Phòng, chống cháy nổ tại các doanh nghiệp: Phải chủ động ngay từ cơ sở
Tin tức - Ngày đăng : 11:03, 09/09/2019
202 kho, xưởng nằm lẫn trong khu dân cư
Vụ cháy xảy ra tại nhà kho của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) ngày 28-8 vừa qua đã gây thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng cho doanh nghiệp này. Trước đó, vụ cháy ngày 11-8 tại nhà xưởng của Công ty TNHH Zion (Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên), hay gần đây nhất là vụ cháy nhà kho tại Khu công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) vào ngày 2-9, gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc mất an toàn phòng, chống cháy nổ tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), khu vực Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 05/ 2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội “Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”. Người dân các phường Thanh Xuân Trung và Hạ Đình (quận Thanh Xuân) cũng đã nhiều lần kiến nghị di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư để bảo đảm an toàn nhưng vì nhiều lý do, việc này chưa có tiến triển.
Không chỉ tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, hiện trên toàn thành phố có 202 xưởng sản xuất, kho hàng của các cơ quan, doanh nghiệp trong tổng số 2.331 cơ sở không bảo đảm về phòng, chống cháy nổ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND. Được “điểm mặt chỉ tên” trong danh sách nêu trên là Công ty cổ phần Cao su Hà Nội và Công ty cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (cùng có trụ sở ở đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm); Công ty Hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông)... Ngoài ra, kho, xưởng của các doanh nghiệp xen lẫn khu dân cư tập trung dày đặc ở các quận, huyện như: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì…
Tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất đang hoạt động, trong đó có nhà máy của Công ty Dệt kim Đông Xuân, Công ty cổ phần Dệt 10/10, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Sản xuất vật liệu Nam Thắng… Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Đỗ Phương Nga cho biết, đa số các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, vì thế công tác phòng, chống cháy nổ rất sơ hở.
Thiếu tá Vũ Đình Chiến, Đội phó Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) cho biết, qua kiểm tra, lỗi vi phạm của các doanh nghiệp chủ yếu là không bảo đảm khoảng cách an toàn; hệ thống báo cháy, chữa cháy, hút khói tự động chưa được lắp đặt hoặc không được bảo dưỡng thường xuyên nên mất tác dụng… Anh Hoàng Thế Phong (đường K2, phường Cầu Diễn) cho biết, sau khi xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhiều hộ dân rất lo lắng khi trong khu vực sinh sống có nhiều kho, xưởng, nhà máy của các doanh nghiệp đang hoạt động.
Tăng cường rà soát, chủ động tháo gỡ khó khăn
Theo Thiếu tá Đặng Văn Chiêu, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, là địa bàn có mật độ dân cư cao nhất thành phố, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung tại hai phường Phúc Tân và Chương Dương có nguy cơ cao về cháy nổ. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra việc phòng, chống cháy nổ, các chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường không hợp tác nên việc nắm bắt thông tin của cơ quan chức năng rất hạn chế. “Khi doanh nghiệp chưa đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ thì tuyệt đối không cấp giấy phép hoạt động”, Thiếu tá Đặng Văn Chiêu đưa ra giải pháp.
Theo Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Đỗ Phương Nga, biện pháp hiện nay của địa phương là phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, song song với việc tuyên truyền nâng cao kiến thức và kỹ năng của doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, vẫn rất khó đưa các cơ sở này ra khỏi nội đô bởi chưa có lộ trình, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp di dời.
Theo ông Vũ Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đông Dương (Cụm công nghiệp Bắc Vân Đình, huyện Ứng Hòa), công tác phòng, chống cháy nổ là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng của người lao động và tài sản doanh nghiệp. Do đó, mặc dù phải đầu tư kinh phí lớn nhưng công ty đã tuân thủ nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng và kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện nhằm hạn chế tối đa xảy ra sự cố. Ông Vũ Hoàng cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ trong doanh nghiệp, ngoài ý thức của chủ đầu tư, các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho đội phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, công nhân, người lao động để có thể xử lý ngay cháy, nổ từ thời điểm phát sinh.
Sau 3 vụ cháy nghiêm trọng gần đây và để ứng phó với "bà hỏa" khi mùa hanh khô chuẩn bị đến, Thượng tá Phạm Trung Hiếu cho biết, Công an thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát tại các doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao nhằm báo cáo, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, với các hình thức như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và có phương án di dời các cơ sở, doanh nghiệp không bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ ra khỏi khu dân cư. Đây là lộ trình dài và cần phải làm thường xuyên, liên tục..., vì thế sự chủ động của các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống cháy nổ vẫn sẽ là nhân tố quyết định.