Chiếc mâm - nét văn hóa truyền thống của người Việt

Tin tức - Ngày đăng : 16:28, 03/05/2022

Chiếc mâm là vật dụng để xếp, bày thức ăn trong bữa cơm gia đình người Việt. Đây là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống, ẩn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng.
Chiếc mâm - nét văn hóa truyền thống của người Việt

Người châu Âu thường bày thức ăn và dùng bữa trên bàn. Người Việt lại khác, nơi dọn bữa ăn rất linh hoạt, có thể được dọn ra trên bàn, trên sập, trên phản, trên giường, thậm chí ngay trên nền nhà hoặc rải cái chiếu ra sân. Tất cả các món ăn đều được bày biện trong một cái mâm để cả nhà cùng quây quần thưởng thức.

Với người Việt, mâm dùng để bày thức ăn trong các bữa ăn hằng ngày gọi là mâm cơm; bày thức ăn tại các bữa tiệc (cúng, cưới...) gọi là mâm cỗ; bày đồ ăn để cúng gọi là mâm cỗ cúng... Lúc này, “mâm” được dùng làm đơn vị đo quy mô của bữa tiệc, quy mô của đám. 

Ngày xưa, chiếc mâm dọn cơm của các gia đình là mâm tre, mâm gỗ. Ở những nhà nghèo, chiếc mâm có thể là cái mẹt. Rồi mâm tròn bằng gỗ xuất hiện, thường làm bằng gỗ mít. Những nhà khá giả không dùng mâm gỗ mộc mà dùng mâm son (mâm sơn đỏ) hoặc sang trọng thì dùng mâm đồng.

Tuy nhiên, hầu hết nhà bình dân vẫn dùng mâm gỗ, sau này dùng mâm nhôm. Khi bắt đầu hoặc khi kết thúc bữa ăn gia đình, mọi người thường nghe lời người lớn nhắc nhở: “Dọn mâm ra đi con!” hoặc: “Xong rồi, bưng mâm đi con!”. Cái mâm được nhắc đến quen thuộc đến nỗi nó thay thế cho một bữa ăn trong cách gọi.

Chiếc mâm - nét văn hóa truyền thống của người Việt

Vào bữa, những đôi đũa được so đều đặn, đặt trên thành mâm, tỏa đều ra xung quanh. Ông bà, cha mẹ, con cái ngồi quây quần quanh chiếc mâm tròn, vừa ăn cơm, vừa nói chuyện về những công việc trong cuộc sống, cùng chia sẻ cho nhau những niềm vui trong một ngày làm việc.

Việc ăn chung mâm cũng là cách tinh tế để mỗi người trong gia đình hiểu khẩu vị của nhau mà tôn trọng nhau hơn (người thích món này, người thích món kia, sao cho trân trọng mà không trịch thượng, bắt bẻ hay đòi hỏi).

Ngồi mâm cơm, bố mẹ rèn con ngay từ nhỏ, đủ để biết khi chấm bát nước chấm chung không bao giờ được chạm đầu đũa riêng của mình vào, không chấm miếng đã cắn dở, không voọc đũa vào đĩa xào, gắp khéo léo hoặc có thìa xúc chung...

Khi nhà có người đi vắng chưa kịp về dùng bữa, cơm canh, thức ăn cũng phải dọn ra mâm, để trên bàn và đậy lồng bàn cẩn thận. Rõ ràng, hình ảnh mâm cơm phản ánh phần nào sự sang giàu, nghèo hèn và thể hiện được nét văn hóa trong đời sống của mỗi gia đình.

Nhà tôi có một chiếc mâm đồng màu mắt cua. Đó là quà cưới của bà ngoại tặng bố mẹ. Mẹ chỉ dùng chiếc mâm này để bày cỗ cúng ngày lễ, Tết hay có đám giỗ cho trịnh trọng, còn trong bữa ăn hằng ngày thì dùng mâm nhôm.

Ngày bé, tôi thắc mắc sao mẹ không bày cỗ lên mặt tủ thờ, hay mặt phản mà phải để trên mâm đồng thì được mẹ giảng giải đó là sự bày tỏ lòng tôn kính. “Các cụ dạy phải lên mâm, lên bát nên cỗ dứt khoát phải được bày vào mâm”, mẹ nói.

Chiếc mâm - nét văn hóa truyền thống của người Việt

Tôi vẫn nhớ, mâm cơm mùa hè của nhà tôi thường có một đĩa đậu Mơ rán béo ngậy, một bát cà pháo muối xổi giòn tan, một đĩa rau muống luộc xanh mướt, nước rau đánh sấu, một bát nước chấm dấm tỏi ớt và một món mặn đồng quê. Khi là ốc om chuối đậu, giả cầy om riềng mẻ, khi là thịt kho, cá kho.

Nắng có gắt đến mấy, ngày có oi đến đâu thì hình ảnh mâm cơm đạm bạc được đặt ngay trên giường khi nào nghĩ tới cũng thấy mát lòng. Nó khiến tình cảm gia đình thân thương và gắn bó sâu đậm. 

Rõ ràng, chiếc mâm tuy giản dị nhưng gắn bó vô cùng mật thiết với đời sống của mỗi gia đình. Ấy vậy mà bây giờ, nhiều gia đình không còn dùng mâm nữa. Bữa ăn được bày biện ngay trên bàn. Mâm cơm dường như chỉ còn là khái niệm. Vì thế mà với con trẻ, ý nghĩa của các câu tục ngữ, ca dao có hình ảnh cái mâm như: “Đũa mốc mà chòi mâm son” hay “Đôi ta làm bạn thong dong/Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”... trở nên xa lạ. Điều này thật đáng tiếc!

hanoimoi