Đồ chơi dân gian Tết Trung thu
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:32, 17/09/2019
Nhớ ngày còn nhỏ, cứ gần đến đầu tháng 8 âm lịch là ông ngoại tôi lại tìm những đoạn tre khô chuốt nan, bồi giấy, quấy hồ để làm đèn kéo quân và đèn ông sao cho các cháu. Mỗi đứa đều được ông làm cho một chiếc đèn. Đứa này đèn ông sao, đứa kia đèn lồng, đèn mũ ni đủ cả. Riêng đèn kéo quân, ông chỉ làm một chiếc để cả nhà chơi chung.
Trải nghiệm làm đồ chơi trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Đặng Thủy
Nhớ ngày còn nhỏ, cứ gần đến đầu tháng 8 âm lịch là ông ngoại tôi lại tìm những đoạn tre khô chuốt nan, bồi giấy, quấy hồ để làm đèn kéo quân và đèn ông sao cho các cháu. Mỗi đứa đều được ông làm cho một chiếc đèn. Đứa này đèn ông sao, đứa kia đèn lồng, đèn mũ ni đủ cả. Riêng đèn kéo quân, ông chỉ làm một chiếc để cả nhà chơi chung.
Đèn kéo quân hình lăng trụ, có 6 mặt được dán bằng giấy xuyến chỉ mầu trắng đục. Những chiếc nan tre được ngoại tôi chuốt kỹ, lắp ráp với nhau bằng những lỗ dùi và thít buộc chặt bằng lạt giang tước mỏng. Những chiếc gióng trụ đèn đều được cuốn bằng giấy các mầu. Giấy trang kim vàng óng ánh được trổ thủng thành những họa tiết để dán vào phần đầu và phần chân các trụ đèn, khiến cho đèn kéo quân thêm đẹp và lộng lẫy.
Sáu mặt giấy xuyến chỉ, được ông ngoại tôi tỉa vẽ rất cầu kỳ. Phía dưới cùng là bãi cỏ xanh có những ụ đất, mờ mờ ảo ảo. Phía trên là bức tường thành, cổng thành cao vời vợi những đám mây xốp và những tán lá xum xuê. Phần giữa, giữ nguyên giấy trắng để làm chỗ cho quân cù lướt chạy. Phần trong đèn kéo quân có một trục tre vót tròn nhỉnh hơn chiếc đũa. Bên trên là chiếc chong chóng bằng giấy có nhiều múi để hứng gió. Trục dưới gắn một chiếc kim nhọn, đầu kim này đặt trên một chiếc đĩa sứ nhỏ được gắn chặt vào đế đèn, khi có gió chong chóng sẽ quay tròn. Bên dưới chong chóng là ba chiếc vòng tròn bằng tre mỏng cách nhau 5cm đến 6cm. Các quân cù như tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt được vẽ vào bìa cứng rồi cắt rời từng nhân vật, sau đó dán chặt vào những vòng tre này. Một cây nến được đốt lên trên chiếc đĩa sứ bên trong đèn. Theo nguyên tắc đối lưu, không khí bị đốt nóng sẽ tạo thành luồng gió luân chuyển làm quay chiếc chong chóng khiến cả ba vòng tướng sĩ bên dưới cũng quay theo. Bóng của chúng hiện hình trên sáu mặt giấy bên ngoài.
Điều kỳ thú khi xem đèn kéo quân là ở chỗ, mặc dù tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt đều là hình tĩnh, nhưng khi đèn được đốt nóng, chong chóng quay tròn ba vòng cùng chuyển động thì các quân sĩ lại trở nên sống động kỳ lạ. Làm cho người xem có sự liên tưởng đây là trận công thành dồn dập và ác liệt. Từng đoàn quân giáo gươm tua tủa, voi, ngựa, xe lớp lớp nhấp nhô, quân sĩ trùng trùng điệp điệp. Lại nghe như có tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng thét của ba quân xung sát trận tiền. Xem mãi mà không chán…
Tàu thủy - đồ chơi trung thu làm bằng sắt tây. Ảnh: Lê Bích
Như thường lệ, cứ gần Tết Trung thu năm nào ba tôi cũng ra phố Hàng Mã mua về một ông Tiến sĩ giấy, với mong muốn con cái sau này học hành giỏi giang đỗ đạt vinh hoa. Thứ đồ chơi này tôi rất mê và háo hức. Năm nào tôi cũng thấy ông tiến sĩ giấy đẹp vô cùng. Ông Tiến sĩ ngồi trang nghiêm trên bục, áo gấm vàng có nhiều hoa văn như mây lượn. Quanh cổ áo có hình in lưỡng long triều nhật, giữa ngực áo có biểu tượng của mặt hổ phù. Dưới vạt áo in hình sóng nước. Tay ngài khuỳnh khuỳnh ôm khư khư chiếc hốt nạm ngọc. Ngài mặc quần nhiễu trắng, chân đi hài đen in hoa văn chìm. Phía sau là chiếc lọng vàng có tua rua xanh đỏ. Hai bên là hai lá cờ ngũ sắc viền đuôi nheo, phía trước Ngài là hai tấm bảng vàng viết chữ Nho. Ông nào đỗ tiến sĩ thì được vua ban tiến sĩ. Ông nào đỗ Trạng nguyên thì được vua ban hai chữ Trạng Nguyên.
Trên mâm cỗ trông trăng, ông tiến sĩ được bầy ở vị trí trang trọng nhất. Sau đó là mâm ngũ quả, bánh trung thu. Mẹ và tôi còn bóc từng múi bưởi tẽ ra rồi ghép lại thành chú chó bông xù ngộ nghĩnh. Những ngọn nến lung linh được mẹ thắp lên trong đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, càng làm tăng thêm vẻ huyền ảo trong đêm trăng rằm.
Và một thứ không thể thiếu cho hai cậu em tôi đó là chiếc tầu thủy bằng sắt tây có bánh lái được mang ra ao làng để thả. Chiếc tầu dài khoảng 40cm, thân sơn màu vàng, phần giáp nước sơn màu xanh đậm, trên boong có ụ súng bảo vệ, tháp canh, đài chỉ huy, cột cờ và ống khói, lại cả máy bay chiến đấu xếp hàng như trên chiếc tàu hàng không mẫu hạm. Tất cả các thứ trên boong tàu đều được gắn vào mũi tàu bằng chiếc bản lề. Người ta có thể nhấc cả cụm trên boong tầu lên. Bên trong tàu có một chiếc phao nhỏ, trong đựng miếng bông gòn tẩm đầy dầu hỏa có cái bấc nhỏ thò đầu ra ngoài. Phao dầu được đặt trên miếng sắt tây hàn chấm một đầu gọi là lưỡi gà. Có hai ống muống phía sau mạn tàu. Sau khi bị đốt nóng, mảng sắt tây rung lên tạo ra tiếng nổ "tành tạch…" như tiếng máy tàu. Khi phao dầu được đốt cháy lên, tạo thành luồng khí nóng theo hai ống muống thổi ra phía sau đẩy tàu tiến lên phía trước. Muốn tàu chạy vòng tròn thì ta chỉ cần bẻ cong bánh lái được gắn dưới đáy tàu. Chiếc tàu thủy còn có những ô cửa sổ tròn lung linh ánh sáng. Trên boong cờ bay phần phật, tiếng máy nổ giòn, ống khói nhả từng cuộn đen nghi ngút. Con tàu rẽ sóng ra khơi. Lũ trẻ trên bờ tha hồ thả hồn tưởng tưởng về những chuyến viễn dương, tới những chân trời xa lạ, đầy hấp dẫn.
Những đồ chơi này ngày nay ít thấy người ta bày bán trên các sạp đồ chơi cho trẻ, mà chỉ thấy các loại đồ chơi được du nhập từ nước ngoài. Nếu muốn mua ông Tiến sĩ giấy thì phải tìm về gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Muốn mua đèn kéo quân thì tìm về nhà ông Nguyễn Văn Quyền, là nghệ nhân ưu tú ở làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. Còn ông Nguyễn Văn Mạnh Hùng, hiện nay là nghệ nhân duy nhất làm đồ chơi bằng sắt tây ở làng Khương Hạ, Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Vài năm trở lại đây, vào dịp Tết Trung thu, nhiều ông bố bà mẹ đã đưa các con về các vùng quê, gặp gỡ nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống làm đồ chơi dân gian, cùng các con vui chơi, trải nghiệm những trò chơi như: Thả diều, kéo co, đánh khăng, đánh đáo, rồng rắn lên mây… Vừa như được sống lại những năm tháng tuổi thơ, vừa được vui chơi cùng con trong một không gian thoải mái và được hít thở không khí trong lành. Từ đó, giúp cho trẻ có được sự hiểu biết, đoàn kết, tăng thêm tình yêu quê hương đất nước. Việc này cũng phần nào giúp cho các nghệ nhân có thêm động lực giữ lấy nghề của ông cha để lại.