Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn: Tấm gương sáng ngời về tận trung với nước, tận hiếu với dân

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:16, 16/09/2019

“Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư Hồ Chí Minh”(1).
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn: Tấm gương sáng ngời về tận trung với nước, tận hiếu với dân
Tiết mục nghệ thuật tái hiện lịch sử tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, diễn ra sáng 16/9/2019, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Bức thư với lời lẽ khiêm cung và trân trọng này do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đánh máy gửi ngày 17-11-1945. Người nhận thư là cụ Bùi Bằng Đoàn (1889-1955), từng làm Tri huyện, Tri phủ Xuân Trường (tỉnh Nam Định), Án sát tỉnh Bắc Ninh, Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình, Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế, hàm Thái tử Thiếu bảo trong nội các của Phạm Quỳnh năm 1933

Mến mộ tài năng, đức độ thanh liêm, chính trực của cụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng của quốc gia và xem cụ như một người bạn tri âm, cùng chí hướng vì nước, vì dân.

MỘT VỊ QUAN THANH LIÊM, CHÍNH TRỰC

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19-9-1889 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Từ trẻ cụ đã có kiến thức uyên thâm, thông thạo Hán văn và cũng rất giỏi Toán và tiếng Pháp. Năm 17 tuổi, cụ Bùi Bằng Đoàn đã đỗ cử nhân khoa thi Hương “trường Nam thi lẫn với trường Hà” năm Bính Ngọ (1906) triều vua Thành Thái và từ đó, quan lộ hanh thông. Khi làm quan, cụ nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân, được nhà vua sủng ái, các quan trong triều kính trọng, nhân viên và các quan chức dưới quyền ngưỡng mộ, được nhân dân kính trọng, tin cậy.

Có nhiều câu chuyện về cụ Bùi Bằng Đoàn thời kỳ làm quan trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Trên công đường, ở những nơi cụ làm quan đều có treo một bảng thông báo “không nhận quà biếu”. Cụ nghiêm khắc cấm người nhà không nhận quà. Lúc ở Xuân Trường, Nam Định, với tư cách quan Tri phủ, cụ đề xuất việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, nhờ đó mà một vùng đất đai phì nhiêu, rộng lớn được tạo lập. Nhớ ơn cụ, người dân địa phương đã làm lễ tế sống vị “phụ mẫu chi dân” trẻ tuổi ngay nơi nhậm chức. Khi còn làm Tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), nhờ tinh thông Pháp văn, cụ được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, cụ Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu, nhờ đó, Tòa án đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà buộc phải giảm xuống hình thức “an trí ở Huế”. Khi làm Án sát tỉnh Bắc Ninh, cụ được mời tham dự phiên tòa đề hình xét xử đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Khâm phục tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nên khi nghị án thực dân Pháp đã định án tử nhưng cụ đã tìm mọi cách để giảm tội tử hình xuống khổ sai đày đi Côn Đảo.

Năm 1925, trước việc báo chí phản ánh cảnh phu điền ở Nam Kỳ bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam Triều đã cử cụ Bùi Bằng Đoàn vào thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Là người công minh, liêm khiết, mẫn cán và tác phong làm việc cẩn trọng, khoa học, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tiến hành điều tra trực tiếp, thấu đáo tại 45 đơn vị đồn điền cao su thuộc các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn và Gia Định. Nội dung điều tra tập trung chủ yếu vào việc tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, nhất là người lao động ở các tỉnh Bắc Kỳ vào và đời sống người lao động thông qua tiền lương, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, số giờ lao động trong ngày, số tiền lãi của chủ đồn điền… Kết thúc cuộc điều tra, cụ đã viết báo cáo, kiến nghị dày 100 trang bằng tiếng Pháp nêu trung thực, khách quan, công minh và đầy đủ những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Nhờ đó đã được nhà đương cục lúc bấy giờ chấp nhận giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.

 Năm 1933, cụ Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm làm Tuần phủ Ninh Bình. Sau đó, khi Phạm Quỳnh tổ chức lại nội các, cụ được bổ nhiệm làm Thượng thư bộ Hình. Trên cương vị Thượng thư bộ Hình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp cổ xưa trên 17 tỉnh, đạo thuộc Trung Kỳ. Đồng thời, cụ đã tấu trình và được nhà vua chấp thuận việc biên soạn, ban hành một số luật mới có nội dung tiến bộ, tổ chức các tòa án và quy định cơ chế tư pháp tân tiến, lựa chọn và đào tạo thẩm phán và đội ngũ nhân viên chuyên môn nghiệp vụ chuyên trách… Sau này nhiều người được tiếp tục phục vụ trong các cơ quan pháp luật của cách mạng.

ĐÓNG GÓP TO LỚN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THANH TRA, LẬP PHÁP

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ một vị quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến, nhận thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc, khâm phục, kính trọng tài đức, lý tưởng lớn lao, trong sáng và tinh thần, nghị lực đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin tưởng vào vận mệnh nước nhà, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời tham gia Uỷ ban kiến thiết quốc gia, tham gia Ban Cố vấn riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi trở thành Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội… Trên cương vị và trọng trách nào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng thể hiện là một người thanh liêm, chính trực, một lòng đi theo cách mạng.

Khi ở vị trí Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, hoạt động chỉ có hai người nhưng với kinh nghiệm phong phú, cộng với sự giúp đỡ của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham mưu kịp thời chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động của bộ máy nhà nước, giúp giữ nghiêm kỷ cương phép nước, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ trong cơ quan chính quyền. Đặc biệt, cụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những sắc lệnh có tác động tích cực đến đời sống xã hội, như Sắc lệnh số 40/SL về việc Bảo vệ tự do cá nhân do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 29-3-1946. Đây là sắc lệnh đầu tiên quy định cụ thể những trường hợp bắt người, giam cứu, nơi giam cứu, cấm tra tấn để lấy cung, bảo vệ quyền tự do của mỗi công dân Việt Nam, giúp cho Ban Thanh tra đặc biệt giải quyết các vụ việc oan trái được nhanh chóng.

Không những vậy, từ công tác thanh tra, cụ đã tổng kết thực tiễn, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng tư tưởng thanh tra nhân dân, thanh tra cách mạng Việt Nam sau này.

Ngày 6-1-1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của tất cả các đảng phái trong nước, thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Hồ Chủ tịch giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I và đã trúng cử đại biểu của tỉnh Hà Đông (cũ) với số phiếu bầu rất cao.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Lúc này nhiệm vụ chính của cụ vẫn là ở Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ nhưng cụ đã tham gia một số hoạt động đối ngoại của Chính phủ, như tham gia đàm phán với Chính phủ Pháp sau khi ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6-3-1946. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (tháng 11-1946), cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ đã phát huy vai trò, trách nhiệm và những đóng góp cho hoạt động lập pháp, đặc biệt là việc tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, kháng chiến chống Pháp.

Ngoài các hoạt động đối nội, lập pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại, thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh trong và ngoài nước về một số vấn đề trọng đại của đất nước, về chủ quyền của Việt Nam trong thời gian trước và sau khi hai đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước 6-3-1946 tại Đà Lạt.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, cụ trở về Hà Nội. Thời gian này, công việc của Quốc hội cũng như các cơ quan Trung ương rất bộn bề. Với tư cách là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ đã có nhiều ý kiến đóng góp, cùng Ban Thường trực Quốc hội trong việc tiến hành ổn định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, xem xét việc chuẩn bị thông qua nhiều văn bản pháp luật của Chính phủ nhằm bảo đảm thành công trong công việc kiến quốc theo chủ trương, đường lối của Đảng và nguyện vọng của toàn dân.

TÌNH BẠN VỚI HỒ CHỦ TỊCH

Theo lời kể của nhà văn Sơn Tùng, trong những năm tháng đầu độc lập, giới nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đàm luận nhiều về “Hồ Chủ tịch trọng dụng hiền tài”. Trường hợp cụ Bùi Bằng Đoàn, đúng là Người đã “tam cố thảo lư”. Hồ Chủ tịch mời hai lần, cụ đều xin Người miễn cho vì lý do sức khỏe và thấy mình ở cái tuổi “vãn niên” rồi. Lần thứ nhất, cụ viện lý do là quan lại cấp cao của Nam triều quá lâu, không hiểu gì về thời thế, sợ không đóng góp được gì cho cách mạng, nên không dám nhận. Hồ Chủ tịch kiên trì gửi lá thư thứ hai, cử Bí thư riêng, trao cho cụ một câu thơ cổ 7 chữ: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh”. Ý nghĩa câu thơ cổ mỗi người luận giải một thẩm độ khác nhau, nhưng đều cùng một tương đắc. Đọc xong câu đó, trong lòng cụ đã có nguyện ý của mình(2).

Năm 1947-1948, cụ hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Tết chiến khu năm 1948, trong không khí đầu xuân chiến thắng, Hội đồng Chính phủ họp và liên hoan lửa trại. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cụ một bài thơ bằng chữ Hán:

Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi


Dịch là:

Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài
(3)

Cụ Bùi Bằng Đoàn đã họa lại như sau:

Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tri công quốc sự vô dư hạ
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi


Dịch là:

Sắt đá một lòng vì chủng tộc
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ
Biết Người việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù
(4)

Từ Thượng thư Bộ Hình Nam triều nổi tiếng thanh liêm, chính trực, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham gia chính quyền cách mạng cho thấy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với đất nước và sự trân trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương sáng để chúng ta kính trọng và noi theo./.

theo tuyengiao.vn