Mỹ thuật và hoạt động thị trường

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:42, 30/04/2022

Khi cơ chế bao cấp xóa bỏ, nền kinh tế thị trường bắt đầu từ thời điểm Đổi mới, hầu hết các ngành văn hóa nghệ thuật lâm vào khó khăn để duy trì hoạt động, dẫn tới tê liệt, thì mỹ thuật lại có cơ hội phát triển hơn bao giờ hết, đỉnh điểm của nó là năm 1990 và cũng giảm dần cho đến năm 1996.
Từ năm 1996 tới nay, thị trường mỹ thuật biến động liên tục, khi tìm cách hòa nhập không chính thức, hoặc nghiệp dư vào thị trường nghệ thuật thế giới. Ngay trong giai đoạn 1990-1996, chúng tôi đã có số liệu đầu tư của một gallery trong nước bằng kinh phí của cả Hội Mỹ thuật Việt Nam trong năm. Mà trong nước giai đoạn đó có đến 200 gallery, như vậy đứng về kinh tế thì hoạt động ngoài mỹ thuật, ngoài nhà nước, hoặc sự cộng tác của gallery tư nhân và nghệ sỹ gấp tới 200 lần Hội Mỹ thuật Việt Nam.
2-1649830902.jpg
Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi) cùng các học viên khóa I Trường Mĩ thuật Đông Dương, từ trái qua: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Georges Khánh, Nguyễn Phan Chánh...

Bên cạnh đó, suốt trong 10 năm từ 1990 – 2000, rất nhiều triển lãm hội họa Việt Nam được đưa ra nước ngoài, chủ yếu do các tổ chức văn hóa nước ngoài làm và mời nghệ sỹ đem tác phẩm đi trưng bầy. Hội họa được coi là cái cầu văn hóa đi trước một bước đối với quan hệ kinh tế và chính trị, ở các khu vực chưa được khai thông, trong hoàn cảnh Việt Nam còn bị cấm vận. Hầu như triển lãm nước ngoài nào cũng bán được.

Tuy nhiên từ đó cho đến nay, rất ít nghệ sỹ Việt Nam vào được các gallery tầm cỡ nước ngoài, còn không thể vào được các bảo tàng lớn, nhất là khi không có các triển lãm ra nước ngoài ở tầm cỡ quốc gia tự bỏ tiền, thay vì để các tổ chức văn hóa nước ngoài hỗ trợ, một sự bao cấp theo kiểu khác. Biểu hiện của văn hóa mạnh phải do chính dân tộc đó tự thực hiện.

Đây là điều đáng tiếc nhất đối với tầm cỡ của mỹ thuật Việt Nam, sau Đổi mới, mà cuối cùng nó chỉ giới thiệu được ít nhiều hình ảnh về đời sống Việt Nam trong chiến tranh, rồi đi vào giá trị thương mại thấp, mà không có vị trí khác trên trường nghệ thuật quốc tế.

Trong khoảng năm 1954 – 1980, thị trường mỹ thuật Việt Nam có một cách sơ khai. Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ bán cho các nước xã hội chủ nghĩa đương thời, ít nhiều tranh hội họa của các danh họa được thành viên các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam sưu tập.

Hà Nội chỉ có một gallery số 7 Hàng Khay và cửa hàng bán tranh, bưu thiếp lưu niệm của Xunhasaba (Công ty Xuất nhập khẩu sách báo). Từ năm 1980, thị trường này dần tăng lên, nhưng cũng vẫn chủ yếu khách mua là người nước ngoài, cho đến năm 1990, chúng tôi nghiên cứu có đến hơn 90% lượng tác phẩm được bán là cho người nước ngoài sang Việt Nam, hoặc từ số ít triển lãm đi nước ngoài.

Mức độ tăng lên của thị trường đỉnh điểm đến năm 1996, khi nền kinh tế châu Á phát triển, trong đó có Việt Nam, sau Đổi mới, nhưng đến năm 1997, thì châu Á rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thị trường này suy thoái hoàn toàn. Nhiều nhà sưu tập lại bán tháo những tác phẩm đã mua.

Các gallery trong nước cũng dần thu hẹp, cho đến năm 2000, thì từ 200 gallery có lẽ chỉ còn 20 hoạt động. 200 gallery này cũng chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người ta có thể thấy rất rõ sự hưng thịnh và suy tàn của nó tới mức đóng cửa, nhất là khi giá thuê mặt bằng ngày càng cao lên, còn chất lượng tác phẩm thì có chiều hướng thương mại hóa. Điều mà chúng tôi cay đắng nhận xét rằng: Các họa sỹ vẽ càng đẹp, tranh càng xấu.

Suốt một thời gian dài từ năm 1954 -1990, mặc dầu chiến tranh, kinh tế bao cấp, đời sống rất khó khăn, nhưng các nghệ sỹ với ước vọng nghệ thuật và sự hòa nhập với quốc tế, ký ức chiến tranh, đời sống làng xã, những cái nhìn nhân văn và sự phi thương mại, giúp cho hội họa Việt Nam có một giá trị nhất định.

Có thể nói giai đoạn đó, hội họa Việt Nam rất đẹp, giầu tình cảm, đặc biệt sau năm 1975 có sự hòa nhập nhanh chóng giữa nghệ sỹ hai miền Nam Bắc, thực ra là có truyền thống từ ba trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), Mỹ thuật Huế và Mỹ thuật Gia Định. Các giảng viên ở đó cũng đều xuất phát từ cái nôi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xưa, giới họa sỹ cả nước biết nhau và cũng nhanh chóng hợp tác làm chung triển lãm.

Các họa sỹ trẻ được ái mộ và đề cao, nhưng cũng là lớp bị thị trường hóa nhanh nhất bởi họ có quá nhiều nhu cầu về đời sống và nhất là không cam chịu đói nghèo như cha anh nữa. Ai nấy cần có nhà ở, con đi học nước ngoài, mua ô tô, xây xưởng vẽ, tiền đi du lịch và tham quan bảo tàng nước ngoài – những điều mà các thế hệ họa sỹ cha anh không dám nghĩ đến.

Ước vọng là chính đáng, ngoại trừ nghệ thuật về căn bản không yêu quý sự thương mại hóa. Thị trường tranh giả cũng phát triển ở mọi nơi, họa sỹ tự lặp lại, gallery, nhà sưu tập tham gia buôn bán tranh giả, vấn đề bản quyền bị bỏ ngỏ cho đến tận bây giờ… phá hoại ngay chính cái đời sống nghệ thuật và thị trường non trẻ.

Từ năm 2000 – 2015, thị trường mỹ thuật bán cho người nước ngoài giảm dần, do nhiều lý do, như: hội họa Việt Nam không còn là phát hiện nữa, bên cạnh tính thương mại làm cho sự hấp dẫn của nghệ thuật giảm dần.

Thậm chí đến thời điểm này do tình trạng tranh chép, tranh giả, tranh nhái và xâm phạm bản quyền, hàng loạt các nước châu Á tẩy chay việc thương mại tranh Việt Nam. Không chỉ có các gallery trong nước giải thể, mà cả những gallery nước ngoài kinh doanh tranh Việt Nam cũng phải đóng cửa, điển hình như gallery Thavibu ở Bangkok, Thailand.

Nhưng cũng trong giai đoạn đó, nền kinh tế Việt Nam có nhiều mặt ổn định, các chung cư cao tầng mọc lên, nhiều đô thị mới và cũ được xây dựng, nhiều căn hộ cao cấp hình thành, tầng lớp trung lưu khá giả cũng tăng lên – đây chính là khách hàng của nghệ thuật.

Tầng lớp trung lưu ở bất cứ xã hội nào, giai đoạn nào cũng là những người chính yếu thưởng thức nghệ thuật, mua tranh, đi nhà hát, bảo tàng, nghe nhạc, mua sách. Sự tăng tiến của tầng lớp này dẫn đến thị trường nghệ thuật và văn hóa nội địa lại có cơ hội.

Các nhà sách ra đời và phát đạt, ca nhạc trẻ có khán giả, cũng như nhiều biểu diễn phục hồi văn hóa dân tộc (hát xoan, hát xẩm, ca trù, chầu văn) được thực hiện ở các quy mô nhỏ và bán nghiệp dư.

Hội họa (tranh) văn phòng rất phát đạt ở Đông Nam Á, tức là những tranh ảnh cỡ nhỏ và vừa, dễ nhìn, dễ coi, đẹp nhà, đáp ứng với nhu cầu tình cảm và ý thích của người mua, chủ yếu là công chức.

Thị trường nghệ thuật nội địa này ở Thailand và Malaysia đạt tới 95%, và các nghệ sỹ không cần bán cho Tây nữa. Ở Thailand, nhu cầu về khách du lịch cũng giảm dần, nhất là ở các địa phương, nhiều khách sạn không có một chút chú dẫn tiếng Anh nào, ngay cả rất nhiều trí thức cũng không nhất thiết học tiếng Anh nữa. Việc phát triển văn hóa nghệ thuật với thị trường trong nước thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế và đạo đức xã hội.

Ở Việt Nam, từ 2015 – 2020, tình hình cũng đang khả quan như vậy. Tầng lớp trung lưu tích cực tìm nguồn vốn kinh doanh, mua xe, mua nhà, cho con cái đi học nước ngoài, những người trẻ lại nhanh chóng bổ sung vào đội ngũ trung lưu với ý thức văn hóa và văn minh ngày càng nhiều hơn, dẫn đến thị trường mỹ thuật rất có cơ hội. Và bắt đầu có sự nâng cao hơn cái thứ tranh văn phòng trên, mà hướng tới các nghệ sỹ tân kỳ có tên tuổi.

Đặc biệt, nhiều người từ việc đi mua tranh cho mình, kiêm luôn việc môi giới bán tranh, đầu tiên cho bè bạn, sau đó thành một nghề nghiệp dư, mỗi bức họa họ có thể kiếm từ 10 – 30% giá trị tác phẩm, tùy theo. Các nhà đấu giá và các không gian nghệ thuật hình thành, thay thế cho hình thức gallery truyền thống.

Thị trường tranh Đông Dương (của các họa sỹ từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) mười năm qua rất có tiếng tăm trên trường quốc tế. Tranh họa sỹ Đông Dương đã đạt từ 30 ngàn USD đến 1 triệu USD.

Tự cái thị trường mang tầm quốc tế này đã góp phần kích hoạt thị trường trong nước. Về cơ bản, người nước ngoài không hơi đâu nâng giá nghệ thuật cho một nước khác, ngoại trừ chính nước đó bỏ tiền ra mua và đánh giá nghệ sỹ của mình, nhưng kinh doanh thì không kể, vì kinh doanh đem lại lợi cho người mua, người bán, nhà đấu giá, quốc gia lưu giữ tác phẩm.

Một trào lưu hồi hương nghệ thuật và đồ cổ Việt Nam đang diễn ra trong khoảng hơn 10 năm nay, với giá mua bán thông thường đến hàng trăm ngàn USD, tuy nhiên thuế nhập khẩu khá cao có chiều hướng không khuyến khích sự hồi hương này, đây là một bất cập về chính sách kinh tế đối với văn hóa.

Đối với thị trường và các nhà đấu giá, cái gì bán được, mà nhiều tiền, thì cái ấy có giá trị, do quan điểm này mà tranh giả Đông Dương nhiều gấp bội tranh thật, và trong nước chẳng có một cơ sở pháp lý nào để thắc mắc, vấn đáp với nơi xuất phát từ nước ngoài.

Những thông điệp trên Facebook và các mạng xã hội của các họa sỹ, nhà nghiên cứu trong nước rất yếu ớt, tuy cũng đôi lần làm cho đối tác nghĩ lại, ví dụ như trường hợp bức tranh giả được cho là của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ, đưa ra trường quốc tế chính thức tháng 10 năm ngoái, mà bản thật duy nhất của nó đang nằm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh giả, tranh chép, tranh nhái đang tràn lan cả ở trong ngoài nước, cũng như các cửa hàng kinh doanh tranh chép, tranh nhái công khai trong nước, chẳng có một chế tài nào khống chế.

3-1649830902.jpg
Thị trường tranh Đông Dương (của các họa sỹ từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) mười năm qua rất có tiếng tăm trên trường quốc tế.

Sự đuổi theo thị trường sau năm 1996, đã làm cho nội dung hội họa Việt Nam nhạt nhẽo, xa lạ với cập nhật xã hội. Đây là một vấn đề nghệ thuật toàn cảnh, mà tính cập nhật xã hội được đẩy rất mạnh ở nghệ thuật Đông Nam Á, khi cơ chế kiểm duyệt hầu hết các nước Đông Nam Á đã từ bỏ. Một số hình thức nghệ thuật Đương đại cố gắng khắc phục vấn đề này.

Sắp đặt (Installation), Trình diễn (Performance) và Video Art có mầm mống trong nước sau Đổi mới, phát triển từ 1990 – 2000. Những nghệ thuật này về cơ bản không thể thương mại hóa được, lại chủ yếu do những nghệ sỹ trẻ có ý tưởng xã hội thực hiện và được các quỹ văn hóa nước ngoài tài trợ, được các nhà văn hóa nước ngoài ở Việt Nam cho địa điểm.

Nội dung của nó hướng đến những ước vọng mới về dân chủ và nhân quyền, những vấn đề về tệ nạn xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái và văn hóa, sự cổ lỗ và bảo thủ về văn hóa, tính toàn cầu của nhân cách và đời sống.

Những nội dung này luôn làm cho các nhà quản lý đau đầu, và nhất là rất khó nhận định khi xét duyệt, thậm chí không thể xét duyệt (như Trình diễn) khi nó diễn ra tức thời. Liên hoan nghệ thuật Đương đại trẻ lần thứ nhất năm 2007, có sự kiểm soát chặt chẽ, khiến những lần sau, nhiều nghệ sỹ trẻ tên tuổi từ giã.

Hai lần triển lãm Mỹ thuật toàn quốc gần đây, 2015, 2020, mặc dù mở rộng cửa cho nghệ thuật đương đại, nhưng cũng chỉ có dưới 20 tác phẩm tham gia, nội dung cũng chung chung, tầm phào.

Cơ hội phát triển nghệ thuật đương đại cũng đang mất đi, do các quỹ tài trợ đã rút khỏi Việt Nam, khi đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ở mức trung bình, không còn là nước nghèo đói nữa.

Tất cả những đề cập trên thực sự đặt ra nhiều vấn đề về phát triển văn hóa nghệ thuật để nó gia nhập vào cơ cấu kinh tế xã hội, như là một ngành kinh doanh hữu ích, nâng cao văn hóa đạo đức xã hội, thúc đẩy sáng tạo và kinh doanh, đem lại lợi nhuận mà không làm tổn hại môi trường. Nhưng cách quản lý văn hóa hiện nay vẫn là quản lý như thời bao cấp, thậm chí còn chặt chẽ hơn, các chế tài và luật kinh doanh nghệ thuật rất sơ khai, thậm chí chưa có. Sự bảo vệ bản quyền chưa được thực hiện, khi ngày càng nhiều hình thức kinh doanh văn hóa nghệ thuật nằm ngoài cách hiểu và quản lý thông thường.

arttime