Tiếp cận văn học từ văn hóa

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 22:29, 28/04/2022

Chấn hưng văn hóa là cơ hội chấn hưng văn học.
Văn hóa là một phạm trù/khái niệm vĩ mô, theo định nghĩa của UNESCO: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”. Định nghĩa tổng quát này giúp chúng ta ghi nhận chân lý: Mọi hoạt động của xã hội loài người hướng đến tiến bộ, phát triển, nhân văn đều không nằm ngoàivăn hóa.

Văn học là một hình thái ý thức đặc thù, thuộc thượng tầng kiến trúc. Ở Việt Nam, đã có một thời gian, văn học được tiếp cận, phân tích từ góc độ xã hội học (đôi khi đơn giản, máy móc, bình quân chủ nghĩa), điều đó không tránh khỏi cực đoan. Nhưng sau đó chúng ta lại sang một cực đoan khác khi một số ít người gần đây vội vã tiếp thu lý thuyết ngoại nhập (một cách thiếu chọn lọc), thiên về tiếp cận văn học từ chủ nghĩa Cấu trúc, chủ nghĩa Hình thức, Phân tâm học, Ký hiệu học. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước đã dấy lên trên toàn thế giới phong trào đề cao văn hóa (Nghị quyết của Liên Hợp Quốc coi thập kỷ 1988-1997 là “thập kỷ phát triển văn hóa thế giới”). Văn hóa, vì thế là khởi điểm và là đích đến của các xã hội phát triển bền vững.

nen-van-hoc-huong-ve-dai-chung-1648108965.jpg
Ảnh minh họa

Tiếp cận văn học từ văn hóa là nhận thức được các giá trị mới của một hoạt động tinh thần đặc thù góp phần phát triển xã hội. Trở lại với Phong trào Thơ mới 1932-1945, chúng ta sẽ thấy vì sao nó được coi là một cuộc cách mạng trong thi ca/văn học. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đang hội nhập văn hóa thế giới dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây (lúc này chủ yếu là văn hóa châu Âu và Pháp), văn học Việt Nam trở dạ, làm cuộc chuyển đổi hệ hình ngoạn mục từ phạm trù “trung đại” sang “hiện đại”. Cái giá trị mới mà Thơ mới nói riêng, văn học lãng mạn nói chung tạo dựng được chính là đề cao giá trị cá nhân. Xuân Diệu viết: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (Hy Mã Lạp Sơn, 1935-1941). Nhà văn tự ý thức về giá trị của cá nhân là xuất phát điểm để tái hiện nghệ thuật cuộc đấu tranh đôi khi không phân thắng bại giữa cá nhân và xã hội, giữa truyền thống và hiện đại, giữa chấp nhận và “nổi loạn” như nhà văn Hoàng Ngọc Phách đã thể hiện thành công trong Tố Tâm (tiểu thuyết, 1925). Một cuốn sách dày chưa đến một trăm trang nhưng gây bão trên văn đàn đương thời và cho đến tận những thập kỷ đầu thế kỷ XXI nó vẫn có vai trò “khai sơn phá thạch”, vẫn có ý nghĩa mở đường cho sự tìm tòi nghệ thuật về con người thời đại.

Cũng chính Xuân Diệu (nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”) và thế hệ của ông sau Cách mạng tháng Tám (1945) lại hướng ngòi bút tới việc tìm tòi những giá trị mới trong thời đại mới. Nói theo cách của nhà thơ Chế Lan Viên, thế hệ ông trải qua một chặng đường “từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, đó chính là “cuộc tái sinh màu nhiệm” khi cả một thế hệ nhà văn trước 1945 đồng lòng, tự giác đi theo Cách mạng, hòa mình vào đời sống chiến đấu và lao động vĩ đại của nhân dân. Từ đây, giá trị mà họ kiếm tìm và thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật chính là mối quan hệ riêng - chung. Không hề ngẫu nhiên khi Xuân Diệu đã ra mắt tập thơ Riêng chung (1960) đánh dấu bước chuyển biến dứt khoát, mạnh mẽ, thành công của người nghệ sỹ khi tìm thấy cảm hứng và chất liệu sáng tác từ chính đời sống của nhân dân cần lao. Một thi sỹ vốn lấy cái “Tôi” làm trung tâm vũ trụ nay chuyển hóa tư tưởng - tình cảm: “Tôi đi trên đất nước thân yêu/ Không biết bao nhiêu, chỉ biết nhiều/ Ngói mới/ Muốn trùm hạnh phúc dưới trời xanh/ Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành / Ngói mới” (Ngói mới, 1959). Đó cũng là thời kỳ Chế Lan Viên cô độc từ Điêu tàn (1937) tiến thẳng đến Ánh sáng và phù sa (1960), Huy Cận từ Lửa thiêng (1940) đã hân hoan, tưng bừng với Đất nở hoa (1960),...

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) một thế hệ nhà văn mới đã xuất hiện. Họ là những người trẻ tuổi, tâm hồn phơi phới lý tưởng: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh - Đường tới thành phố). Thế hệ nhà văn chống Mỹ được đào luyện và trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Họ được trang bị bằng truyền thống văn hiến/văn hóa dân tộc, họ được tiếp cận di sản văn hóa thời hiện đại thông qua các tiền bối cách mạng. Các nhà văn thế hệ này thấm nhuần văn hóa quá khứ bởi tinh thần quật khởi dân tộc qua Bình ngô đại cáo, Hịch tướng sỹ, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc, Nhật ký trong tù, bởi tinh thần nhân văn qua kiệt tác Truyện Kiều. Tổ quốc, độc lập tự do, hòa bình là những giá trị mới mẻ mà các nhà văn thế hệ chống Mỹ đã mặc nhiên coi là sứ mệnh sáng tác của mình. Những ngày tháng chiến tranh ngân vang những vần thơ: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm!/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?/ Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất/Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/Nguyễn Du viết Kiều và đất nước hóa thành văn/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Chế Lan Viên - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, 1965). Có người nói, đó là thời đại của cái “chung” lớn hơn (đôi khi làm lu mờ) “cái riêng”, con người cá nhân phải hy sinh tận cùng vì nghĩa lớn. Nhưng trên quan điểm lịch sử - cụ thể thì nhận thức đó, tâm thế đó, hành xử đó là tất yếu, không thể đảo ngược.

Văn hóa cũng như các lĩnh vực xã hội khác hiện tại đang nổi cộm nhiều vấn đề. Bước vào cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang mải miết, chú mục hăng say hướng tới tăng trưởng kinh tế nên đôi khi sao nhãng văn hóa, môi trường và các lĩnh vực tinh thần khác. Ai đó nói chí lý, văn hóa là tay phanh, kinh tế là tay ga. Văn hóa là sự điều hòa xã hội ứng nghiệm. Văn học Đổi mới (từ 1986) sau đà thăng tiến trong khoảng mười lăm năm đầu hiện đang chững lại, thậm chí có vẻ đang lúng túng vì bản thân công cuộc Đổi mới từ 1986 đến nay cũng trải qua những giai đoạn, yêu cầu, quyết sách, mục đích không giống nhau. Thời kỳ đầu Đổi mới, văn nghệ sỹ hồ hởi với khẩu hiệu “cởi trói”, với phương châm “tự cứu mình trước khi Trời cứu”. Xét về văn hóa, xã hội đang có sự thay đổi, thậm chí khủng hoảng về các giá trị. Các quan hệ xã hội đang bị chi phối ngặt nghèo bởi lợi ích (kể cả lợi ích nhóm). Văn nghệ sỹ sau những vô tư cống hiến cho sự nghiệp chung trong chiến tranh đang muốn trở về với những đòi hỏi tự thân như tự do sáng tác, tự do thể hiện cá tính, tìm tòi nghệ thuật trong khung cảnh thế giới phẳng. Đang có xu hướng đề cao “văn hóa là chấp nhận cái khác mình”. Giới trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật/văn học đang cổ vũ cho thuyết “tự ngã trung tâm”. Họ đứng giữa cuộc đấu tay đôi “riêng - chung”. Nhưng rốt cuộc họ ngả về bản thân, cá nhân (đôi khi cực đoan). “Văn trẻ giỏi thêu thùa bản thân nhưng kém vá may cho người khác” - nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh không phải không có lý lẽ của nó. Không thể phủ nhận sáng tác nghệ thuật là nhằm thể hiện cái riêng của chủ thể. Không thể phủ nhận giá trị của cá nhân khi chính nó góp phần tạo nên xã hội. Nhưng cá nhân theo lối ích kỷ (vị kỷ) sẽ khiến kết quả đi theo hướng khác. Đọc văn trẻ, sẽ thấy nhiều những “cô độc”, “cơ bản là buồn”, “bóng đè”,... Không riêng gì “văn trẻ”, ngay “văn già” đôi khi, ai đó cũng không tránh khỏi chung chiêng, lúng túng khi không xác tín được tác phẩm của mình đem tới giá trị mới nào cho độc giả. Chính vì thế chấn hưng văn hóa là cơ hội chấn hưng văn học. Một nền văn học lớn phải được dựng xây trên nền tảng văn hóa vững chắc.

arttime