Chậm do nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách
Tin tức - Ngày đăng : 14:06, 26/09/2019
Điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng tham dự.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đầu tư công thời gian qua đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chiếm khoảng 10,7% giá trị GDP, tương đương 32% vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, kéo lùi việc huy động các dòng vốn khác, gây lãng phí. Đồng thời, tăng nợ, giảm uy tín, ảnh hưởng đến doanh nghiệp...
Hiện, 31 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 50% kế hoạch được giao. Do đó, cần phải làm rõ hơn nguyên nhân của thực trạng này, tại sao có những đơn vị thực hiện được, nhưng lại có những nơi không đạt yêu cầu? Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất tại Hội nghị này là phải tìm giải pháp khắc phục, rút kinh nghiệm cho năm nay, để sang năm giải ngân kịp thời hơn, chặt chẽ hơn; kiên quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều thừa nhận, công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều vướng mắc khách quan, cũng như chủ quan như: Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, việc đấu thầu khó khăn…
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 9 tháng qua, cả nước đã giải ngân 192.136 tỷ đồng, đạt 45,17% kế hoạch, trong đó có 7 bộ, ngành đạt mức trên 70%. Tuy nhiên, nhìn chung, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu, có những bộ, ngành chỉ đạt dưới 30% kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của Bộ còn chậm do thực hiện 25 dự án mới hoàn toàn, trong đó có 11 dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, Bộ sẽ nỗ lực triển khai để đến cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân 95% (những năm trước chỉ đạt khoảng 80%).
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2019, nếu chỉ tính trên số dự toán chi đầu tư phát triển được HĐND thành phố quyết nghị, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư năm là 47.338 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố thực hiện 26.215 tỷ đồng, cấp quận, huyện là 21.172 tỷ đồng… Đến ngày 15-9, toàn thành phố đã giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2019 được 14.175 tỷ đồng, đạt 31,6% kế hoạch vốn giao đầu năm và đạt 29,9% kế hoạch vốn giao trong năm. Do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ giải ngân còn chậm.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố yêu cầu các cấp, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong đó, Giám đốc các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành cấp thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã… hằng tuần giao ban kiểm điểm, kiểm soát tiến độ triển khai từng dự án công trình, xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc…
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư bảo đảm điều kiện bố trí vốn thực hiện khởi công mới năm 2020. Cùng với đó là khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng của dự án để tổ chức đấu thầu, khởi công xây dựng 71/137 công trình thuộc nhóm khởi công mới năm 2019 nhưng chưa khởi công; tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp các công trình đang thi công, hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước…
Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những biện pháp quyết liệt của thành phố và đề nghị Hà Nội tiếp tục phát huy những cách làm này, phấn đấu cuối năm hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân đã đề ra.
Tiếp tục cập nhật...