Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam: Tiếp nhận hiện thực - Giao lưu, phát triển và hội nhập
Âm nhạc - Giải trí - Ngày đăng : 17:58, 30/04/2022
Nói về hiện thực, đại thi hào Goethe (1749 – 1832) với một gia tài tác phẩm vô cùng đồ sộ, nhưng trong tiểu luận về nghệ thuật, ông đã sớm đúc kết được một phương pháp sáng tác hiện thực, trở thành kinh điển cho cả văn học – nghệ thuật, đến nay vẫn còn nguyên giá trị bằng một câu ngắn gọn, bình dị và dễ hiểu như sau: “Hiện thực là điều kiện tiên quyết, nhưng cái đúng chỉ đáng giá sáu xu, nếu không đem đến cho ta điều gì hơn thế!”.
Trận Phố Ràng sau đổi thành Xung phong của nhà báo Nguyễn Tiến Lợi là hiện thực 100%; hiện thực một cách sinh động, đầy sức thuyết phục.
Ở phương Đông, từ xưa, cổ nhân cũng đã đúc kết rất tài tình về phương pháp sáng tác hiện thực như sau: “Hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm. Nhưng khi tác phẩm đã xây dựng xong phải cao hơn hiện thực và trở thành chuẩn mực về cái đẹp của thiên nhiên và con người”.
Từ hai cách tổng kết trên của phương Đông và phương Tây, tôi tâm đắc ở hai cụm từ: của Goethe là “Phải đem đến cho ta điều gì hơn thế” và câu của cổ nhân phương Đông là “Phải cao hơn hiện thực”. Hai cách tổng kết trên đây tuy hai mà một, được xem là kim chỉ nam chỉ đường cho phương pháp sáng tác hiện thực trong văn học – nghệ thuật (nói chung) và nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng.
Nhà nhiếp ảnh thiên tài Pháp Henri Cartier Bresson (1908 – 2004), người đầu tiên tìm ra mật mã chiếc chìa khóa vàng của chủ nghĩa hiện thực trong nhiếp ảnh. Khi qua đời (ngày 3/8/2004), Tổng thống Pháp Jacques Chirac thực sự xúc động khi phát biểu: “Henri Cartier Bresson đã ra đi, nước Pháp mất đi một thiên tài của nghệ thuật nhiếp ảnh, một nghệ sĩ tài năng đích thực, một trong những con người đáng nhớ nhất trong thế hệ của chúng ta…”.
Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam sớm tiếp nhận hiện thực, không hiểu các nhà nhiếp ảnh Việt Nam lớp đầu tiên có đọc luận điểm của Goethe, của cổ nhân phương Đông và coi Henri Cartier Bresson là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực trong nhiếp ảnh hay không nhưng họ đã tiếp nhận hiện thực từ khi bắt đầu cầm máy ảnh.
Ở tuổi 20, Nguyễn Bá Khoản đã có những bức ảnh hiện thực đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam, chụp về Hội nghị báo giới Bắc Kỳ tại Hà Nội (ngày 24/4/1937), Đoàn báo giới và phụ nữtham gia cuộc mít tinh lớn ở khu Đấu Xảo Hà Nội (ngày 1/5/1938), Hội nghị truyền bá Quốc ngữ tổ chức tại Hà Nội (cũng ngày 1/5/1938). Những bức ảnh lá Đại kỳ cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trước hàng vạn người dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, đoàn người đông nghịt tiến vào chiếm Phủ Khâm sai (hay còn gọi là Bắc Bộ Phủ) rồi đoàn người tiến vào chiếm Trại Bảo an binh ở phố Hàng Bài và hình ảnh 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh – Trung đoàn quyết tử Thủ đô của các nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Tiến Lợi. Hình ảnh của họ đã sống mãi cùng năm tháng.
Hiện thực 100% - ảnh Trận phố Ràng được chụp tháng 6/1949. Bằng ống kính có tiêu cự trung bình, chụp với tốc độ chậm vừa phải, Nguyễn Tiến Lợi đã áp sát, chụp cận cảnh một chiến sĩ chân đất, đầu đội mũ nan, với cành lá ngụy trang rung nhòe, súng trong tay, lưỡi lê tuốt trần đang băng qua xác giặc. Hậu cảnh là khói lửa và các chiến sĩ đang tiếp tục xông lên phía trước.
Lão nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi nhớ lại: “Đây là tấm ảnh ghi lại đợt xung phong lần thứ 11 của quân ta, đủ thấy chiến sự diễn ra giữa ta và địch là vô cùng gay go ác liệt. Và đương nhiên người chiến sĩ cầm máy ảnh Nguyễn Tiến Lợi cũng là một chiến sĩ xung kích dũng cảm phi thường!”.
Ảnh Trận phố Ràng của Nguyễn Tiến Lợi được trưng bày tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất họp tại chiến khu Việt Bắc (từ ngày 25 đến 28/9/1949). Bức ảnh để lại ấn tượng sâu sắc trong các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Phạm Văn Khoa, Thanh Tịnh… Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: Trận phố Ràng của Nguyễn Tiến Lợi mới là hiện thực 100%, hiện thực một cách sinh động, đầy sức thuyết phục”. Bức ảnh Trận phố Ràng mang tựa đề “xung kích” được tặng Huy chương Vàng quốc tế tại Cuba (1969). Ông là người đầu tiên đem Huy chương Vàng quốc tế về cho nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam cùng hàng trăm tác phẩm nhiếp ảnh hiện thực và nổi tiếng khác của các nhà nhiếp ảnh tiền bối Việt Nam.
2. Lời chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo văn nghệ nước ta nói và viết về nhiếp ảnh trên nửa thế kỷ nay vẫn đúng.
Các nhà nhiếp ảnh tên tuổi như Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Hồng Tranh…, qua các tác phẩm của họ đã giúp cho những nhà lãnh đạo văn nghệ cách mạng Việt Nam sớm nhận biết về lợi thế của loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh trong công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Hội Văn hóa cứu quốc đã kịp thời triệu tập các nhà nhiếp ảnh dự hội nghị tập huấn chính trị, trang bị lý luận cho đội ngũ những người cầm máy trong hai ngày 17 và 18/11/1947. Nhà thơ Tố Hữu khi ấy chưa đầy 30 tuổi, trong bài phát biểu của mình, ông đã đề cập đến 5 quan điểm khá sâu sắc về nhiếp ảnh, đó là:
1. Khả năng diễn tả đặc biệt của nhiếp ảnh.
2. Phương pháp diễn tả của nhiếp ảnh.
3. Những điều kiện để thực hiện phương pháp sáng tác nhiếp ảnh.
4. Nhiệm vụ của nhiếp ảnh trong giai đoạn Tổng phản công.
5. Vị trí và triển vọng của nhiếp ảnh Việt Nam.
Tại Đại hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất, nhà nhiếp ảnh Hồng Tranh thay mặt giới nhiếp ảnh đọc bản tham luận đã được đông đảo các văn nghệ sĩ chú ý. Qua các cuộc triển lãm được tổ chức, nhân dân vùng kháng chiến biết đến tên tuổi các nhà nhiếp ảnh tiền bối của Việt Nam như Vũ Năng An, Nguyễn Bá Khoản, Hồng Nghi, Đinh Đăng Định, Nguyễn Đăng Bẩy, Nguyễn Tiến Lợi, Bùi Duy Ly, Triệu Đại, Ngọc Thông… Tin chiến thắng vang dội và dồn đập qua báo chí cách mạng và báo chí nước ngoài cùng với những hình ảnh chiến đấu và chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ của Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Đinh Ngọc Thông được trưng bày tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã góp phần đưa nhanh tiến độ, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương vào tháng 7 năm 1954.
Phải chăng những tác phẩm như Trận phố Ràng cùng nhiều tác phẩm nhiếp ảnh hiện thực khác có sự tác động nhất định từ hội nghị tập huấn Chính trị - Văn nghệ cho các nhà nhiếp ảnh kháng chiến do Hội nghị Văn hóa cứu quốc Việt Nam tổ chức?
Đội ngũ những nhà nhiếp ảnh trong chống Pháp mới chỉ tính con số hàng chục thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ phát triển đến hàng trăm tay máy, được rải khắp mọi miền đất nước. Họ đã ghi được nhiều tác phẩm lịch sử chiến tranh có giá trị trường tồn, đã được các nhà lãnh đạo văn nghệ nước ta ghi nhận: “Cái đẹp trong nhiếp ảnh Việt Nam là cái đẹp cách mạng, cái đẹp dân tộc và cái đẹp của sự thật. Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại cho nhân dân ta một gia tài quý báu. Không những cho hôm nay mà mãi mãi về sau, nhân dân ta vẫn xúc động trước những tấm ảnh mà anh chị em nghệ sĩ đã chụp bằng cả trái tim, cả tấm lòng và tài năng của mình” (Tố Hữu). Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có những nhận xét về nhiếp ảnh Việt Nam rằng: “… Qua các bức ảnh, tôi đã rung động trước cái đẹp, đẹp về cả mặt kỹ thuật cũng như về nội dung. Đặc biệt là những bức ảnh mô tả được sự đổi mới mà Tổ quốc ta, đồng bào các dân tộc Việt Nam ta đang thể hiện hàng ngày. Tất cả những điều này báo hiệu rằng: Ngành nhiếp ảnh Việt Nam trong tương lai sẽ có những bước tiến vĩ đại và sẽ xuất hiện những nghệ sĩ thiên tài!”. Nhận xét đó quả là linh nghiệm. Ông viết những lời nhận xét này khi xem triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 16 năm 1990. Năm 2006, mười sáu năm sau, Đại hội FIAP lần thứ 28 tổ chức tại Trung Quốc, nhiếp ảnh Việt Nam đã giành thắng lợi: Đoạt Huy chương Vàng dành cho bộ ảnh Cuộc sống đời thường ở Việt Nam, đứng thứ nhì sau Trung Quốc. Đại hội FIAP lần thứ 29 tổ chức tại Slovakia, Việt Nam giành thắng lợi lớn hơn: Đoạt Cúp FIAP cho bộ ảnh đen trắng 10 tác phẩm về chủ đề Nếp Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên Việt Nam, đứng thứ nhất trong số 46 quốc gia dự thi. Thật là vinh quang tột đỉnh và Việt Nam lại có thêm ba nghệ sĩ: Hoàng Quốc Tuấn, Lê Hồng Linh và Thu An được thụ phong tước hiệu là nghệ sĩ Bậc Thầy FIAP. Nghệ sĩ Đào Tiến Đạt, Lê Hồng Linh và Trần Phong đoạt hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc, Đồng quốc tế. Thế kỷ XXI Việt Nam đã có vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế.
Đạt được thành tựu đáng kể như trên vì tầm nhìn của người đứng đầu và Ban chấp hành những khóa trước biết nhìn xa trông rộng, chú trọng đến việc giao lưu ở trong nước và quốc tế. Đoàn nhiếp ảnh các tỉnh trao đổi gặp nhau đi sáng tác. Từ giữa năm 1985, Ban chấp hành đã cử các đoàn nhiếp ảnh xuất ngoại, đi giao lưu quốc tế 3 nước Đông Dương, ở Thái Lan, Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức; cử đoàn nhiếp ảnh đi dự Đại hội nhiếp ảnh quốc tế FIAP và đứng ra đăng cai tổ chức triển lãm tác phẩm của các tác giả danh tiếng thế giới đăng cai tổ chức Đại hội FIAP tại Việt Nam, tổ chức hội thảo với chủ đề: Nhiếp ảnh Việt Nam giao lưu phát triển và hội nhập quốc tế. Nhờ đó mà tầm nhìn trong ống kính các nhà nhiếp ảnh được rộng mở hơn.
3. Các nhà lãnh đạo Hội Nhiếp ảnh lớp trước luôn chú trọng đến giao lưu, hội nhập, phát triển và quyết tâm đưa nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam có thời kỳ đạt vinh quang tột đỉnh. Các thế hệ nghệ sĩ lớp sau không giữ vững và phát huy được, đó là điều đáng tiếc.
Thành tựu khoa học trong giai đoạn công nghệ thông tin thế giới phát triển mạnh, ảnh kỹ thuật số nhanh chóng hạ bệ công nghệ chụp ảnh bằng phim nhựa. Cách tạo hình trong nhiếp ảnh có thể thay đổi theo ý muốn, làm cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh xa dần hiện thực, dùng photoshop chắp ghép tùy tiện “đầu Ngô mình Sở”. Chụp ảnh khi trời không nắng, đem lắp thêm trên phông trời mây nổi cuồn cuộn hoặc chụp ảnh mùa thu lại lắp ghép mây mùa hạ hoặc ảnh chụp khi trời đang nắng làm giả mưa, đến nỗi trong một cuộc gặp gỡ tổng kết cuối năm ở Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia, nghệ sĩ lão thành Lê Vượng (vừa mất) khi còn sống cụ lắc đầu than thở: Bây giờ nhiều ảnh “giả” quá! Những tác phẩm chụp thật có giá trị không được trưng bày, chán thật!
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành đánh tiếng báo động: “Hiện nay, trong khi hội nhập và phát triển đã du nhập nhiều luồng, nhiều phương pháp tiếp cận mới trong nhiếp ảnh. Những sáng tạo theo đúng nghĩa đang vắng bóng trên diễn đàn nhiếp ảnh nước nhà! Hơn thế nữa, trong nhiều năm co cụm trong khuôn mẫu FIAP, một tổ chức nhiếp ảnh thế giới mà họ tự nhận là “nghiệp dư”! Phải chăng những bộ ảnh được FIAP trao giải về những người già vùng dân tộc lạc hậu có làn da đen đủi, nhăn nhúm, những ánh mắt vô vọng hay những bức ảnh kỹ thuật số lắp ghép mà người ta hy vọng giống hội họa, nhưng sẽ chẳng bao giờ giống hội họa cả. Những bức ảnh mà đã có những nghệ sĩ đích thực ví von là “xác ướp” bởi nó cứng nhắc và vô hồn”.
Khoảng trên 10 năm nay, Ban lãnh đạo Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh đang tung hô cổ súy cho phương pháp chấm “online” là tiên tiến, là hiện đại, bởi tốn ít tiền làm ảnh giấy cho các nhà nhiếp ảnh, là khoa học và nhanh như tia chớp! Tôi đã chứng kiến về cách chấm này, ở tầm quốc gia và cả quốc tế nữa. Chỉ cần 3 ngày là chấm xong 10 nghìn ảnh như chơi. Khi thì chấm tập thể, máy tính dàn hàng ngang, các “quan giám khảo” xem ra rất oai, chính quy và hiện đại, khi thì chấm cá thể, chấm tại nhà riêng của từng Ủy viên Ban giám khảo. Chấm cháp kiểu này đích thị là “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”! Nhưng than ôi, tác phẩm được chấm “chết oan” nhiều lắm! Sẽ có một dịp khác tôi sẽ đề cập kỹ hơn về lợi hại, thua thiệt bằng cách chấm “online”.
Tôi không hẳn là người bảo thủ vì đã nhiều năm từng làm giám khảo và cũng thử ngồi chấm trên màn hình máy tính nhưng cũng đủ thời gian để suy nghĩ và nhận biết: Chấm theo phương pháp truyền thống, loại trừ dần những tác phẩm yếu kém, không đạt nội dung và hình thức thể hiện, thực hiện theo phương pháp “đồng hiện” đạt chuẩn hơn cả.
Kết quả nhãn tiền cho thấy chọn ảnh đã không chuẩn. Ảnh xét giải khi đưa ra triển lãm, người xem mới thấy rõ là Ban giám khảo nhận xét sai nhiều quá. Tác giả là nhà nhiếp ảnh, nhà báo Cao Minh đã có bài viết trên báo Văn nghệ Công an dài cả trang báo, chỉ ra những bất cập yếu kém nhưng Ban chấp hành và Hội đồng nghệ thuật vẫn bỏ ngoài tai. Báo An ninh Thủ đô có một nữ tác giả “dọn vườn” cuốn sách ảnh được giải, tổng kết trong năm năm. Bài viết chê Ban giám khảo của hai năm đều chọn giải A trúng một tác phẩm cùng đề tài, chỉ khác tên tác giả và thay đổi chút ít trong đặt tên tác phẩm. Bài viết cũng dài cả trang báo nhưng Ban lãnh đạo Hội vẫn cố tình làm ngơ.
Đọc xong bài viết của nữ tác giả này, tôi nhớ lại bài viết có tính dự báo của một nghệ sĩ lão thành, một nhà quản lý và là một cây bút lý luận phê bình nhiếp ảnh có chính kiến – nghệ sĩ Nguyễn Đức Chính (cũng mới qua đời). Ông viết trên Tạp chí Nhiếp ảnh số 293, ra tháng 9/2012, có đoạn viết: “… Dần dà những nghệ sĩ rường cột lớp trước đã ra đi. Một lớp nghệ sĩ trẻ được giao công việc quản lý. Đó là xu thế đúng… Nhưng ở nghệ thuật nhiếp ảnh, việc chuyển giao này đã diễn ra trong giải pháp tình thế. Những viên chức chưa được chuẩn bị kế thừa, vốn đã thiếu bề dầy nghệ thuật lại không từng kinh qua công tác xã hội để hiểu trách nhiệm chính trị - xã hội, nghề nghiệp của tổ chức mình, cho nên tiếp tục trượt dài trên con đường sự nghiệp!...”. Lời tiên đoán của nghệ sĩ lão thành Nguyễn Đức Chinh quả là chính xác. Họ trượt dài thật. Trên diễn đàn nghệ thuật quốc tế vắng bóng nhiếp ảnh Việt Nam. Một cú trượt dài chấn động qua cuộc thi và tổng kết 30 năm nhiếp ảnh hội nhập và đổi mới gây xôn xao dư luận bởi hàng chục bài viết ở trong nước lên tiếng công kích Ban lãnh đạo Hội làm sai mục đích và thiếu trong sáng trong việc tuyển chọn tác phẩm, tiếng tăm loang ra cả đài BBC bên Anh quốc.
Những nhà nhiếp ảnh lớn tuổi có kinh nghiệm làm giám khảo nhưng vì có những “ý kiến khác” liền bị gạt ra, đưa những nhân sự vào Ban giám khảo khi chụp ảnh còn chưa “sạch nước cản” thay thế, làm giám khảo chấm ảnh cho những nghệ sĩ bậc thầy, làm sao họ chịu nổi. Sự kiện này diễn ra ở Liên hoan khu vực sông Hồng tổ chức tại Hải Phòng là một ví dụ.
Do những diễn biến như trên và thời gian cũng đã hết nhiệm kỳ nên mới có cuộc bầu Ban chấp hành mới năm 2020 để thay đổi bầu không khí. Tôi đặt nhiều niềm tin và hy vọng vào Ban chấp hành mới, một thế hệ lãnh đạo mới nhằm đưa nhiếp ảnh Việt Nam vững bước tiến lên một tầm cao mới.
4. Ý kiến của tôi về nghệ thuật nhiếp ảnh được tóm gọn như sau: “Nhiếp ảnh là ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình đặc trưng phản ánh trực diện thiên nhiên - cuộc sống - con người và thời đại mà ít ngành nghệ thuật nào có được”.
Nhiếp ảnh Việt Nam đang có xu hướng sùng ngoại. Hội nhập thì có nhưng không thể bị hòa tàn, không thể rời bỏ chủ nghĩa hiện thực được.
Cái nạn dịch photoshop đang là những con virus phá hoại công nghệ thông tin, đang phá hoại nền nhiếp ảnh nghệ thuật truyền thống và đương đại Việt Nam vốn đã có những cống hiến lớn lao, những thành tựu rực rỡ được ghi nhận.
Với nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, tôi có thể hình dung rằng: Hiện tại và cả tương lai như một cây cổ thụ có nhiều cành, nhiều nhánh, nhưng hiện thực trong nhiếp ảnh nghệ thuật vẫn là dòng chủ đạo, vẫn là thân cây và gốc rễ của cây cổ thụ ấy.
Các trường phái, các thể loại chỉ là những cành, những nhánh, giúp cho cây cổ thụ ấy tiếp tục đơm hoa kết trái mà thôi.