Không chấp nhận CPJ thông tin sai trái, cố tình bôi đen sự thật về Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 10:31, 16/09/2019

Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ) vừa cho công bố bản báo cáo với những cáo buộc hết sức phi lý, sai trái về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin ở Việt Nam.

ảnh 1Phóng viên quốc tế và Việt Nam tác nghiệp trong một sự kiện ở Thủ đô Hà Nội 

Dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan, không được kiểm chứng, CPJ tự cho mình quyền được phán xét rằng, Việt Nam nằm trong số những quốc gia kiểm duyệt báo chí nhiều nhất. Không chỉ bịa đặt, CPJ còn tìm cách bôi đen sự thật nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam, thậm chí cố tình can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam

Đây không phải lần đầu tiên CPJ có việc làm sai trái như vậy. Ra đời với tôn chỉ, mục đích đầy tính nhân văn nhằm bảo vệ tiếng nói của các nhà báo, CPJ từng được kỳ vọng sẽ là một tổ chức “thúc đẩy tự do ngôn luận trên toàn thế giới”. Song, trong thực tiễn nhiều năm qua, CPJ liên tục bị dư luận cáo buộc là hoạt động thiếu khách quan, bị lũng đoạn bởi những mưu đồ chính trị riêng.

Cứ nhìn vào thực tế ở Việt Nam hiện nay là thấy rõ CPJ đã cố tình xuyên tạc sự thật như thế nào. Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản luật liên quan. 

Trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện, với đủ các loại hình, từ báo in, báo hình, báo nói đến báo điện tử. Với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh - truyền hình, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số 278 kênh, hệ thống báo chí Việt Nam bảo đảm yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời đến người dân. 

Còn theo tổ chức nghiên cứu về mạng xã hội quốc tế, với 64 triệu tài khoản trên Facebook, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới. Hơn nữa, mạng xã hội còn được Nhà nước Việt Nam đánh giá là một điều kiện cho sự phát triển của đất nước.

Ngoài hệ thống báo chí trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài thuộc nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới. 20 cơ quan báo chí nước ngoài hiện có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Bạn đọc có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times…

Với những số liệu nêu trên, làm sao có thể nói quyền tự do ngôn luận, báo chí, ở Việt Nam bị kiểm duyệt, bị “bóp nghẹt” như những gì CPJ cáo buộc.

Không chỉ nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, Việt Nam còn quan tâm bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt, sai sự thật, kích động thù hằn dân tộc.

Thực tế thời gian qua, có những người nhận thức sai lầm khi tuyệt đối hóa quyền sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng xã hội. Coi đó là quyền không có giới hạn, họ đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt lên mạng, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước…

Đó là những việc làm vi phạm pháp luật cần phải xử lý. Việt Nam không phạt tù các nhà báo mà phạt tù những kẻ vi phạm luật pháp Việt Nam, trừng trị những kẻ gây phương hại cho an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gây phương hại cho nền độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 

Việc CPJ gọi các đối tượng vi phạm pháp luật là “nhà báo” chính là hành vi bôi đen sự thật, gián tiếp cổ vũ cho các thế lực chống phá Việt Nam. Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có hệ thống luật pháp của mình để bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, nên không thế lực nào có thể can thiệp vào, CPJ cũng không là ngoại lệ. Những việc làm sai trái của CPJ cần bị lên án và ngăn chặn.

anninhthudo