Thanh Hoá nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:12, 25/09/2019
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối vệ sinh ATTP tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay ở cấp tỉnh đã lựa chọn và chỉ đạo xây dựng 7 mô hình chợ ATTP gồm: chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm Đông Hương, chợ Trường Thi, chợ Tân An - Tân Bình (TP. Thanh Hóa); chợ Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn); chợ Cột Đỏ (TP. Sầm Sơn); chợ thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn); chợ thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) được cấp giấy chứng nhận và công bố chợ ATTP theo TCVN 11856:2017.
Các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá phải được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ |
Trong đó, chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm Đông Hương được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn là mô hình thí điểm chợ ATTP cấp tỉnh. Sau một thời gian triển khai, mô hình chợ đã đem lại hiệu quả kinh tế và tạo được sự tin cậy cho người tiêu dùng (NTD) tại địa phương. Chợ đầu mối Đông Hương có diện tích lên đến 16.000m2 với trên 700 điểm kinh doanh cố định và 500 điểm kinh doanh không cố định.
Để các hộ kinh doanh, buôn bán thực phẩm tại chợ nâng cao kiến thức về ATTP, chấp hành các quy định của Nhà nước về ATTP, Sở NN&PTNT đã mở các lớp tập huấn cho tiểu thương, thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP giữa các hộ với Ban quản lý (BQL). Bên cạnh đó, BQL chợ đã thành lập tổ giám sát ATTP, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ, hướng dẫn ghi chép sổ sách nhật ký giám sát với khối lượng khoảng 1.000 tấn thực phẩm/ngày.
Mục tiêu đầu tiên trong việc xây dựng mô hình chợ thí điểm ATTP nhằm đảo bảo an toàn và quyền lợi cho NTD, đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của BQL chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng trong lĩnh vực ATTP.
Song, trên thực tế việc triển khai xây dựng chợ ATTP vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi, các chợ đang tồn tại trên địa bàn chủ yếu là chợ hạng 2, hạng 3, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp và cần có sự đầu tư cải tạo phù hợp với mục đích sử dụng. Các lực lượng chức năng còn gặp khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn các nguồn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống, rau củ quả do nguồn cung trong tỉnh không đủ, các tiểu thương phải nhập mối ở rất nhiều nơi. Một bộ phận các tiểu thương vẫn còn chạy theo lợi nhuận, lén lút kinh doanh các sản phẩm không đạt chất lượng yêu cầu.
Để mô hình chợ ATTP được nhân rộng và phát huy hiệu quả, rất cần sự chung tay và nỗ lực của các ngành, địa phương. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường giải pháp, cách làm hay, tăng cường trách nhiệm của ban quản lý chợ và ý thức kinh doanh của tiểu thương. Tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 19/3/2019 về tăng cường kiểm soát thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh đáp ứng các quy định về ATTP đến năm 2020, Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 về Quy định tiêu chí, trình tự thủ tục, hồ sơ công nhận, công khai xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, NTD đóng vai trò rất quan trọng trong việc nhận thức để thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP…
Việc phát triển các chợ theo mô hình ATVSTP là xu hướng tất yếu để các chợ truyền thống có thể đủ sức cạnh tranh với các siêu thị, đồng thời trở thành địa chỉ đáng tin cậy cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng.