Nhà văn Nguyễn Hiếu: Nồng nàn một tình yêu Hà Nội

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:13, 21/09/2019

Trong làng văn, nhiều người biết đến, quý trọng sức viết, sức sáng tạo của nhà văn Nguyễn Hiếu. Ông viết nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch đến phê bình văn học... và thể loại nào cũng gặt hái nhiều giải thưởng.
Nhà văn Nguyễn Hiếu: Nồng nàn một tình yêu Hà Nội

Gần 50 năm miệt mài cày ải trên cánh đồng nghệ thuật, ông có thể tự hào rằng mình là một nhà văn hiếm hoi sống được bằng nghề. Đặc biệt suốt nửa thế kỷ sáng tác, ông đã gửi vào các tác phẩm của mình một tình yêu tha thiết với Hà Nội, một Hà Nội vừa lung linh, hào hoa, vừa dở dang, đan xen những điều cũ mới.

Là nhà văn thì phải viết

Ai từng gặp nhà văn Nguyễn Hiếu ngoài đời cũng đều công nhận: “Văn đúng như người”. Văn phong của ông ngắn gọn, chấm câu liên tục, không mấy hoa mỹ cầu kỳ. Ngoài đời, ông nghĩ nhanh, nói nhanh, ánh mắt hoạt bát ẩn sau cặp kính trắng và chuyện thì tếu táo đến duyên. Đặc biệt, từ cách nói chuyện chân tình, gần gũi và cả thói quen đến giờ vẫn dùng khăn mùi xoa đều toát lên vẻ nhã nhặn của một trang nam tử Hà thành. Nhưng phải tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Hiếu đủ lâu mới hiểu, ông là người trực tính, thẳng thắn, sống nội tâm và hay xúc động, nhất là khi nhắc đến kỷ niệm cũ.

Có lẽ tại tâm hồn đa cảm vậy nên năng khiếu văn chương của Nguyễn Hiếu được phát hiện từ rất sớm. Năm lớp 8 (hệ 10 năm) ông đoạt giải Nhất cuộc thi viết truyện ngắn của trường phổ thông với tác phẩm Bác tôi. Năm 1970, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó đến nay, phải nói rằng hiếm nhà văn nào viết được nhiều tiểu thuyết như ông, 26 tác phẩm, tính từ tiểu thuyết đầu tiên: Người đàn bà quỷ ám (in năm 1988). Có thời, chỉ trong độ dăm năm (1988 - 1992), cái tên Nguyễn Hiếu được bạn đọc đón nhận liên tục với 13 cuốn tiểu thuyết, nghĩa là mỗi năm trung bình ông viết hơn 600 trang bản thảo.

Trong số đó, tiểu thuyết Bụi đường được giải Nhất về đề tài Giao thông vận tải và cuốn Tôi bán mình đồng giải Nhất trong cuộc thi tiểu thuyết tại thành phố Hồ Chí Minh. Chả thế mà những năm 90 của thế kỷ trước, nhà văn Ma Văn Kháng đã “phong” ông là “lực sĩ của văn xuôi Việt Nam”. Còn ông chỉ đơn giản nghĩ rằng “đã là nhà văn thì phải viết”. Bên cạnh năng lực viết “khỏe” ông còn được đánh giá là người viết được nhiều đề tài từ hài, viễn tưởng đến hiện thực... Trong đó được bạn đọc nhắc nhiều nhất là tiểu thuyết: Những mảnh trần gian (tiểu thuyết hài du ký); Tây tây, ta ta (tiểu thuyết hài); Dương gian trong sọt (tiểu thuyết tự sự hư cấu)...

Yêu văn học, nhưng sân khấu mới là lĩnh vực Nguyễn Hiếu đam mê và khát khao cống hiến nhiều nhất. Từ năm 2013 đến năm 2019, trong số gần chục kịch bản đã dựng thì ông đã tạo dựng cho mình ba cột mốc tiêu biểu cho sự sáng tạo, cách tân của mình. Năm 2013, vở diễn Chu Văn An - người thầy của muôn đời do Nhà hát Chèo Quân đội dựng theo kịch bản Thầy Chu của Nguyễn Hiếu đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Chèo, đồng thời đoạt Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cùng danh hiệu “Vở diễn hay nhất năm”. Năm 2016, Nhà hát Kịch Việt Nam dựng Kiều theo kịch bản Nguyễn Hiếu chuyển thể từ danh tác của thi hào Nguyễn Du. Vở diễn này đoạt Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017. Và năm 2019, sân khấu Lệ Ngọc dựng Tấm, Cám theo kịch bản Nguyễn Hiếu chuyển thể từ truyện cổ tích nổi tiếng, quen thuộc của nước ta. Vở diễn này sẽ tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế ở Nhật Bản năm 2020...

Viết để lan tỏa tình yêu Hà Nội

Nhà văn Nguyễn Hiếu: Nồng nàn một tình yêu Hà Nội

Phía sau sự vạm vỡ của một “lực sĩ” văn xuôi, một tư duy sắc sảo, đối kháng quyết liệt trên những trang văn là một Nguyễn Hiếu hào hoa, lãng mạn trong đời sống. Nhất là khi ông lim dim mắt đọc những vần thơ thiết tha về Hà Nội: “Hà Nội, vẫn Hà Nội thơm thuở thơ/ Đòn gánh cong gạt sợi heo may/ Dâm Đàm trâu vàng quầng chân chạy/ Bách Thảo mơ vàng mùi xoa kẽ tay…”. Ông kể rằng, những năm tạm chiếm, ông cùng mẹ về ở phố Duy Tân (phố Hàng Bài ngày nay). Quãng thời gian ngắn ngủi ấy đủ để Nguyễn Hiếu nhìn ngắm, thẩm thấu và yêu lúc nào không hay những con phố nhỏ và con người Hà Nội. Yêu đến độ ông cứ tiếc ngẩn ngơ cửa hàng hoa đầu phố Hàng Khay vì hồi ấy mỗi buổi sáng từ phố Duy Tân nhìn lên, ông luôn bắt gặp những người con gái Hà Nội mua những bó hoa còn đẫm sương đêm..., một hình ảnh đẹp và thơ mà ông ấn tượng tới tận bây giờ.

Những ký ức ấy sau này được ông vận dụng và miêu tả rõ nét trong tiểu thuyết Tình nhân. Đọc Tình nhân, người đọc có thể mường tượng ra một Hà Nội duyên dáng thâm trầm đẹp như trong tình khúc của Đoàn Chuẩn... với tiếng lá vàng rơi trong vườn Bách Thảo, mùi nước hoa và cách dùng mùi xoa điệu đàng của thiếu nữ tân thời một thuở, mùi phở ngõ Tạm Thương, mùi cà phê lãng đãng sớm hồ Gươm...

Thời gian sau này khi theo mẹ về quê ngoại, làng Chèm, cũng là khoảng thời gian lưu dấu trong tâm hồn đa cảm của ông nhiều kỷ niệm. Chính làng Chèm (trong các tác phẩm được ông đổi tên là Chiện), một làng cổ có dòng sông Hồng chảy qua cùng phong cảnh kỳ thú, nên thơ với những đầm ao, cánh đồng mênh mông, lũy tre xanh mướt, dốc làng hoang vắng nhiều huyền thoại, ngôi đình hàng nghìn năm, những am, miếu giữa làng... đã tạo ra chất hư ảo trong bút pháp của Nguyễn Hiếu.

Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên trong hơn 20 tiểu thuyết và hàng trăm truyện ngắn, hàng chục vở kịch, kịch bản phim của ông... có tới ba phần tư tác phẩm mô tả cuộc sống diễn ra tại làng và những số phận, mảnh đời ít nhiều gắn với làng Chèm, Hà Nội. Trong tiểu thuyết Chân trời vỡ đôi ông tái hiện bi kịch của người nông dân ngoại thành bị kẻ ác thao túng.

Tiểu thuyết Làng êm ả bên sông, ông viết về dòng chảy hiện thực của một làng cổ ven đô qua thăng trầm của các giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến nay... Trong những tác phẩm ấy, khung cảnh làng Chèm gần gũi quen thuộc đến mức có thể ngửi thấy mùi bếp ủ tro, hương nhài, hương hoa cau trong đêm, mùi rơm mục và tiếng giã giò để cho ra sản vật từng nức tiếng kinh thành “giò Chèm nem Vẽ”... hay có thể nhắm mắt hình dung ra những ngôi nhà cổ ẩn mình dưới các lùm cây cổ thụ, ngôi đình cổ với vết lún nứt lở lói của tường bao, do đê lấn mà như ngập sâu dưới lòng đất...

Thế rồi cũng vì yêu Hà Nội quá mà ông thấy buồn. Ông buồn vì Hà Nội bây giờ bị lai căng nhiều quá. Ông thở dài mỗi khi qua phố Hai Bà Trưng lại thấy tấm biển người ta đề: “Ở đây có bán lòng heo”. Ông buồn vì làng Chèm thơ mộng, nơi chứa đựng cả một vùng kỷ niệm về những lần đi vớt củi rều trên dòng sông, đi “nhói” ngô ở bãi giữa và về cả một ao sen rộng mênh mông mà ông cùng người cậu vạm vỡ của mình đã từng bơi một mạch sang bờ bên kia rồi nằm cười ha hả... giờ không còn nữa.

Ông thừa nhận tình yêu Hà Nội ngấm vào ông đôi khi quá quắt, đôi khi là một sự bảo thủ nhưng chính sự bảo thủ ấy mà chất Hà Nội trong con người ông vẫn còn. Chỉ có điều ông không muốn giữ tình yêu ấy cho riêng mình. Ông còn muốn hơn thế, và ông coi sự nghiệp viết văn là một sứ mệnh để truyền tình yêu Hà Nội, ham muốn giữ lại những gì đẹp đẽ của Hà Nội... đến với mọi người.

Nhà văn Nguyễn Hiếu sinh năm 1948, quê ở Phùng Khoang, Hà Nội. Năm 1970 ông tốt nghiệp khóa 12 Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1971 - 1973, ông làm biên tập, phóng viên tại Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng.

Từ năm 1974 - 2009, ông làm việc tại Ban Kinh tế - Khoa học - Công nghệ (VOV) Đài Tiếng nói Việt Nam. Gần 50 năm cầm bút, ông đã cho ra đời 26 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, hơn 60 kịch bản sân khấu (đã dựng trên 10 vở), gần 20 kịch bản điện ảnh (đã làm 8 phim), hơn 400 bài thơ đã in báo. Các tiểu thuyết mới nhất: Con ngố (NXB Lao Động 2007), Tình nhân (NXB Hà Nội 2009), Mặt nạ để đời (NXB Công An 2011). Truyện ngắn mới nhất: Trên mặt đất lại có người (NXB Hà Nội 2009); Kịch bản: Phim truyền hình: Con tàu lại ra khơi (VTV-1993); Chuyện đột ngột của làng ven sông (VTV-1996)... Kịch bản sân khấu mới nhất: Khi giàn mồng tơi gẫy dập (Nhà hát Kịch nói Việt Nam) do đạo diễn Lê Hùng dàn dựng năm 2011...

Hanoimoicuoituan