Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh: Đóng phim hay diễn kịch cũng đều phải làm tốt
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:26, 29/04/2022
1. Sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật với bố mẹ (NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai), cậu ruột (NSƯT Lê Chức) đều là những người nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu, Lê Khanh cùng chị - NSƯT Lê Vân, và em gái - NSƯT Lê Vi, tiếp nối truyền thống đó như một lẽ tự nhiên. Lê Khanh bảo không biết mình chọn nghệ thuật là đúng hay sai vì... chỉ biết mỗi một nghề này. Với suy nghĩ “đã làm việc gì, làm ngành gì mà xác định bản thân phải làm việc để tồn tại thì phải làm tốt”, chị đã gặt hái thành công ở cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh khi vào vai khoảng 200 nhân vật chính trong sự nghiệp nghệ thuật.
Có thể nói, Lê Khanh là người may mắn khi nhận được sự ủng hộ của gia đình ngay từ lúc "chạm ngõ" nghệ thuật. Sự ủng hộ của bố mẹ khiến Lê Khanh cảm thấy mình được tôn trọng. “Làm nghề này phải thảnh thơi, hồn nhiên, bay bổng và phải vô tư thì mới quên mình ngoài đời thường để hóa thân vào nhân vật. Chứ ngồi diễn ở đây mà đầu óc còn mông lung, áy náy, day dứt đủ thứ ở sau lưng thì không làm được. Chỉ cần trong nhà bố mẹ không đồng ý thì liệu bạn có thảnh thơi đầu óc để làm nghề không? Cả gia đình tôi, nhiều thế hệ chỉ làm nghệ thuật, và tôi có được may mắn thứ nhất là được cả nhà ủng hộ. Tiếp đến là lấy chồng cùng nghề và cũng được chồng ủng hộ tuyệt đối. May mắn thứ ba là mọi cơ hội cứ tự đến, chứ tôi không phải đi tìm”.
Lúc 15 tuổi rưỡi, Lê Khanh nhận được vai chính đầu tiên - cô thanh niên xung phong Tuất trong bộ phim “Từ một cánh rừng” của nữ đạo diễn Đức Hoàn. Chị đón tuổi 16 tại Khe Sanh, nơi được chọn làm bối cảnh chính. 6 tháng sau, phim kết thúc, Lê Khanh trở về Nhà hát Tuổi trẻ chấp hành nghiêm chỉnh quy định cơ quan đề ra: Không lấy chồng, không sinh con, không làm điện ảnh trong vòng 10 năm để bắt đầu hành trình mà chị gọi vui là “tu luyện sân khấu”. Lê Khanh bảo, sở dĩ nhà hát quy định “gắt gao” như vậy là để diễn viên định hình một phong cách sân khấu chuyên nghiệp, tránh tình trạng “đóng phim thì như diễn kịch mà diễn kịch lại như đóng phim”. Vậy là, dù điện ảnh tìm đến trước nhưng Lê Khanh quyết định chọn sân khấu làm nghề chính, vì thế mà chị không lăn tăn, chú tâm tuyệt đối vào sân khấu suốt 10 năm.
2. Sau khi hoàn thành “khóa tu sân khấu”, Lê Khanh bắt đầu “bù đắp” cho nghệ thuật thứ bảy. Đây chính là giai đoạn chị tỏa sáng trên màn ảnh với hàng loạt vai nữ chính, ở cả dòng phim chính luận, chiến tranh cách mạng và phim thị trường như: Tu sĩ Băng Thanh trong “Săn bắt cướp”, chiến sĩ biệt động Điệp trong “Dòng sông hoa trắng”, Thùy trong “Anh ấy không cô đơn”, Lan trong “Chuyện tình bên dòng sông”, Thoa trong “Bản tình ca cuối cùng”, Kiều Loan trong “Chiếc mặt nạ da người”... Trở lại với điện ảnh, với gương mặt "đậm chất xi nê”, biểu hiện tinh tế và giàu cảm xúc, Lê Khanh nhanh chóng trở thành gương mặt điện ảnh quen thuộc, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người xem. Trung bình mỗi năm chị đóng 2 phim. Lê Khanh tiết lộ, do "đóng đô" ở thành phố Hồ Chí Minh nên chị đã mua luôn một căn nhà "ở trỏng" để tiện làm nghề.
Sau này, Lê Khanh trở lại với sân khấu và thể nghiệm những phong cách khác nhau, trong đó có hài kịch và liên tục gây bất ngờ với những lần xuất hiện mới mẻ, ấn tượng. “Có một số người ngại thất bại nên không dám thử, riêng với nghệ thuật thì tôi có thể khẳng định là mình rất táo bạo” - Lê Khanh chia sẻ. Thế là, từ sân khấu, đình đám với những vai quận chúa, công nương; từ điện ảnh, nổi tiếng với hàng loạt phim ăn khách, Lê Khanh “nhảy” sang đọc thơ với dàn nhạc giao hưởng, diễn kịch đương đại, kịch hình thể, kịch ước lệ, đi nước ngoài diễn giao lưu... Cứ thế, Lê Khanh mạnh dạn xông vào những vùng đất mới, tìm tòi cái mới để làm mới mình. “Tôi tự đưa mình vào thế khó kinh khủng, tới mức có nhiều khi sợ bị tai biến vì áp lực không được thất bại. Tôi cho rằng ra quốc tế thì không được phép thua kém. May mắn thay, cuối cùng đều thoát hiểm một cách ngoạn mục” - chị thổ lộ.
Cho đến bây giờ, có thể nói rằng con đường nghệ thuật của Lê Khanh khá thuận lợi. Cũng đúng thôi, bởi đóng phim hay diễn kịch thì chị đều yêu cầu bản thân phải làm tốt, và cũng nhờ thế mà chị trở thành người nổi tiếng. Nhưng Lê Khanh lại bảo, thực ra chẳng có gì xuôi tuồn tuột, bởi cái khó là ở tự thân người nghệ sĩ hằng ngày phải vượt qua thử thách, mỗi một lần vào vai đều phải tạo ra sự mới mẻ. “Áp lực nhiều khi do mình tự tạo ra. Có người hỏi tôi có chiêu thức nào để vượt qua những thử thách mới, tôi nghĩ câu trả lời nằm ở chỗ mình biết cân bằng cuộc sống hay không. Không thể cái gì mình cũng có được cùng một lúc”.
3. Giờ đây, khi đã về hưu, Lê Khanh chuyên tâm với "vai chính" - người phụ nữ của gia đình. Ở vai này, chị cũng làm tốt, thậm chí vô cùng tốt. Cũng bởi, trên con đường nghệ thuật và đường đời, Lê Khanh có bạn đồng hành là người cùng nghề, là tác giả của những khuôn hình đẹp - nhà quay phim, đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Thanh. Cùng nhau, họ chia sẻ cả thất bại lẫn thành công, cùng hiểu rõ về hai chữ hy sinh khi làm nghệ thuật và từ đáy lòng mỗi người đều biết rằng: “Nếu mỗi lần xa nhà trở về mà không có thước phim, tác phẩm hay thì đó là mất mát. Nhưng, sau thành công mà vẫn là người chu đáo, tận tụy với gia đình thì đó mới là điều đáng giá”.
Trong căn nhà bài trí rất có “gu”, cùng với những câu chuyện sự nghiệp, tình yêu, cuộc đời và những kỳ vọng mà Lê Khanh dành cho lớp trẻ, bằng chất giọng ấm và phong thái vừa duyên dáng vừa trí tuệ, chị khiến tôi như đang gặp lại nàng Juliet trong “Romeo và Juliet”, công chúa Lý Chiêu Hoàng trong “Rừng trúc”, nàng Desdemona trong “Otenlo”... những vai diễn gắn liền với chị trên sân khấu. Gần gũi hơn cả, tôi nhìn thấy hình ảnh một người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn luôn biết chắc mình yêu nghệ thuật đến nhường nào.
NSND Lê Khanh tên khai sinh là Trần Mai Khanh, sinh năm 1963 tại Hà Nội. Năm 7 tuổi, Lê Khanh chạm ngõ điện ảnh với vai Bum My trong phim “Hai bà mẹ”. Lê Khanh thuộc lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ được đào tạo tại chỗ và công tác tại đây cho đến lúc nghỉ hưu. Trong vai trò diễn viên, Lê Khanh tham gia nhiều vở kịch ăn khách của Nhà hát Tuổi trẻ như "Romeo và Juliet", "Otenlo", "Trưởng giả học làm sang", "Rừng trúc", "Hoàng tử học nghề", "Điều không thể mất", "Vũ Như Tô", "Bến bờ xa lắc"...
Ngoài chính kịch, Lê Khanh còn thử sức ở thể loại hài với “Đời cười” 1, 2, 3. Trong lĩnh vực điện ảnh, Lê Khanh đã giành giải Bông sen Vàng - Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 10 với vai Lan trong phim “Chuyện tình bên dòng sông”; tại LHP Việt Nam lần thứ 22, chị nhận giải Bông sen Vàng cho vai Lý Lệ Hà trong phim “Gái già lắm chiêu”. Lê Khanh được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2001 và từng giữ chức Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ.