Không gian xanh cho Di Trạch

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 13:33, 28/04/2022

Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày một suy giảm, song những nông dân “phố trong làng” ở xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) vẫn giữ vùng trồng ổi đặc sản. Với phương thức mới, người nông dân nơi đây đã và đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa giữ màu xanh cho vùng quê ven đô...
Không gian xanh cho Di Trạch
Chăm sóc ổi tại xã Di Trạch (huyện Hoài Đức).

Sản phẩm chủ lực làm giàu cho nông dân

Những ngày giữa tháng 3 này, ở Di Trạch, nhiều vườn ổi phủ màu xanh mướt điểm xuyết những trái ổi được bọc trong túi màu trắng nổi bật. Người dân xã Di Trạch có nhiều năm trồng ổi lê giống Đài Loan, quả to, dễ trồng, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon... Ở địa phương này, hộ trồng ít cũng vài sào ổi, hộ trồng nhiều lên tới vài héc-ta...

Lý giải về sự gắn bó của cây ổi với đồng đất quê hương, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Di Trạch Nguyễn Hữu Quang cho biết, trong bối cảnh đô thị hóa, cũng như các địa phương khác, diện tích đất nông nghiệp ở Di Trạch ngày càng bị thu hẹp, xã đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Chắt lọc qua nhiều mô hình, cây ổi đã được người dân chọn lựa, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Hiện, toàn xã Di Trạch có 30ha trồng ổi. Ngoài ra, người dân còn thuê đất canh tác tại các xã lân cận để trồng ổi với diện tích hơn 100ha.

Là một trong những gia đình có quy mô trồng ổi khá lớn ở xã Di Trạch, anh Phạm Văn Hùng chia sẻ, gia đình thuê 9ha đất để trồng ổi lê giống Đài Loan. Với lợi thế của loài cây ít sâu bệnh, cây trồng ghép mắt nên nhanh cho quả. Hiện vườn ổi nhà anh Hùng bước sang năm thứ 3, mỗi cây cho thu khoảng 1 tạ quả/năm. Dịp này, mỗi ngày, gia đình anh Hùng thu từ 1 đến 2 tấn ổi, bán với giá 20 nghìn đồng/kg - mức giá khá cao, bảo đảm người trồng có lãi.

Cùng với anh Hùng, anh Vương Văn Tiến cũng trồng ổi quy mô lớn và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Với anh Tiến, quy trình trồng này yêu cầu khắt khe hơn cách truyền thống mà người nông dân vẫn làm. “Tôi thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để bộ rễ cây phát triển, đồng thời cắt đi những cành lá sát chân gốc nhằm tạo thông thoáng cho cây, giúp cây nuôi trái. Khi đậu quả, tôi bao trái ổi lại bằng túi ni lông để hạn chế sâu hại ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng. Việc bao trái như vậy cũng giúp hạn chế phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng”...

Theo tính toán của Hợp tác xã Dịch vụ Di Trạch, bình quân mỗi sào trồng ổi thu từ 1,5 đến 2 tấn quả/năm. Sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp ở thị trường Hà Nội với giá bán dao động 12-25 nghìn đồng/kg. Chỉ với nghề trồng ổi, nhiều nông dân trên địa bàn xã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, cuối năm 2021, sản phẩm ổi Di Trạch được thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), được chứng nhận đạt OCOP 4 sao - giúp càng khẳng định chất lượng, thương hiệu ổi của địa phương.

Thêm không gian xanh cho làng quê

Là xã ven đô, diện tích canh tác không nhiều nên đòi hỏi mỗi nông dân phải chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ước tính, đã có khoảng 50% diện tích trồng ổi ở Di Trạch được sản xuất theo hướng VietGAP giúp sản phẩm có chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, những người trồng ổi đã làm chủ kỹ thuật để cho cây ra quả trái vụ, bán được giá cao hơn.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Di Trạch Nguyễn Hữu Quang, nếu như trước đây, mùa ổi mỗi năm chỉ có 1 vụ vào khoảng tháng 5, tháng 6 thì hiện nay, người dân Di Trạch đã biết "bắt" ổi ra trái quanh năm. “Để ổi ra hoa, chúng tôi có kỹ thuật bón phân, tỉa cành từng giai đoạn thúc cây bật nụ. Từ khi ra hoa đến khi thu hoạch quả khoảng 5 đến 6 tháng - thời gian này, các nhà vườn bổ sung dinh dưỡng cho cây để trái ổi to, giòn, ngọt”, anh Quang bật mí.

Những vườn ổi xanh ngắt ra quả quanh năm với chất lượng cao không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho hàng trăm hộ nông dân ở Di Trạch mà còn đang từng ngày góp phần làm cho vùng nông thôn ven đô đẹp hơn, xanh hơn. Điều đó càng ý nghĩa khi vùng quê Di Trạch hôm nay có tốc độ đô thị hóa nhanh với sự hình thành nhiều khu đô thị sầm uất. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát triển vùng trồng cây ăn quả càng giúp diện mạo Di Trạch thêm xanh, thêm sinh động...

"Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng ổi chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao; hoàn thiện bao bì, nhãn mác để tăng tính nhận diện, tạo niềm tin với người tiêu dùng, từ đó nâng tầm thương hiệu ổi VietGAP Di Trạch để cây trồng chủ lực này làm giàu cho người dân và làm đẹp cho quê hương", Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Di Trạch Nguyễn Hữu Quang cho biết thêm.

hanoimoi