Không giao bài tập về nhà cho học sinh đã được học 2 buổi/ngày
Tin tức - Ngày đăng : 11:10, 20/09/2019
Ảnh minh họa, nguồn: internet
Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tiểu học đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cần tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày thiết thực phù hợp với điều kiện của trường và thời lượng tối đa 7 tiết học/ngày theo định hướng sau:
Học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành nội dung học tập tại lớp. Không giao bài tập về nhà cho học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Tổ chức cho học sinh tham gia các môn học/hoạt động giáo dục tự chọn, tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khoá.
Đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm tăng thêm thời lượng học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học, trọng tâm là môn Tiếng Việt, Toán hoặc tăng cường tiếng Việt bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú để học sinh có nhiều cơ hội giao tiếp tiếng Việt. Tổ chức thực hiện tăng thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết – 500 tiết ở những lớp 1 có học sinh dân tộc thiểu số được học 2 buổi/ngày.
Khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học một cách linh hoạt, đa dạng. Nhà trường cần có biện pháp cụ thể, nghiêm túc để quản lí, kiểm tra việc thực hiện các điều kiện về an toàn thực phẩm và các quy định của bếp ăn bán trú nhằm đảm bảo sức khoẻ cho học sinh.
Phối hợp với ngành y tế để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm, xây dựng khẩu phần ăn, cách chăm sóc học sinh trong thời gian ăn, ngủ trưa tại trường cho đội ngũ nhân viên phục vụ công tác bán trú. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” tại các cơ sở giáo dục tiểu học có tổ chức bán trú.
Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT cần tích cực, chủ động tham mưu với chính quyền địa phương để có Nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục của địa phương, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch, tăng cường các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo các điều kiện chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giảm thiểu tối đa tỉ lệ học sinh bỏ học.