Bắc Giang: Bị cáo vắng mặt nhiều lần không lý do, luật sư đề nghị truy nã
Tin tức - Ngày đăng : 09:53, 04/09/2019
10h36 phút, HĐXX bắt đầu vào làm việc, do các bị cáo không đến nên quyết định hoãn phiên tòa để ra quyết định bắt tạm giam đối với các bị cáo.
Các bị cáo coi thường pháp luật
Hôm nay (30/8), Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Vi Văn Cương (sinh năm 2001, trú tại thôn Bến), Hoàng Văn Sơn (sinh năm 1997), Hoàng Văn Kết (sinh năm 1997) cùng trú tại thôn Ao Vường, đều cùng xã Cẩm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang về tội Cố ý gây thương tích. Bị hại trong vụ án là anh Nông Văn Điệp (sinh năm 2000, trú tại thôn Khuôn Kén, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Theo dự kiến, phiên tòa bắt đầu từ 7h30 nhưng đến 10h30 vẫn không thấy các bị cáo đến tòa. Lập tức, các luật sư bảo vệquyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại có đơn đề nghị truy nã các bị cáo.
Nội dung đơn đề nghị thể hiện rõ, đến ngày 30/8/2019 Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tổng cộng 6 lần mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và đã triệu tập những đương sự liên quan đến vụ án nhưng đều bị hoãn vì nhiều lý do. Trong đó, có một lý do vô cùng quan trọng đó là các bị cáo có thái độ coi thường pháp luật, vắng mặt tại phiên tòa.
Theo các luật sư, ngày 7/8/2019 vừa qua, phiên tòa phúc thẩm được mở nhưng các bị cáo cũng vắng mặt không rõ lý do. Tại đây, các luật sư đã đề nghị hội đồng xét xử thay đổi biện pháp ngăn chặn, tiến hành tạm giam các bị cáo để phục vụ cho việc tiến hành tố tụng nhưng hội đồng xét xử không áp dụng biện pháp tạm giam, tiến hành áp giải các bị cáo đến tòa nên phiên tòa ấn định sang ngày 30/8/2019.
Tuy nhiên, đến ngày xét xử 30/8/2019 việc áp giải các bị cáo không có kết quả và có dấu hiệu bỏ trốn. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 290 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 các luật sư đề nghị hội đồng xét xử đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã các bị cáo.
Sau giờ hội ý, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Gia Lương đã quyết định hoãn phiên tòa để ra quyết định bắt tạm giam đối với các bị cáo và sẽ ấn định vào ngày xét xử sau.
Đơn đề nghị truy nã của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại. |
Kết luận giám định không đúng thực tế
Trao đổi với phóng viên PLVN bên ngoài phòng xử, ông Nông Văn Tỷ (sinh năm 1981 – là bố đẻ của anh Điệp) cho biết, tối ngày 22/7/2017, anh Điệp đang ở phòng trọ tại xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thì bị nhóm đối tượng gồm Vi Văn Cương, Vi Văn Anh, Hoàng Văn Kết, Hoàng Văn Sơn gọi ra nói chuyện vì cho rằng anh Điệp có mâu thuẫn với nhóm đối tượng này từ trước.
Khi vừa ra đến cửa, anh Điệp bất ngờ bị nhóm đối tượng này dùng dao chém liên tiếp vào vùng đầu và tay chân. Sự việc chỉ dừng lại khi anh Điệp ngã gục xuống dưới thì các đối tượng mới dừng lại.
Ông Tỷ cho hay, theo Kết luận giám định pháp y về thương tích số 8037/17/TgT ngày 21/12/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Bắc Giang thì anh Điệp bị tổn hại 29% sức khỏe. Sau đó, cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Cương 2 năm tù, bị cáo Kết và bị cáo Sơn 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ông Tỷ cho rằng, Kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh Bắc Giang là chưa đầy đủ, không đúng với thương tích thực tế của anh Điệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải quyết vụ án. Bởi lẽ, theo hồ sơ bệnh án của anh Điệp còn có các vết thương như đứt gân duỗi mu bàn tay trái và đứt gân cơ ở khuỷu tay phải. Tuy nhiên cơ quan giám định lại không giám định các thương tích này.
Ngoài ra, đối với các thương tích của anh Điệp thì bản kết luận này cũng chưa chính xác theo quy định tại Thông tư 20/2014/TT-BYT về việc xác định thương tích như thương tích mẻ xương sọ đỉnh phải chỉ 7% là chưa phù hợp.
“Gia đình tôi cũng đã rất nhiều lần yêu cầu các cơ quan tố tụng trưng cầu giám định lại nhưng vẫn không được xem xét. Sau khi sự việc xảy ra, mặc dù được điều trị tích cực tại Bệnh viện nhưng con tôi chưa thể hồi phục hoàn toàn, tay cháu có rất nhiều vết thương nặng phải hạn chế cử động; cộng thêm vết thương ở vùng đầu khiến cháu đau nhức vào hôm trái gió trở trời, việc đau đầu thường xuyên tái phát khiến cháu phải nghỉ học hơn 01 năm, gia đình tôi vô cùng lo lắng.
Tôi cho rằng việc cơ quan giám định giám định thiếu xót thương tích của con tôi cũng như việc xác định tỷ lệ thương tích không chính xác đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giải quyết vụ án, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi", ông Tỷ chia sẻ với phóng viên.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, đến thời điểm hiện tại bị cáo Hoàng Văn kết đang không có mặt ở địa phương. |
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Trao đổi với phóng viên, luật sư Phan Tùng Lâm – Công ty luật hợp danh Nghiệp Hưng đoàn Luật sư TP Hà Nội cùng các luật sư đồng nghiệp cho biết, theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn công bố tại phiên tòa sơ thẩm thể hiện, trước khi tìm đến chỗ trọ của anh Điệp, nhóm đối tượng này đã tập trung hơn chục người tại khu vực trường THPT Lục Ngạn và có tham gia bàn bạc về việc đi giải quyết mâu thuẫn với anh Điệp, một số đối tượng có chuẩn bị dao như Hoàng Văn Sự, Hoàng Văn Kết.
Đồng thời, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án còn thể hiện nhóm đối tượng này cùng bàn bạc rồi cùng đi xuống chỗ trọ của anh Điệp. Mặt khác, bị hại cũng khẳng định có khoảng 6 - 7 người tham gia vào hành hung mình nhưng hiện nay mới chỉ 3 đối tượng bị xử lý.
“Tôi cho rằng cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của đối tượng tham gia hôm đó, các đối tượng chuẩn bị hung khí, các đối tượng gây thương tích cho thân chủ tôi để tránh bỏ lọt tội phạm", Luật sư Lâm trao đổi.
Báo sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.