Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Các giá trị chiến lược của di sản là sức mạnh mềm của Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 21:20, 16/09/2019
Tối 8/9, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), đã diễn ra lễ kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biều tại lễ kỷ niệm
Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ VHTT & DL Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các Mẹ Việt Nam anh hùng; lãnh đạo Quân khu 5 và một số tỉnh, thành trong cả nước; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; đại diện UNESCO và các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng đông đảo người dân và du khách…
Phát biểu chỉ đạo tại “Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới’’, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những người làm công tác di sản, các cơ quan chức năng và nhân dân cần ý thức sâu sắc ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh mềm của Việt Nam trên toàn cầu cũng như chính nghĩa của chúng ta trước công luận quốc tế.
Diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, “chúng ta cần “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ” trong đó đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu tầm nhìn về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Việt Nam”.
Thủ tướng nói: “Mỗi một di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại, một trong những điển hình là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn ở tỉnh Quảng Nam”.
Thủ tướng khẳng định, Quảng Nam là một vùng đất địa linh, nơi sinh ra các bậc anh kiệt như: Hoàng Diệu, Thái Phiên, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… ngoài ra còn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ cả về tài chính, nhân lực và công nghệ của các tổ chức quốc tế, mà Quảng Nam từ một vùng đất phế tích đã bừng tỉnh, trở thành điểm sáng của công tác trùng tu, tôn tạo. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cũng đã được các chuyên gia, các tổ chức bảo tồn quốc tế đánh giá là một trong những điển hình bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam tập trung làm tốt một số nội dung.
Một là, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn. Cần hướng tới những mô hình tăng trưởng bao trùm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị di sản; giải quyết hài hòa giữa bảo vệ, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản. Chính điều này sẽ tác động rất tích cực trở lại đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Hai là, tăng cường nghiên cứu, sớm ban hành và thực thi hiệu quả kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định của UNESCO và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017, quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Xây dựng, triển khai các dự án, chương trình đầu tư, nghiên cứu về bảo tồn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước về nguồn lực, đặc biệt là về vốn, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số đối với việc quản lý, tu bổ, tôn tạo di sản. “Tôi xin nhấn mạnh tất cả những nơi có sự hiện diện di sản phải là những địa chỉ đi đầu, gương mẫu trong công tác bảo vệ môi trường, bao gồm việc nâng cao triệt để ý thức sử dụng rác thải nhựa, túi nylon, đồ dùng nhựa một lần…”, Thủ tướng nói.
Ba là, tất cả những địa danh di sản Việt Nam, trong đó có Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình dịch vụ một cách đa dạng, bền vững, phù hợp với bản sắc văn hóa, đảm bảo hài hòa về kinh tế - xã hội và môi trường. Bảo tồn, phát huy tốt các di sản của Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhân tố góp phần thúc đẩy có chiều sâu các quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh. Đồng thời, ngành văn hóa, thể thao và du lịch có kế hoạch kết nối các điểm đến của các di sản, trước hết là các trung tâm đô thị lớn và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.