Hà Nội: Hàng loạt khu đô thị chậm bàn giao hạ tầng

Kiến trúc - Ngày đăng : 16:31, 02/05/2022

Thời gian qua, tình trạng nhiều dự án bất động sản, khu đô thị dù bàn giao nhà cho người mua về ở nhưng không chịu hoàn thiện hạ tầng theo đúng quy hoạch được duyệt.
Sau khi đưa vào sử dụng một thời gian, không ít khu đô thị (KĐT), dự án nhà ở vẫn thiếu đường, chưa có trường lớp, nhà hội họp…, khiến cư dân bức xúc, kiến nghị lên các cấp thẩm quyền.

Chủ đầu tư “om” đất hạ tầng

Mới đây, Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri TP Hà Nội về việc đề nghị chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) phối hợp giải quyết triệt để những tồn tại của các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư. Tại nhiều KĐT, hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, nhiều ô đất có chức năng công cộng, trường học còn để trống, chưa triển khai thực hiện.

Một góc Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp mở rộng. Ảnh: An Thanh
Một góc Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp mở rộng. Ảnh: An Thanh

Cụ thể, tại dự án KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, HUD còn 3 lô đất chưa đầu tư xây dựng do phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị H2 - 4, tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.

Tại dự án KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm, HUD còn 4 lô đất CC2, NT2, TH4, TH2 có chức năng công cộng, nhà trẻ, trường tiểu học chưa triển khai xây dựng do chưa giải phóng mặt bằng và phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho phù hợp với Quy hoạch phân khu H2 - 4 đã được phê duyệt.

Đáng chú ý, tại dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, hiện nay, HUD còn 8 lô đất chưa đầu tư xây dựng do chưa GPMB và Quyết định số 6499/QĐ-UBND ngày 27/11/2015 đã điều chỉnh chức năng một số ô đất, cần cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cục bộ các lô đất.

Ngoài ra, tại dự án KĐT Định Công, cũng còn 1 lô đất chưa được đầu tư xây dựng là lô đất NT2 có diện tích 6.745,42m2. Với lô đất này, ngày 31/2/2008, HUD đã ký hợp đồng chuyển giao hạ tầng cho trường Đại học công nghệ Vạn Xuân. Trên cơ sở đó, trường đại học này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Tổng Công ty HUD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trường Đại học công nghệ Vạn Xuân chưa đầu tư xây dựng công trình...

Về vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, HUD là công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Những năm qua, Tổng Công ty đã tham gia tích cực trong phát triển nhà ở và KĐT với nhiều dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên khắp cả nước. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng thừa nhận trong quá trình đầu tư, một số dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai còn một số tồn tại như cử tri phản ánh.

Trước thực trạng nêu trên, phía Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước sẽ chỉ đạo Tổng Công ty HUD tập trung đẩy mạnh công tác chuẩn bị và triển khai đầu tư tại các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai, sớm khắc phục các tồn tại nêu trên.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, trên địa bàn quận hiện có 17 dự án chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ phát, nhưng chậm triển khai, thậm chí có dự án đã chậm triển khai gần chục năm. Việc các dự án chậm triển khai với nhiều tồn tại như đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều ô đất còn để trống trong thời gian dài dễ dẫn đến các vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về quản lý đất đai.

Vì vậy, UBND quận Hoàng Mai phải thường xuyên kiểm tra, rà soát đôn đốc các chủ đầu tư đưa dự án vào sử dụng cũng như báo cáo TP Hà Nội về tình hình triển khai thực hiện của chủ đầu tư. Hiện, UBND quận đã có văn bản báo cáo UBND TP đề nghị thu hồi 2 dự án trường học tại KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp, đề nghị giao cho UBND quận thực hiện xây dựng trường công lập.

Sớm hoàn thiện hệ thống chính sách

Theo đại diện Sở QH - KT Hà Nội, các dự án KĐT trên địa bàn TP đều đã được duyệt quy hoạch chi tiết với đầy đủ hạng mục hạ tầng, cảnh quan, kiến trúc, giao thông… Đặc biệt, các dự án phải bảo đảm tỷ lệ đất và xây dựng công trình giáo dục phù hợp với quy chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc đầu tư công trình công cộng mà chỉ chú trọng xây căn hộ để bán. Điều này dẫn đến thực trạng tại nhiều KĐT nhà ở đã cũ nhưng những công trình tiện ích công cộng chưa có, điển hình là thiếu các công trình trường học.

Về trách nhiệm quản lý đất đai, hạ tầng trong KĐT, theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP, chủ đầu tư cấp 1 có trách nhiệm quản lý dự án trong quá trình xây dựng và bàn giao lại các khu vực công cộng cho chính quyền địa phương sau khi kết thúc dự án. Nhưng rất nhiều dự án thực hiện nhiều năm mà chưa bàn giao hạ tầng.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, tại quận Hà Đông mới chỉ có 3/13 dự án đã bàn giao và đều bàn giao một phần; quận Nam Từ Liêm có 10/55 dự án thực hiện bàn giao; tại quận Thanh Xuân KĐT Trung Hòa – Nhân Chính đã hoàn thành từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao hạ tầng cho chính quyền...

Có tình trạng chủ đầu tư thực hiện quy hoạch các ô đất phát triển hạ tầng xã hội vào những vị trí khó thực hiện GPMB (đất nghĩa trang) nên các hạng mục chậm triển khai. Thậm chí, tại một số KĐT, chủ đầu tư sử dụng sai mục đích những khoảng đất chưa xây dựng theo quy hoạch để khai thác lợi nhuận (bãi đỗ xe, diện tích kinh doanh dịch vụ…).

Về nguyên nhân của tình trạng này, TS Nguyễn Thị Diễm Hằng - Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho hay, điểm bất cập là Hà Nội chưa ban hành quy trình bàn giao hạ tầng các KĐT, không có quy định về thời điểm bàn giao hạ tầng trong bối cảnh các dự án đều vừa xây dựng, vừa đón dân về ở. Bên cạnh đó, cũng không có quy định về điều kiện hạ tầng như thế nào mới được bàn giao nhà ở cho dân. Vì vậy dễ dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án không hoàn thiện hạ tầng và bàn giao như hiện nay.

Nhằm khắc phục những bất cập, các chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội cần sớm hoàn thiện mô hình quản trị KĐT; đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách như: quy trình xây dựng dự án, bàn giao hạ tầng dự án KĐT…

kinhtedothi