Hậu vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: Người dân lo lắng, chuyển đi nơi khác ở là không cần thiết!
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:05, 12/09/2019
PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Vụ việc đã bị đẩy lên cao trào mà không có sự hiểu biết về chuyên môn để giải thích rõ cho người dân
Ngay sau khi sự việc xảy ra, trên trang Facebook cá nhân, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia về y tế liên quan đến môi trường đã có những chia sẻ cá nhân, có sức nặng về khoa học và sự công tâm, khách quan nên lập tức đón nhận được sự đồng tình ủng hộ và phần nào tạo ra sự yên tâm cho “cộng đồng mạng” khi các thông tin thiếu kiểm chứng liên quan đến vụ việc xuất hiện ngày một nhiều.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định, vụ cháy ở Công ty Rạng Đông là một sự cố và đã bị đẩy lên cao trào mà không có sự hiểu biết về chuyên môn để giải thích rõ ràng cho người dân.
Một số phương tiện truyền thông thì tự tìm thông tin, thiếu kiểm chứng độ chính xác, khoa học đã vội đưa lên mạng, khiến nhiều người dân hoang mang đến mức muốn bán nhà đi nơi khác vì sợ khí độc thủy ngân.
Thực ra, câu chuyện đã có thể đi theo chiều hướng tích cực hơn nếu cộng đồng có được thông tin chính xác, minh bạch và khoa học về mức ảnh hưởng của sự cố cháy Công ty Rạng Đông đến sức khỏe của người dân sống gần khu vực này.
"Tôi có cảm nhận là một số người đã hiểu sai về bản chất của vấn đề, một số người thì lại đưa tin theo kiểu đe dọa người dân, khi cứ nhấn mạnh là hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí gấp 1,6 lần, trong nước sông gần khu vực thải ra gấp 6 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong khi đó, WHO không hề có các khuyến cáo về tiêu chuẩn nước thải. Thậm chí, có người còn cảm thấy thất vọng và nghi ngờ về những kết quả đo đạc ở khu dân cư nằm trong ngưỡng an toàn”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga bày tỏ.
Thực tế WHO khuyến cáo những gì?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định, thực tế, WHO chỉ có khuyến cáo về tiêu chuẩn thủy ngân trong nước uống là 1 microgram trong 1 lít nước máy và 1 microgram thủy ngân trong một mét khối không khí xung quanh. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam giới hạn trong nước uống từ vòi cũng như của WHO là 1 microgram trong 1 lít. Còn đối với nước đóng chai thì quy chuẩn quốc gia cho phép tới 6 microgram trong 1 lít, tức là gấp 6 lần tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO về nước máy và đúng bằng kết quả được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố về xét nghiệm nước thải ra sông cách nhà máy 500 mét.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông
Còn con số hàm lượng thủy ngân đo được trong không khí khu dân cư gần nhà máy là gấp 1,6 lần tiêu chuẩn Việt Nam (0,3 microgram trên 1 mét khối), tức là xấp xỉ 1 microgram trên mét khối, thì hoàn toàn an toàn đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, một số người đã nhấn mạnh những số liệu này để hù dọa những người dân thường hiểu biết không đầy đủ về tiêu chuẩn cho phép. Vì con số giới hạn 1 microgram thủy ngân trong 1 mét khối không khí xung quanh là mức trung bình mà WHO đưa ra cho cả năm. Khi chúng ta quan trắc, có những thời điểm con số này có thể cao lên gấp chục lần, cũng có thời điểm nó thấp hơn cả chục lần so với giới hạn đó.
Tiêu chuẩn của Việt Nam mà Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đối với không khi xung quanh là 0,3 microgram trên 1 mét khối không khí. Vì vậy, nếu gấp 1,6 lần tiêu chuẩn thì mới xấp xỉ tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên chúng ta không cần lo lắng.
Thêm vào đó, tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Việt Nam giới hạn đối với người làm việc trong môi trường có thủy ngân là 30 microgram trên 1 mét khối không khí cho ngày làm việc 8 giờ, tức là cao gấp 30 lần so với con số đo được sau vụ cháy ở khu dân cư. Còn tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Hoa Kỳ là 50 - 100 microgram thủy ngân trong một mét khối không khí cho ngày làm việc 10 giờ, tức là gấp 300 lần tiêu chuẩn không khí của Việt Nam.
Cũng theo PGS.TS Nguyên Huy Nga, một số phương tiện truyền thông phản ánh nhiều người dân có triệu chứng ngộ độc như: Ho, đau đầu. Những triệu chứng đó có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân từ vụ cháy. Trong khói cháy phát ra có nhiều khí độc gây ho, đau đầu, chứ không cứ chỉ là do thủy ngân. Còn các triệu chứng lâm sàng ngộ độc cấp do khí thủy ngân chỉ xuất hiện ở người bình thường khi nồng độ thủy ngân trong không khí từ 1 mg thủy ngân trong 1 mét khối không khí - tức là hàm lượng thủy ngân trong không khí phải cao gấp 1000 lần hàm lượng mà cơ quan quan trắc môi trường đo được ở khu dân cư tiếp giáp với Công ty Rạng Đông.
“Như vậy, việc người dân lo lắng, chuyển đi nơi khác ở và bán rẻ nhà đất là không cần thiết và không nên”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.