Di sản văn hóa và thiên nhiên là những tài sản vô giá, không thể thay thế được
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:26, 16/09/2019
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khai mạc
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, lịch sử và văn hóa của đất nước ta, của đồng bào các dân tộc Việt Nam không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn hiện diện trên mọi miền đất nước thông qua hàng vạn di tích lịch sử - văn hóa và cùng với đó là kho tàng đồ sộ về di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị tinh thần, văn hóa, nghệ thuật to lớn. Từ trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô giá đó, mỗi chúng ta được học tập, được hiểu biết về những giá trị lịch sử, văn hóa, những bài học quý giá về cách ứng xử, truyền thống tốt đẹp, nhân văn và giàu bản sắc dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, mỗi di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng sống động về hình ảnh một nước Việt Nam hội nhập, cởi mở, thân thiện, mến khách qua các thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm mang tính toàn cầu. Di sản văn hóa và thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc, mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu biến mất, do xuống cấp hoặc bị huỷ hoại, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các Ban, Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả và quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tính đa dạng, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em; đồng thời tiếp tục xây dựng những giá trị văn hóa mới phù hợp với thời đại mới trong bối cảnh phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và hội nhập ngày càng sâu rộng. Đề cao và phát huy tối đa vai trò của các chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc; tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm nâng cao mức thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động chung, thống nhất của các địa phương trên toàn quốc, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng lấy du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch cộng đồng là trọng tâm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức để mọi người dân tham gia phát triển du lịch, tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, gìn giữnhững nét văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc, của quê hương mình.
Hát Then tại Liên hoan
Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội Thành Tuyên năm 2019 đã diễn ra trong 3 đêm chính gồm Lễ khai mạc (đêm thứ nhất) với chủ đề “Tuyên Quang - Tinh hoa hội tụ” vào tối 12.9 tại sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành, đêm thứ hai mang tên Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên” vào tối 13.9 và đêm thứ ba là Chương trình Nghệ thuật phục vụ nhân dân với chủ đề “Tuyên Quang - Hội nhập và phát triển” vào tối 14.9. Tại Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 700 nghệ nhân, diễn viên đến từ 11 tỉnh, thành phố trong cả nước đã trình diễn những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Chầu Văn của Nam Định, Hát Trống quân của Hưng Yên, Múa bồng của Hà Nội, Hát Xoan của Phú Thọ, Quan họ của Bắc Ninh, Trò diễn Xuân Phả của Thanh Hóa, Múa trống Chhay - dăm của Tây Ninh, Ca Huế của Thừa Thiên-Huế, Xòe Thái của Sơn La, Cồng chiêng Tây Nguyên của Đắk Nông, cùng với di sản Then của đồng bào Tày, Lễ cấp sắc của đồng bào Dao của Tuyên Quang.
Từ năm 2015 trở lại đây, việc kết hợp tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu nhi với liên hoan, trình diễn di sản văn hóa của quốc gia đã góp phần tạo nên một Lễ hội Trung thu độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn không chỉ của riêng Tuyên Quang mà của cả nước, là biểu tượng, là hình mẫu sống động và thành công của một mô hình xã hội hóa hoạt động lễ hội, góp phần nhân lên giá trị, sức sống, nét đặc sắc của di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.