếu là do tăng trưởng từ 1991 đến nay (1990 so với 1939 cao gấp 17,5 lần, bình quân tăng gần 5,77%/năm; còn năm 2018 so với năm 1990 cao gấp 27,8 lần năm 1990, bình quân tăng trên 12,6%/năm.
Do năng suất lao động của công nghiệp - xây dựng cao gấp nhiều lần nông nghiệp (năm 2018 cao gấp trên 3,4 lần) nên đã có tác động về nhiều mặt, trong đó có 3 mặt chủ yếu. Một mặt đã thu hút số lao động đang làm việc ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản sang làm việc trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (tỷ trọng số lao động đang làm việc ở nhóm ngành công nghiệp - xây dựng năm 1990 mới chiếm 11,2%, thì năm 2018 đạt gần 27%, trong khi tỷ trọng số lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 73% xuống còn 38,1% trong cùng thời gian).
Mặt khác, năng suất lao động cao lên cũng đồng nghĩa với quy mô giá trị thặng dư (giá trị gia tăng) của toàn bộ nền kinh tế cao lên và tốc độ tăng chung cũng cao lên. Thu ngân sách từ công nghiệp, dịch vụ cao lên, tạo điều kiện cho phần nộp ngân sách tăng lên về quy mô tuyệt đối, mặc dù tỷ lệ động viên GDP vào ngân sách có thể giảm đi để khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.Trước cách mạng, số xí nghiệp còn rất ít ỏi, chủ yếu do thực dân nắm giữ; phân bố chủ yếu ở các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác tài nguyên và bóc lột sức lao động thuộc địa với giá nhân công rẻ mạt. Số lượng DN năm 2018 đã cao gấp 577 lần năm 1945, trong đó chủ yếu tăng cao từ khi Việt Nam chuyển đổi cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang cơ chế thị trường, đặc biệt khi Luật Doanh nghiệp ra đời và liên tục được hoàn thiện. Cơ cấu DN theo loại hình kinh tế có sự thay đổi quan trọng theo hướng tăng tỷ trọng DN ngoài Nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài... Quan trọng hơn, nếu trước đây Nhà nước đi vay để nuôi DN thì nay, ngược lại DN đã nuôi Nhà nước.
Tuy nhiên, số lượng DN vẫn còn ít (bình quân 14,7 DN/100 người dân), quy mô DN còn nhỏ. Mấy năm qua, số DN bị phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động còn lớn và kéo dài, đặc biệt là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động của khối DN nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế còn thấp nên sức cạnh tranh còn thấp, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại nhập khẩu cao lên. Quy mô thu ngân sách chưa nhiều, trong khi chi ngân sách có yêu cầu ngày càng cao, việc cân đối ngân sách gặp khó khăn, chi trả nợ chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu, bội chi ngân sách lớn.
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Cùng với đổi mới cơ chế quản lý, việc mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng, với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính từ năm 1988 đến nay đăng ký đã đạt trên 400 tỷ USD, thực hiện đạt gần 200 tỷ USD; khu vực FDI đã chiếm trên 20% tổng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thu hút trực tiếp trên 4% số lao động đang làm việc, chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trên dưới 70% kim ngạch xuất khẩu, chiếm 20% GDP theo giá thực tế.
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tính từ 1993 đến nay đã đạt trên 91 tỷ USD, giải ngân trên 75 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) hiện có đạt trên 20 tỷ USD.
Quan hệ buôn bán với nước ngoài tăng cao, đạt quy mô lớn về kim ngạch, tỷ lệ so với GDP thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam thường ở vị thế nhập siêu lớn ở một số thị trường, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singaore... Có nhiều nguyên nhân, rõ nhất là do nền kinh tế còn mang tính gia công, lắp ráp, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp...
Tới đây, quy mô xuất khẩu của Việt Nam còn lớn hơn nữa sau nhiều FTA thế hệ mới được ký kết. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã gia tăng, tạo điều kiện công ăn việc làm và quan trọng hơn là giới thiệu trực tiếp hình ảnh của Việt Nam đối với nước ngoài, là tiền đề mở rộng, nâng cấp các hoạt động đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục, chính trị...
Kết quả tổng hợp là GDP và GDP bình quân đầu người tăng khá. Quy mô GDP năm 2018 tính theo giá so sánh đã cao gấp 10,7 lần năm 1976; chủ yếu tăng cao từ năm 1991 đến nay. Tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái nếu năm 1988 mới đạt khoảng 5,48 tỷ USD, thì năm 2018 đã đạt khoảng 245 tỷ USD, khả năng năm 2019 đạt khoảng 267 tỷ USD.
GDP bình quân đầu người nếu năm 1988 đạt 86 USD – là một trong mấy nước thấp nhất thế giới thì năm 2008 đã đạt 1.145 USD, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình, năm 2018 đạt 2.587 USD, khả năng năm 2019 có thể đạt xấp xỉ 2.790 USD.
Tuy nhiên, mức bình quân đó cũng còn thấp, vẫn còn đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn, dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, chưa giàu đã già, bẫy giá nhân công rẻ, bẫy gia công lắp ráp...
Vấn đề đặt ra là đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ số lượng sang chất lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở phát huy khoa học công nghệ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.