Hoa cúc trắng bên hồ Gươm xanh
Truyện - Ngày đăng : 15:25, 27/04/2022
"Nam! Mẫu này kiếm đâu ra mà đẹp như thần tiên tỉ tỉ vậy?", "Sao thân ở Sài Gòn lại vẽ tít tận hồ Gươm Hà Nội?", "Bộ mày dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo để làm người mẫu sao?"... Hàng loạt câu hỏi tới tấp, không ai hỏi Nam vẽ ra sao, kỹ thuật thế nào mà bức tranh trong suốt, có chiều sâu, sinh động như một không gian ba chiều. Hồ Gươm trong ánh màu xanh lục ngọc bảo, cây lộc vừng đổ lá vàng nhuộm cả không gian màu nắng mật trong veo, nhành liễu mềm mướt xanh rủ lả lơi, những hư ảo đổ bóng các tòa nhà cao tầng trên mặt gương hồ lăn tăn gợn sóng... Họ đều hỏi về cô gái trong tranh, một vẻ đẹp như sương thu, như ánh trăng, phong thái thanh nhã diễm lệ, phiêu dật như giai nhân trong những bức tranh cổ thường được ví “hoa nhường nguyệt thẹn", "chim sa cá lặn"...
Có thật không người con gái Hà Nội như bước ra từ một bức tranh của bộ tứ bình “Tố nữ”, mà Nam đã say sưa ngắm khi bước vào ngôi đình thờ Tổ nghề thợ bạc của Thăng Long - Hà Nội xưa? Một dòng hồi tưởng ngọt ngào mà đến giờ anh vẫn còn bâng khuâng không biết là mơ hay thực. Lẽ nào thời 4.0 vẫn còn những câu chuyện liêu trai? Mà cô gái Hà Nội mang tên Bạch Cúc sau đó như tan trong gió nắng hồ Gươm, chỉ để lại phảng phất hương thơm dìu dịu làm Nam chếnh choáng say, thao thiết vấn vương...
***
Sau chuyến đi thực tế sáng tác ở Tây Bắc, đoàn trở về Hà Nội khá muộn. Cánh sinh viên ngành Hội họa năm cuối mệt nhoài sau chuyến đi, ngày thì trèo non lội suối, tối lại hát múa uống rượu giao lưu với dân bản, rồi vẽ suốt cả tuần... nên không mấy ai còn hứng thú khám phá đêm Hà Nội. Nhưng Nam thì tiếc. Không phải lúc nào cũng có thể ra Hà Nội, ở khu phố cổ, lại vào đúng đêm rằm... Lững thững xuôi theo con đường khách sạn mình trú ngụ, chợt Nam nghe văng vẳng tiếng trống phách. Anh nương theo âm thanh, rồi như có một lực hút vô hình, chân bị cuốn vào trong đình Kim Ngân.
Trong đình, ánh đèn sáng rực, chính điện là ban thờ Tổ nghề trang nghiêm, mé tường bên là bộ tứ bình “Tố nữ” theo phong cách tranh dân gian Hàng Trống. Bốn thiếu nữ tóc vấn đuôi gà, mặc áo dài ngũ thân. Cô thổi sáo, cô cầm sênh tiền, cô cầm quạt và cô gảy đàn nguyệt. Bốn người bốn vẻ đẹp thoát tục. Mỗi bức tranh còn kèm bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Nam dừng mắt ở bức tố nữ gảy đàn nguyệt. Như một giao cảm bất thành lời, anh cảm giác như gặp nụ cười rất nhẹ của cô gái trong tranh.
Sát tường đối diện là hai chiếc sập gụ khá rộng, trên có khoảng hơn chục vị khách, chính giữa trước điện thờ là một chiếc chiếu hoa cạp vải điều, có hai kép đàn đang so dây nắn phím thử chiếc đàn đáy, trống, phách... Và khi đèn xung quanh chỉ còn mờ mờ, ánh sáng tập trung vào giữa, đào nương mặt hoa rạng ngời, mắt long lanh sóng nước, dáng điệu khuê các, dịu dàng, cất tiếng oanh vàng chào khách. Người kép phong thái thanh thoát, ôm cây đàn đáy, cúi nhẹ lịch duyệt chào khách tri âm...
- Sau đây là phần trình diễn của đào nương Bạch Cúc, từ Bích Câu đạo quán.
Một dáng vẻ dịu dàng khoan thai mà trang trọng, đôi mắt lóng lánh như có nước dưới đôi mày thanh tú và hàng mi rợp cho ánh nhìn càng mê hoặc, sống mũi như cuống hoa xuân, đôi môi hồng như nụ hoa hàm tiếu cùng làn da trắng mịn như sứ ngọc thanh tân, trên mái tóc suôn dài đen như màn đêm cài một bông cúc trắng nhỏ xinh, tấm áo dài theo kiểu xiêm y mấy lớp tuyền màu trắng thanh khiết. Một vẻ đẹp thoát tục làm không khí bỗng chốc chỉ còn nghe tiếng thở rất nhẹ của mọi người. Dường như ai cũng sợ chỉ một tiếng động nhẹ sẽ phá hỏng cảm xúc ngây ngất. Khi cô dừng ánh mắt chỗ Nam ngồi, tim Nam bỗng loạn nhịp. Như có một sự huyền hoặc trong ý nghĩ, rằng dường như cô vừa gửi đến anh một âm ngữ ám thị bí ẩn...
“Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền
Bóng kỳ đài, giăng mặt nước như in
Tàn thảo thụ, lum xum tòa cổ sát
Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài
Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài
Để khách rượu, làng thơ ngơ ngẩn”.
Như một sự hòa hợp đến mê đắm của giọng ca, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng phách, chuỗi âm thanh trau chuốt vang trong không gian ngôi đình cổ, đọng lại trong khách những âm giai khó quên. Đào nương tay róc phách như múa khi khoan khi nhặt, tiếng phách có lúc như âm thanh của suối reo, chim hót, giọng ca lúc lên cao trong như tiếng ngọc, lúc xuống trầm ngọt mềm như nắng mai, câu hát dù buồn mà không thấy bi, chỉ thấy sâu lắng, thâm trầm, thấm vào hồn khách. Kép đàn như tài nhân khéo hòa trộn, tạo nên hợp âm biến ảo ma mị, như muốn rút gan ruột khách say đắm, si mê.
***
- Em biết là anh sẽ đợi em.
Nam giật mình khi nghe tiếng Bạch Cúc sát bên mình. Những âm thanh lao xao sau canh hát có lẽ làm anh không nghe được tiếng bước chân thiếu nữ đang lại gần. Ánh trăng rằm rắc bụi bạc xuống phố, tạo nên ánh sáng hư ảo như được lọc qua tấm voan dệt bằng sương đêm. Những mái ngói óng ánh đẫm ánh trăng, những hàng cây cổ thụ thì thầm truyền câu chuyện nhân gian hồng trần mà gió mang tới.
Nam quay ngang, gần như chạm vào làn tóc của cô gái. Một chút lùi lại bối rối. Ánh trăng thêm lần nữa làm cho anh ngẩn ngơ trước một Bạch Cúc đẹp siêu phàm. Là họa sĩ, vốn nhạy cảm với cái đẹp, anh ngắm cô gái mà thầm nghi hoặc, không lẽ có một dung nhan diễm lệ, tỷ lệ vàng từng centimet là có thật, không phải trong truyền thuyết xưa nay...
- Nếu như anh không ngại, không muốn phí phạm đêm rằm này để ngủ thì đi dạo phố Hà Nội ngắm trăng với em.
- Nhưng, mình chưa biết nhau, quen nhau...
- Dạ, nhưng em thì biết anh thích vẽ hoa cúc trắng.
- Sao có thể? Anh mới ra Hà Nội lần thứ hai. Mới gặp em lần đầu...
- Hai năm trước, anh đã ngồi bên bờ hồ Gươm, hình như tới 4 - 5 ngày để vẽ hoa cúc trắng. Có những bức anh vẽ hoa cúc trắng nổi bật trong vườn hoa nhiều màu sắc, có bức anh vẽ hoa cúc trắng được bày biện trên ban thờ Phật. Đặc biệt em nhớ bức vẽ hoa cúc trắng cắm trong cái lọ sứ Bát Tràng xanh lam, để trên cái đôn gỗ trạm trổ hình cánh hoa cúc, nền là bức tường gỗ treo bộ tranh “Tố nữ”.
- Bức tranh đó là sau khi anh vào Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, ngắm bộ tranh “Tố nữ” và có cảm xúc kỳ lạ, như một mối giao cảm bí ẩn thôi thúc, và anh vẽ như sợ mình sẽ lạc mất hình ảnh tố nữ Việt trong tranh... Ừ, lúc đang vẽ anh cảm giác có ai đang nhìn mình, nhưng xung quanh không có ai.
- Có em! Nhưng anh không thể thấy. Vì thế mà em được ngắm những bông cúc trắng anh vẽ. Vì thế em đã nhận ra anh ngay lúc anh bước vào đình nghe hát.
***
Trở về thành phố Hồ Chí Minh, rất lâu sau Nam không thể quên cái đêm rằm Hà Nội và cô gái có tên Bạch Cúc, giống như một giấc mơ cổ tích xuyên không, rất thật mà cũng rất kỳ lạ.
Khác hẳn vẻ ngoài nhu hiền, thoát tục, Bạch Cúc ríu rít nắm tay đưa Nam đi trong đêm phố Hà Nội, trăng rằm huyền ảo xoắn xuýt bước chân hai người. Nam gần như cuốn theo Bạch Cúc trong tâm thế kỳ lạ, vừa tò mò thích thú, vừa dè dặt đón nhận. Không biết đi trong bao lâu, loanh quanh các con phố cổ, anh chợt nhận ra cả hai lọt vào một khu vườn toàn hoa cúc trắng. Dưới ánh trăng, những bông cúc như phát sáng, bất chợt như ảo ảnh, không phải hoa mà là một điệu luân vũ ảo diệu của những vũ nữ tuyệt mỹ lả lướt theo từng sợi gió mảnh, tung những hạt thơm vô hình vào không gian.
- Đây là đâu? Nam nhỏ giọng như sợ làm giật mình những bông hoa.
Giọng Bạch Cúc thầm thì êm nhẹ:
- Đây là vườn Bích Câu đạo quán, phía Tây Nam thành Thăng Long. Anh có nhớ huyền tích tú tài Tú Uyên gặp tiên nữ Giáng Kiều? Đây được xem là nơi quần tụ của các tiên nhân về tu luyện phép thần trong truyền thuyết. Mà sao anh thích hoa cúc trắng?
- Trong hội họa phương Đông, hoa cúc là một trong “tứ quân tử”. Người xưa thấy hoa cúc "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa", lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân, dù héo rũ tàn khô vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử đầy chí khí suốt đời theo đuổi lý tưởng chân chính. Hoa cúc trắng biểu tượng cho tinh thần thanh cao của kẻ sĩ muốn lánh xa vòng tục lụy, "cúc ngạo hàn sương", mặc cho sương tuyết lạnh giá bao trùm, mặc cho khí thời khắc nghiệt vây quanh, cúc vẫn mang nét điềm đạm ung dung, vẫn vươn mình đứng thẳng giữa phong trần, thách thức với bao nỗi đoạn trường gian truân của thế sự nhân tình, hiên ngang ngạo nghễ đâm hoa kết nhánh... Mà sao tên em là Bạch Cúc?
- Mẹ sinh em đúng đêm rằm hoa cúc vườn Bích Câu nở rộ. Mẹ kể, lúc em chào đời, cả căn phòng thơm hương hoa cúc, và ba ngày sau không biết ai đã đặt một bông cúc trắng ngay đầu nôi em, nên ông nội đặt tên Bạch Cúc, ý muốn em sẽ là cô gái thuần khiết, cốt cách thanh tao, nhân cách tuệ tâm, trí tuệ minh triết...
Có khoảnh khắc Nam mê mải đắm trong sắc trắng hoa cúc đẫm ánh trăng. Có khoảnh khắc Nam mơ hồ chạm vào hương hoa hay một bờ môi ngọt mềm. Có khoảnh khắc Nam chơi vơi mộng mị trong ảo ảnh thần tiên nâng niu trên tay mình bông cúc trắng...
Trong bàng bạc sương sớm, trong lăn tăn sóng nước gương hồ, đâu đó vọng lại âm thanh phố ngày mới, Nam nghe như tiếng Bạch Cúc hát bài “Cúc hoa” của Trúc Lâm Sư Tổ Huyền Quang (1254 - 1334): “Năm tháng thu về nở thắm xinh/ Trăng thanh gió mát thiết tha tình/ Cười ai chẳng biết nhành vi diệu/ Về xứ tóc đầy hoa khiết trinh”...
Tiếng hát xa dần xa dần, lênh loang diệu vợi...