Bát Tràng xây dựng "làng kiểu mẫu"

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:20, 04/09/2019

60 năm trước Bác Hồ về thăm làng gốm Bát Tràng, Người căn dặn: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ và người dân nơi đây đã, đang nỗ lực đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng Bát Tràng trở thành một làng nghề truyền thống độc đáo, một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.
Bát Tràng xây dựng
Ông Phạm Huy Thanh (ở giữa) kể lại cho người dân câu chuyện Bác Hồ về thăm Bát Tràng.

Nhớ lời Bác căn dặn

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Bát Tràng, chúng tôi tới gặp ông Phạm Huy Thanh (gần 80 tuổi) - người đã được gặp Bác cách đây 60 năm để nghe lại câu chuyện trong niềm xúc động, tự hào. Tháng 8-1958, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định đào sông Bắc Hưng Hải nhằm phục vụ tưới tiêu cho 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Cửa sông cắt ngang qua làng cổ Bát Tràng, chia đôi xã Quang Minh (xã Kim Lan và Bát Tràng bây giờ). Một nửa thôn Bát Tràng phải di chuyển, trong đó có nhiều nhà cửa, lò xưởng từ thời cha ông để lại. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đã đến nơi ở mới, ổn định sản xuất. Sáng 20-2-1959, khi người dân Bát Tràng đang tất bật chuẩn bị đón xuân thì được tin Bác Hồ về thăm. Sau khi thăm hỏi, động viên một số gia đình, Bác tới Hợp tác xã Minh Châu - chuyên sản xuất ấm, chén, bát, đĩa... Bác nhắc nhở: Sản xuất mặt hàng này phải nhanh, nhiều, tốt, rẻ... Muốn làm được như vậy, phải có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mỗi người làm việc bằng hai để tăng năng suất lao động.

Nói chuyện với nhân dân, Bác thay mặt Đảng, Chính phủ hoan nghênh người dân Bát Tràng đã góp phần tích cực xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Người nhắc nhở cán bộ xã chú ý đến giao thông, trồng cây cải tạo môi trường và nhấn mạnh: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa...”.

Làm theo lời Bác, người dân Bát Tràng tập trung sản xuất, kinh doanh và hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng. Năm 2007, ông Nguyễn Xuân Việt - một nghệ nhân, với sức sáng tạo mãnh liệt và đôi bàn tay tài hoa đã hoàn thành bức chân dung Bác bằng gốm đầu tiên với kích thước 132x88cm - mở ra nghề làm tranh gốm truyền thần cho Bát Tràng. Và, với người dân nơi đây, dù là những bậc cao niên đã được gặp Bác hay thế hệ trẻ chỉ được nghe kể lại những câu chuyện về Người, thì tình yêu, lòng kính trọng với vị lãnh tụ cống hiến trọn đời vì dân, vì nước vẫn tràn đầy.

“Sau ngày Bác đi xa, người dân Bát Tràng đặt tên 2 trục đường chính của làng là "Đường 20-2" (ngày Bác về thăm Bát Tràng) và "Đường 19-5" (Ngày sinh của Bác); đồng thời lập Nhà tưởng niệm tại nơi Bác đứng nói chuyện để mãi mãi ghi nhớ công ơn của Người”, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết.

"Làng kiểu mẫu" Bát Tràng

Thực hiện lời căn dặn của Bác, 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bát Tràng luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động. Làng nghề không ngừng áp dụng công nghệ mới, mở rộng quy mô sản xuất, tạo tác những sản phẩm đa dạng về chủng loại, giàu tính nghệ thuật, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng trong nước và thế giới.

Từ năm 2002, Bát Tràng triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò gas vào sản xuất gốm sứ. Việc này đã tạo đột phá mới trong tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nung bằng than… “Các thế hệ người làm nghề ở Bát Tràng luôn tự hào được Bác tới thăm. Tình cảm của Người là nguồn cảm hứng sáng tạo cho chúng tôi. Không chỉ thế, người thợ làng nghề còn cẩn trọng trong từng khâu, như chọn dáng gốm, màu men, hoa văn… để cho ra lò những sản phẩm đẹp. Do làm kỹ nên gốm sứ Bát Tràng ngày càng được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm sử dụng, hiện cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 85%; còn lại 15% sản phẩm được xuất khẩu tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…”, Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Hà Văn Lâm tự hào chia sẻ.

Nói về sự đổi thay của làng nghề, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Văn May cho biết: Hiện nay, Bát Tràng có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất - kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động địa phương và hơn 4.000 lao động đến từ các địa phương lân cận. Hằng năm, giá trị sản xuất - thương mại từ gốm sứ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân hiện đạt 60 triệu đồng/người/năm... Đặc biệt, những năm gần đây, Bát Tràng đã trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tìm đến. 

“Mỗi năm, Bát Tràng đón gần 2.000 đoàn với hơn 20.000 khách tham quan, du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, trong đó có 10.000 khách quốc tế. Điều thú vị ở làng nghề Bát Tràng là du khách có thể tham gia vào một số công đoạn làm gốm sứ với sự hướng dẫn nhiệt tình, thân thiện của các nghệ nhân. Phát triển du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển làng nghề...”, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi nhấn mạnh.

Và một điều đặc biệt ở làng gốm sứ nổi tiếng này là, hằng năm, vào dịp sinh nhật Bác (19-5) và Quốc khánh (2-9), cán bộ, nhân dân Bát Tràng đều tổ chức lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ. “Tại đây, với niềm biết ơn vô hạn, các nhân chứng lịch sử hào hứng kể cho con cháu nghe những câu chuyện xúc động về Người...”, bà Nguyễn Thị Phim, người trông coi Nhà tưởng niệm Bác Hồ tự hào nói.

Bát Tràng đang thực hiện Đề án điểm về phát triển làng nghề gắn với du lịch. Việc quy hoạch, đầu tư được thực hiện theo hướng đồng bộ giúp Bát Tràng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội - một "làng kiểu mẫu" - cũng là cách bày tỏ lòng kính yêu của người dân nơi đây với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hanoimoi