Facebook nghe trộm chuyện "trên giường", đọc ý nghĩ người dùng như thế nào?
Tin tức - Ngày đăng : 21:43, 22/09/2019
Thời gian gần đây, nhiều người giật mình, hoang mang khi tìm ra bằng chứng mạng xã hội Facebook có khả năng “nghe trộm” và “đọc” ý nghĩ của người dùng(!?)
Facebook có thể "lột trần" cả suy nghĩ người dùng?
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị N.P.C, nhân viên truyền thông của một tập đoàn bất động sản cho biết: “Sáng nay, tôi và người bạn có nói chuyện trực tiếp về việc cho con học tiếng Anh. Chỉ 30 phút sau, tôi vào Facebook, đã thấy tràn lan quảng cáo các khoá học tiếng Anh. Trước đó, tôi không hề search trên bất cứ kênh thông tin nào về chuyện học hành này”.
Tương tự, một nữ nhân viên văn phòng kể, trong giờ nghỉ trưa, cô và một đồng nghiệp khác bàn chuyện có nên phun môi hay không, vậy mà sau đó cả tuần trời, Facebook tràn ngập quảng cáo của các spa về phun môi, thậm chí còn chạy quảng cáo tin nhắn!
Còn H., sinh viên năm cuối ĐH Quốc gia chia sẻ: “Em ra chợ tìm bộ đồ ngủ. Không ưng nên chưa mua, về nhà lên face thấy tràn lan quảng cáo shop đồ ngủ!”.
Thậm chí, cả những câu chuyện hết sức bí mật, riêng tư từ phía người dùng cũng bị Facebook “bóc mẽ”. “Tối hôm trước vợ chồng em nằm trên giường bàn chuyện mua một sản phẩm phục vụ chuyện "phòng the". Sáng hôm sau vào Facebook thì thấy y như cái mình đang muốn tìm. Mà trước đó em chưa hề tìm từ khoá hay cái gì liên quan!”, chị M.H (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Thậm chí chuyện của chị N.A còn ly kỳ hơn: “Mình dùng que thử thai thấy hiện 2 vạch nên khá lo lắng, liền chat với đứa bạn thân. Ai ngờ sáng sau lên Facebook hiện lên tư vấn bác sĩ: “Hai vạch nhưng chưa sẵn sàng phải làm sao?” Thật không hiểu chuyện gì đang xảy ra…”.
Cách nào để bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Cường, chuyên gia an ninh mạng của BKAV cho biết: Nhận định “trong đầu mình cần gì lên facebook hiển thị ngay” là không có cơ sở. “Để có thể biết được bạn đang cần gì, Facebook phải dựa trên hành vi bạn sử dụng trên các công cụ tìm kiếm hoặc các bên liên quan tiết lộ việc bạn đang muốn cái gì, từ đó gợi ý quảng cáo cho bạn. Bằng chứng đơn giản nhất là nếu bạn đang tìm kiếm 1 cái gì đó trên tiki và tài khoản tiki có tích hợp sử dụng Facebook thì Facebook cũng sẽ gợi ý quảng cáo về những gì bạn đã tìm kiếm trên tiki”, ông Cường phân tích.
Tuy nhiên, trước nghi vấn, ngay cả khi người dùng không tra cứu từ khóa, Facebook vẫn “bắt” được bí mật là bởi điện thoại bật tính năng nghe và thu âm giọng nói, ông Cường cho biết nhận định này được xem là đúng.
“Facebook không có quyền truy cập vào micro trừ trường hợp bạn cấp quyền, để quay video đăng lên bản tin của bạn! Do đó việc tắt tính năng nghe và thu âm giọng nói trên điện thoại cũng là cách để người dùng bảo vệ mình trên mạng xã hội”, ông Cường thông tin.
Trước thực trạng mạng xã hội ngày càng len lỏi vào cuộc sống của người dùng, khả năng lộ bí mật cá nhân rất cao, chuyên gia BKAV khuyến cáo: “Cách an toàn nhất để không bị nghe lén, là chiếc smartphone của bạn phải được cài phần mềm diệt virus có bản quyền cũng như sử dụng những mạng xã hội có các quyền và nghĩa vụ các bên sử dụng dữ liệu một cách rõ ràng".
Facebook từng thừa nhận đã trả tiền cho hàng trăm đối tác để chuyển các đoạn trò chuyện bằng âm thanh thành văn bản. Các đối tác của họ không biết các đoạn thoại này là gì, từ đâu tới, điều duy nhất họ biết là cần phải chuyển chúng thành dạng văn bản.
Nhiều cuộc trò chuyện của người dùng Facebook, đôi lúc có cả từ ngữ nhạy cảm, đều đã được những đối tác này nghe. Tuy nhiên, mạng xã hội này khẳng định, họ đã dừng chương trình "nghe lén" từ tháng 8/2019